Từ phản ánh của sinh viên Trường CĐ iSPACE:
Chuẩn đầu ra muộn khiến sinh viên lúng túng
(Dân trí) - Vừa qua, <i>Dân trí</i> có nhận được phản ánh của các sinh viên năm cuối, khóa I, ngành Kỹ thuật mạng máy tính, khoa Công nghệ thông tin Trường cao đẳng iSPACE (TPHCM) về việc trường ban hành chuẩn đầu ra vào năm học cuối khiến sinh viên bất ngờ.
Theo như phản ánh của sinh viên (SV) thì từ khi mới vào học, SV không được tư vấn gì về chuẩn đầu ra của trường. Nhưng đến ngày 25/4 thì trường ban hành văn bản yêu cầu SV phải có thêm một số chứng chỉ quốc tế thì mới xét cấp bằng tốt nghiệp.
Trong văn bản số 04/2011/QĐ/iSPACE, trường có quy định các chuẩn đầu ra là SV tốt nghiệp hệ Trung cấp phải đạt các chứng nhận sau thì nhà trường mới cấp bằng tốt nghiệp: Bác sỹ máy tính thực hành, Network+, MCSA hay MCITP SA, Bác sỹ hệ thống mạng, Nexans Product anh Basic Cabling systems Design và chứng chỉ TOEIC 250. SV tốt nghiệp hệ Cao đẳng, ngoài các chứng nhận như hệ trung cấp còn phải có thêm các chứng nhận: MCSE hay MCITP SE, CCNA, Cyberoam CCNSP và chứng chỉ TOEIC 350.
SV bức xúc xúc vì lúc mới vào học, không được nhà trường tư vấn gì về chuẩn đầu ra. Thế nhưng, khi SV sắp tốt nghiệp thì trường lại ban hành văn bản yêu cầu phải có thêm một số chứng chỉ quốc tế thì mới xét và cấp bằng tốt nghiệp.
“Chúng em đa phần là SV xa nhà, việc đóng học phí cũng khiến chúng em gặp nhiều khó khăn. Nay trường yêu cầu học thêm các chứng chỉ quốc tế với tổng chi phí cũng trên dưới 1.000 USD. Điều này năm ngoài khả năng của chúng em và gia đình. Nếu không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà trường thì chúng em không được cấp bằng để đi làm hoặc học liên thông”, nội dung thư phản ánh.
Trao đổi với Dân trí về nội dung SV phản ánh, ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng phòng tuyển sinh kiêm trợ lý Ban giám hiệu xác nhận SV phản ánh về chuẩn đầu ra là hoàn toàn đúng. Ông Hoàng cho biết: “Khi nhà trường ban hành chuẩn đầu ra là nhằm để nâng cao kiến thức cho SV. Chính tôi đã đến từng lớp nói chuyện và phân tích cho SV thấy mặt tích cực của vấn đề này. Hầu hết SV đều ủng hộ chủ trương của nhà trường, chỉ có SV khóa I sắp ra trường là hơi băn khoăn”.
Ông Hoàng cũng thừa nhận, đối với khóa I với 160 SV, ngày từ đầu trường không nhận ra nhưng trong qua trình đào tạo thì thấy rằng cần phải đưa ra quy định chuẩn đầu ra. Hơn nữa, đây cũng là làm đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Ông Hoàng cho biết thêm, quy định là vậy nhưng nhà trường không bắt buộc SV phải có được chứng chỉ của quốc tế cấp. Thực tế, những chứng nhận như Network+, MCSA, MCSE, hay Nexans Product anh Basic Cabling systems Design… nếu do quốc tế cấp thì đóng tiền thi rất cao, SV khó mà đạt được.
Do đó, trường chỉ khuyến khích SV nếu có điều kiện thì nên có các chứng nhận do quốc tế cấp để sau này ra trường dễ tìm việc làm. Còn theo trong quy định thì những chứng nhận đó là do nhà trường dạy và cấp miễn phí chứ không thu học phí. SV nào học và thi không đạt thì học lại với khóa sau.
“Các chứng nhận này SV đã được học trong chương trình học chính quy tại trường. Nhưng lúc đó, nhà trường không gọi là chuẩn đầu ra mà chỉ xem đó là môn học bắt buộc. SV học xong, nhà trường tổ chức thi và chấm điểm. Hoàn toàn không có chuyện, SV không có các chứng nhận đó thì nhà trường sẽ không cấp bằng để SV ra trường. Khi SV tốt nghiệp, nhà trường sẽ cấp thêm cho các bạn 1 hồ sơ tốt nghiệp để dễ đi xin việc làm. Nếu SV, không có các chứng chỉ đó thì trong hồ sơ tốt nghiệp nhà trường sẽ không ghi vào”, ông Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, chỉ có SV khóa I không bị ràng buộc bởi chuẩn đầu ra của nhà trường ban hành, “vì đó là khóa đầu nên trường làm còn lúng túng”. Còn các SV từ khóa II trở đi, nhà trường sẽ bắt buộc các bạn phải đạt được những chứng nhận đó khi ra trường. Việc học và thi các chứng nhận đó sẽ không phải tốn chi phí và kéo dài thời gian đào tạo. Hàng tháng, nhà trường sẽ mở lớp dạy và thi để cấp chứng chỉ.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng cho biết thêm: “Khi SV thi đậu các chứng chỉ do nhà trường dạy. Nếu các bạn có nhu cầu, nhà trường sẽ giới thiệu các bạn đi thi lấy chứng chỉ quốc tế. Lúc đó, các bạn mới phải đóng phí”.
Lê Phương