Chung kết ACM/ICPC 2014: Đại học FPT lọt vào bảng xếp hạng với xếp hạng số 45
Có 2 đội tuyển cùng được góp mặt trong chung kết ACM/ICPC thế giới nhưng Việt Nam vẫn “trắng tay” khi chỉ 1 đội được lọt vào bảng xếp hạng với xếp hạng số 45. Thành tích được ghi bởi đội tuyển sinh viên đến từ Đại học FPT.
Đây là lần thứ hai Việt Nam có 2 đại diện được tham gia vòng chung kết toàn cầu là Đội tuyển của Trường Đại học FPT và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một lần nữa Việt Nam lại “trắng tay” khi không đội nào giành được huy chương. Các huy chương vàng, bạc đồng dành cho đội tuyển 12 trường ĐH, trong đó 4 trường từ Nga, 3 trường từ Trung quốc, còn lại là 5 trường đến từ Nhật Bản, Ba Lan, Đài Loan, Croatia, Slovakia.
Được biết, Đội tuyển Trường ĐH FPT xếp thứ 45 trong bảng tổng sắp - giải được 2/12 bài - đồng hạng với 34 trường Đại học khác cũng chỉ giải được 2 bài, trong đó có những trường ĐH danh tiếng trên thế giới như ĐH Standford (Mỹ), ĐH Cambridge (Anh)... Theo thông tin từ ban tổ chức, đề thi năm nay rất khó, có tới 4/12 bài không đội nào giải được. Đội vô địch chỉ giải được 7/12 bài, có tới 20 đội không giải được bài nào và 24 đội chỉ giải được 1 bài - đồng nghĩa với việc không có tên trong bảng xếp hạng thế giới.
Trong suốt quá trình tham gia thi đấu, hai đội tuyển của Việt Nam đã nỗ lực hết sức để cạnh tranh cùng các đối thủ giỏi giang, dày dạn kinh nghiệm. Trong đó, đội tuyển Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM đã nỗ lực nộp bài giải 10 lần liên tiếp, tuy nhiên đều không thành công và đành ghi tên mình trong danh sách các đội không giải được bài nào và không được xếp hạng. Điểm sáng le lói cho màu cờ Việt Nam trong cuộc thi CNTT cạnh tranh hàng đầu của thế giới này là đội tuyển lần đầu tiên tham dự vòng chung kết toàn cầu - Đội tuyển ĐH FPT - đã giải được 2 bài với tổng số 9 lần thử.
TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT chia sẻ về thành tích của đội tuyển trường ĐH FPT đại diện Việt Nam: “Đề thi năm nay rất khó, nhiều bài dường như không có lời giải. Tuy nhiên dù là lần đầu tiên vượt qua được các vòng đấu loại khu vực để tham dự vòng đấu chung kết thế giới, sinh viên ĐH FPT đã bước đầu khẳng định được mình khi giải được 2 trong tổng số 12 bài của cuộc thi, trong khi 44 đội khác chỉ giải được 1 bài hoặc không giải được bài nào. Thành tích này với ĐH FPT là sự khích lệ để SV của trường biết rằng mình là ai, ở đâu so với SV CNTT thế giới. Kết quả chưa được cao như mong đợi, tuy nhiên với thứ hạng 45, đồng hạng với ĐH Stanford (Mỹ), ĐH Cambridge (Anh), đứng trên ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) là động viên đáng giá với các sinh viên đang theo đuổi đam mê CNTT, ấp ủ hy vọng một ngày ngành CNTT nước nhà đuổi kịp với trình độ thế giới”.
Được biết, thứ hạng của đội tuyển Việt Nam tại lần thi đấu này cũng được cải thiện đáng kể so với lịch sử tham dự ACM/ICPC của Việt Nam khi xếp hạng trung bình của Việt Nam các năm thường rơi vào vị trí 60.
Có thể nói, với kết quả thu được tại vòng Chung kết ACM/ICPC toàn cầu 2014 lần này, SV ĐH FPT nói riêng và SV CNTT đại diện Việt Nam đi thi đấu nói chung có quyền hy vọng vào những bước cải thiện thứ hạng mạnh mẽ, rõ ràng và sắc nét hơn trong những năm sau.
“Không thể trông đợi một chiến thắng “ăn xổi” với đội tuyển lần đầu tham gia vòng chung kết thế giới ACM/ICPC như ĐH FPT, cũng không thể đòi hỏi các đội tuyển Việt Nam với lịch sử tham dự cũng như kinh nghiệm thi đấu còn non trẻ phải mang huy chương hay nằm trong top 5, top 10 khi đối thủ của các em là những tuyển mạnh đến từ những trường ĐH CNTT mạnh nhất và dày dạn kinh nghiệm nhất. Thực tế chỉ việc có tên trong danh sách 120 đội tham dự vòng chung kết thế giới đã là thành tích. Chúng ta có quyền hy vọng trong vòng 5 năm tới thứ hạng của màu cờ Việt Nam trên bảng tổng sắp sẽ khác” - TS. Lê Trường Tùng nói về đánh giá thực lực đội tuyển Việt Nam tại đấu trường lập trình và giải thuật lớn nhất thế giới dành cho sinh viên. “Giống như tuyển bóng đá Việt Nam với đích đến là vòng chung kết World Cup; tuyển ACM/ICPC Việt Nam còn chặng đường dài cần đi, nhưng khả quan hơn”, TS. Tùng chia sẻ thêm.
Vòng chung kết toàn cầu (World Final Round) cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC 2014 được tổ chức tại thành phố Ekaterineburg, Liên Bang Nga năm 2014 diễn ra trong hai ngày từ 22 đến 26/6, hội tụ 122 đội tuyển được đánh giá là xuất sắc nhất trong lĩnh vực Công nghệ thông tin trên khắp thế giới. Để giành được tấm vé bước vào vòng chung kết cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC, đội tuyển ĐH FPT trước đó đã giành giải Nhất chung cuộc vòng thi Khu vực được tổ chức tại Jakarta, Indonesia và tại vòng thi khu vực diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam. Tại 2 vòng thi này, đội tuyển ACM/ICPC Việt Nam liên tục khẳng định phong độ khi nằm trong top hai bảng xếp hạng toàn khu vực.
Từ năm 2006 tới nay, Việt Nam liên tục có đội tuyển nằm trong xếp hạng Top 100 trường Đại học ghi danh trong Chung kết toàn cầu ACM/ICPC. Đây được coi là một sân chơi trí tuệ uy tín, có lịch sử từ năm 1977. Cuộc thi dành cho sinh viên yêu công nghệ trên toàn thế giới, không phân biệt quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, các bài thi đòi hỏi tư duy xuất sắc và kết hợp nhuần nhuyễn về giải thuật và lập trình. Với cơ hội thi đấu và giành thứ hạng cao, sinh viên ĐH FPT đã góp phần tạo nên dấu ấn với bạn bè quốc tế về ngành CNTT của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tham gia vòng chung kết ACM/ICPC lần này, Đội tuyển ĐH FPT đã góp phần khẳng định nỗ lực, thực lực và quyết tâm để lại dấu ấn về màu cờ sắc áo Việt Nam trong một cuộc thi mang tầm quốc tế.