Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam: Hội chưa có ý kiến chính thức phản đối thi trắc nghiệm Toán
(Dân trí) - Sáng 13/9, GS.TS Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội Toán học đã có buổi trao đổi với báo chí liên quan đến Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 do Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Theo GS Dư, hiện nay Hội Toán học Việt Nam chưa có ý kiến chính thức về dự kiến thi trắc nghiệm môn Toán. Theo đó, Ban chấp hành Hội mới họp một buổi đầu tiên để bắt đầu nghiên cứu dự thảo, thảo luận và còn nhiều ý kiến cần tiếp tục thảo luận.
Riêng ý kiến của cá nhân ông, các phương thức thi trắc nghiệm hay tự luận đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Điều cần thiết là khi chúng ta lựa chọn phương thức nào, cần có sự chuẩn bị kĩ càng về điều kiện cần thiết cả về tổ chức cũng như nội dung đề thi, phương pháp tổ chức, mục đích sử dụng kết quả và tâm lý của thí sinh và xã hội.
“Việc tổng kết, đánh giá về những kết quả của các kỳ thi đánh giá trắc nghiệm đã qua là rất quan trọng. Trên cơ sở đó quyết định phương thức thi phù hợp cho thời gian tới. Ý kiến cá nhân tôi đối với các kì thi như xét tốt nghiệp phổ thông, thi trắc nghiệm nếu được chuẩn bị tốt, có thể khá phù hợp. Tuy nhiên, đây mới là cảm nhận ban đầu và cần được nghiên cứu kĩ càng hơn”, GS Dư cho hay.
Trao đổi với phóng viên về câu hỏi: “Liệu có thể làm một đề thi, trong đó một nửa trắc nghiệm nửa tự luận hay không?”, GS Dư cho biết, trên thế giới chưa tồn tại kiểu thi như thế. Chỉ có hai vòng thi với hai phương thức thì được. Trong đó, vòng đầu thi theo phương thức trắc nghiệm, vòng 2 vấn đáp hoặc phương pháp gì đó. Còn một đề thi nhưng nửa trắc nghiệm, nửa tự luận thì bản thân ông chưa thấy.
Về một số ý kiến đang được dư luận quan tâm hiện nay, Toán là môn tinh tế và như đề tự luận hiện nay, giám khảo phải chấm chi tiết từng dòng để đến kết quả cuối cùng.
Có thể học sinh không được điểm tuyệt đối ở đáp án nhưng qua một số chứng minh, hình vẽ... có thể các em vẫn được đánh giá và cho điểm. Tuy nhiên, phương pháp thi trắc nghiệm khiến khâu này bị bỏ qua, gây thiệt thòi cho thí sinh.
Theo GS Dư, mỗi học sinh có nhiều cách để giải quyết một đề thi Toán. Trong đó, các em phải biết rất rõ cách làm như thế nào mới chọn được phương án đúng.
Vì thế, quan điểm của cá nhân ông, không thể nói khi áp dụng phương thức thi trắc nghiệm sẽ có kết quả xấu hơn hoặc tốt hơn. Vấn đề khi tổ chức gì, cần phải chuẩn bị kĩ càng về câu hỏi, nội dung và phương thức thi, cách đánh giá như thế nào và mục đích của kì thi này. Không thể nói phương thức thi nào tốt hơn được.
Được biết, trước đó, ngày 12/9, GS.TS Phùng Hồ Hải - Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam cho biết, Ban chấp hành Hội Toán học đã thống nhất 3 lý do phản đối hình thức thi trắc nghiệm với môn Toán và kiến nghị Bộ GD&ĐT giữ nguyên hình thức thi tự luận đối với môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cũng như trong một vài năm tới.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Hữu Dư cho biết, hiện nay Hội vẫn chưa có văn bản chính thức để phản đối việc thi trắc nghiệm Toán. Thời gian tới, Hội sẽ còn nhiều ý kiến để tiếp tục thảo luận.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale, Hoa Kỳ cho biết, thi trắc nghiệm đòi hỏi ở thí sinh một số kỹ năng mới, khác với cuộc thi truyền thống. Chẳng hạn, thay bằng giải tìm ra lời giải chính xác, nhiều khi chỉ cần ước lượng là đủ. Ví dụ có 4 câu trả lời là: A (0), B(1), C(2), D(3). Nếu thí sinh ước lượng được đáp số là giữa 1.5 và 2.5, thì lời giải đúng là C, không cần phải giải bài toán một cách chính xác (một việc làm có thể tốn nhiều thời gian hơn)”.
“Mặc khác thi trắc nghiệm có lợi thế là tổ chức và chấm thi đơn giản gọn nhẹ, tránh sai sót. Thi trắc nghiệm rất thông dụng ở Mỹ, chẳng những trong những cuộc thi đại trà như SAT, mà cả trong rất nhiều cuộc thi cho học sinh năng khiếu”, GS Văn chia sẻ.
GS Vũ Hà Văn nhấn mạnh: “Cái khó đầu tiên của việc tổ chức thi trắc nghiệm ở Việt Nam là khâu ra đề. Đây là cả một ngành công nghiệp, và ở Mỹ có những trung tâm lớn chuyên sản xuất đề bài cho các cuộc thi trắc nghiệm, sao cho nó phủ được những kiến thức cơ bản nhất học sinh cần có, mà vẫn đòi hỏi thí sinh một khả năng tư duy nhất định, tránh được nạn học vẹt. Sẽ rất khó tổ chức thành công thi trắc nghiệm, nếu không có sự chuẩn bị đáng kể về mặt này”.
Mỹ Hà