“Chứng chỉ IC3 Spark, IC3, MOS: Xu hướng đào tạo Tin học chuẩn quốc tế”
(Dân trí) - Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT công bố từ năm 2018 trong lĩnh vực tin học, nhiều trường trên toàn quốc đã và đang triển khai chương trình Tin học theo chuẩn đánh giá quốc tế IC3 Spark, IC3 và MOS.
Triển khai Tin học theo chuẩn quốc tế trong nhà trường ngày càng phổ biến
Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức dạy học môn Tin học và tổ chức hoạt động giáo dục Tin học (áp dụng từ năm học 2019 – 2020) đã định hướng mục tiêu và nội dung giảng dạy phù hợp cho các cấp học phổ thông. Nắm bắt xu hướng đổi mới chương trình Tin học, nhiều trường đã hợp tác với Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam - đại diện quốc gia của Tập đoàn khảo thí Tin học hàng đầu Thế giới Certiport (Hoa Kỳ) để triển khai các chương trình Tin học chuẩn quốc tế. Trong đó, chương trình đào tạo theo chuẩn IC3 Spark được áp dụng cho khối các trường tiểu học (TiH), chương trình đào tạo theo chuẩn IC3 được sử dụng cho khối trung học cơ sở (THCS) và chương trình đào tạo theo chuẩn MOS thường dành cho học sinh của khối trung học phổ thông (THPT).
Trên thực tế, ngày càng nhiều trường đã và đang triển khai thành công mô hình ứng dụng chương trình Tin học chuẩn quốc tế IC3 Spark, IC3, MOS trên toàn quốc như: THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam; THCS&THPT Nguyễn Tất Thành; THCS&THPT Chu Văn An; THCS&THPT Chuyên Ngoại ngữ; THPT Lương Thế Vinh; THPT Yên Hòa; THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ; THPT Phan Huy Chú; Tiểu học, THCS và THPT Archimedes Đông Anh; TiH - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm, TP HCM; THCS Phan Văn Trị, TP HCM; THCS Bình Khánh, TP HCM; THCS Lạc Hồng, TP HCM; THCS Hồng Bàng, TP HCM; THPT Chuyên Vĩnh Phúc; THPT Mỹ Hào, Hưng Yên; THPT Chuyên Sơn La;…
Những giá trị “vàng” khi triển khai chuẩn đánh giá Tin học quốc tế
Với chương trình IC3 Spark, các em có cơ hội tiếp cận từ sớm với công nghệ số ngay từ rất sớm để nắm được những kiến thức về máy tính cơ bản, biết cách sử dụng internet một cách thành thạo và an toàn. Đây cũng là thước đo để đánh giá đúng tình hình giảng dạy và học tập tin học cho các em học sinh tiểu học – bậc học làm nền móng cho các cấp học sau. Sở hữu chứng chỉ là minh chứng cho trình độ tin học của các em học sinh đang tương đương với học sinh cùng cấp lớp tại các nước tiên tiến trên thế giới, điển hình là Hoa Kỳ.
Trong số những địa phương triển khai thành công IC3 Spark, tỉnh Nam Định có thành tích nổi bật với tỷ lệ 93% các em học sinh từ 27 trường TiH tham gia thí điểm của tỉnh vượt qua bài thi sau 1 năm học chương trình mới. Trường PTLC Đoàn Thị Điểm Greenfield tỉnh Hưng Yên cũng có kết quả đáng ghi nhận khi sau 2 năm triển khai chương trình từ 2017, đã có hơn 4000 học sinh Trường được đào tạo theo chương trình Tin học Quốc tế, 90% học sinh của trường thi đạt chứng chỉ IC3 Spark năm học 2018 – 2019.
Với chương trình Tin học IC3 cho khối THCS, các em học sinh sẽ được học cách sử dụng, khai thác các phần mềm thông dụng và thực hành các kỹ năng công nghệ thông tin mang tính ứng dụng cao. Chứng chỉ IC3 được công nhận tương đương với chuẩn công nghệ thông tin cơ bản theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chứng chỉ IC3 cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận thay thế cho chứng chỉ nghề bậc THCS.
Một trong những ngôi trường thành công nhất trong việc triển khai đào tạo Tin học chuẩn quốc tế là THCS – THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội. Năm học vừa qua, 100% học sinh thi chứng chỉ IC3 của trường đều đạt điều kiện được cấp chứng chỉ.
Ở bậc THPT, chương trình Tin học chuẩn quốc tế MOS mang đến cho các em học sinh những kiến thức về tin học văn phòng để phục vụ tối ưu cho học tập và công việc trong tương lai. Các em học sinh sẽ có cơ hội sở hữu chứng chỉ do Tổng giám đốc Microsoft Thế giới ký tên, có giá trị vô thời hạn trên toàn cầu. Tại Việt Nam, chứng chỉ MOS được công nhận tương đương với chuẩn công nghệ thông tin nâng cao theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT và có thể thay thế cho chứng chỉ nghề bậc THPT. Đặc biệt, một số trường đại học tại Việt Nam đã áp dựng phương án xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ MOS như: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Hoa Sen, Đại học Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp,…
Nhiều trường THPT trên cả nước đã áp dụng thành công chuẩn đánh giá MOS trong hoạt động giảng dạy Tin học. Điển hình như năm học 2019-2020, trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội và THPT Chuyên Sơn La đều đạt thành tích cao trong công tác triển khai Tin học quốc tế MOS với tỷ lệ 99% các em học sinh thi đạt chứng chỉ. THPT Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh là trường đã có 6 năm giảng dạy chương trình Tin học quốc tế MOS. Học sinh của trường thường xuyên có tỷ lệ đỗ chứng chỉ cao và đặc biệt, 5 năm qua Nhà trường có thí sinh được giải cấp thành phố và 3 năm liền có thí sinh vào Vòng chung kết Quốc gia cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới.
Với xu hướng áp dụng các chuẩn Tin học quốc tế IC3 Spark, IC3 và MOS vào giảng dạy, trình độ Tin học của các em học sinh ngày càng được nâng cao, góp phần ngày một nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực tương lai cho đất nước.