Chọn trường: Thận trọng với những cơn sốt “ảo”

(Dân trí) - Những mơ mộng của lứa tuổi học trò thể hiện khá rõ nét trong cách chọn trường hiện nay của thí sinh. Lứa tuổi này cũng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những cơn sốt “ảo” trong định hướng nghề nghiệp. Điều này đã tạo nên một mối lo ngại không nhỏ đối với vấn đề cân đối cơ cấu nguồn nhân lực.

Chẳng hạn như đối với nhóm ngành Kinh tế. Theo một thống kê sơ bộ của Dự án Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) tiến hành cách đây khoảng 4 năm cho thấy, sinh viên tốt nghiệp khối ngành Kinh tế thường đứng đầu danh sách thất nghiệp. Và đến nay, ngành Kinh tế vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa nhân lực.

Dù vậy, số lượng thí sinh đổ xô vào học ngành này vẫn ngày càng gia tăng với tổng số thí sinh đăng ký dự thi luôn chiếm số đông nhất.

Đã có rất nhiều thí sinh chỉ vì ước mơ khá hồn nhiên là: “Em muốn theo học ngành Quản trị kinh doanh để tốt nghiệp có thể làm chủ doanh nghiệp” nên đã chọn ngành học có tên rất oách là Quản trị kinh doanh. Đáp ứng sự mơ mộng đó là hàng loạt các trường có ngành Quản trị kinh doanh với mức điểm chuẩn đầu vào rất đa dạng: Mức 23-24 điểm tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, 17-18 điểm ở Viện ĐH Mở và các trường Kinh tế top 2, mức 13-14 điểm ở các trường ĐH vùng như ĐH Hồng Đức, ĐH Thái Nguyên… Chính vì vậy, số lượng các “chủ” doanh nghiệp được đào tạo khá ồ ạt.

Nhận xét về điều này, ông Lê Sỹ Cảnh - Giám đốc Công ty nhựa cao cấp hàng không cho biết, ông cảm thấy “ngán” mỗi khi nhận được hồ sơ xin việc của sinh viên ngành Quản trị kinh doanh mà em nào cũng có tư tưởng mong làm lãnh đạo, quản lý. Đó cũng là tâm trạng của rất nhiều các chủ doanh nghiệp khác.

Lở dở trong tình trạng “nửa thầy nửa thợ”, nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh không xin được việc làm. Nhiều người trong số họ đã chuyển hướng sang làm nghề khác. Một số người đành học thêm văn bằng hai của Bách khoa, Luật hay cũng Kinh tế nhưng một ngành khác ngoài Quản trị kinh doanh cho dễ tìm việc hơn! Một chút mơ mộng trong việc chọn trường có thể bị đánh đổi bằng vài năm như vậy.

Một “cơn sốt” khác là đối với ngành Kế toán. Cách đây khoảng 3- 4 năm, Kế toán cũng được coi là ngành học thời thượng của hàng loạt thí sinh vì các em đều cho rằng: “Kế toán là người quản lý tiền, quyền hành ngang ngửa với… sếp” như tâm sự của Thuỳ Hương, sinh viên tốt nghiệp khoa Kế toán của trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2004.

Sau hai năm làm chân kế toán viên tại một vài công ty trách nhiệm hữu hạn, Hương đã cố học xong bằng tại chức Tiếng Anh để có thể làm… giảng viên tiếng Anh cho một trường dân lập và từ giã nghề kế toán luôn.

Khi bôn ba trên đường tìm việc, đâu đâu Thùy Hương cũng đụng phải sinh viên Kế toán, nhiều đến mức nản lòng. Theo “mốt” lúc đó, trường nào cũng mở ngành Kế toán, thậm chí có trường chẳng có liên quan tí gì đến Kinh tế như một số trường Văn hoá nghệ thuật hay Du lịch cũng mở thêm chuyên ngành Kế toán!

Và bây giờ lại đến  lượt ngành Chứng khoán lên ngôi. Tỏ ra rất nhanh nhạy với thời cuộc, năm nay, ĐH Ngoại thương mở riêng chuyên ngành chứng khoán với mức điểm chuẩn dự kiến của trường cũng sẽ có xếp loại cao nhất so với các chuyên ngành khác mà trường đang đào tạo. Thực ra trước thời điểm này, chứng khoán đã là một môn học trong giai đoạn chuyên ngành của ngành tài chính ngân hàng ở một số trường ĐH thuộc nhóm Kinh tế nhưng nó tồn tại khá mờ nhạt và ít gây được sự chú ý của sinh viên.

Nhưng mới chỉ qua một vài cơn sốt điên đảo trên thị trường non trẻ của chứng khoán Vịêt Nam trong 3 tháng trở lại đây, rất nhiều thí sinh đã ôm giấc mơ về chứng khoán và sắp tới, sẽ lại có một loạt thế hệ các “nhà” tư vấn đầu tư ra đời… 

Số phận của sinh viên ngành học chứng khoán liệu có như sinh viên các ngành học khác một thời rất “hot” của các trường ĐH Kinh tế hay không thì hiện chưa có một chuyên gia nào đưa ra được dự báo. Nhưng có một sự thực là những cơn sốt  trong việc chọn trường thường đến với thí sinh rất nhanh. Tuy vậy, không phải thí sinh nào cũng phân biệt được đâu là thật và đâu là ảo đối với định hướng nghề nghiệp thực sự của mình. 

Mai Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm