Hà Nội:

Chọn trường chất lượng cao gần nhà hay trường ở trung tâm thành phố?

Quang Trường

(Dân trí) - Thay vì cho con học trường chất lượng cao gần nhà, một số phụ huynh nhất định chọn trường gần trung tâm thành phố, chấp nhận việc con phải đi học cách nhà hơn chục cây số.

Vấn đề nên cho con học trường top đầu trong quận nơi gia đình đang sinh sống, hay chọn các trường có tiếng gần trung tâm thành phố nhưng xa nhà đang được nhiều phụ huynh quan tâm.

Không cho con học trường gần nhà vì cho rằng trường ở trung tâm có nhiều ưu điểm hơn

Trao đổi với PV Dân trí, chị Lâm Hương (Hà Đông, Hà Nội) có con đang học lớp 10 tại Trường THPT chuyên Ngoại ngữ chia sẻ, ngay từ khi chọn trường, gia đình chị đã không muốn con học lớp 10 công lập tại Hà Đông dù ở quận này có Trường THPT Lê Lợi - một trong những trường chất lượng cao của Hà Nội, hay trường chuyên có tiếng như Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ.

Chọn trường chất lượng cao gần nhà hay trường ở trung tâm thành phố? - 1

Mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh Hà Nội lại phải "chạy đôn chạy đáo" chọn trường cho con (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngoài nguyện vọng vào các trường chuyên, chị Hương quyết định đăng ký cho con vào một số trường THPT không chuyên ở quận Cầu Giấy hoặc quận Thanh Xuân. Kết quả, con chị đỗ vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ngôi trường cách nhà hơn 11km.

Chị Hương có con gái lớn học tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, nếu trước đây, con chị không "đỗ vớt" trường này thì chị đã cho con học tại Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy) thay vì học tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) - một ngôi trường mà con cũng đủ điểm đỗ.

"Gia đình tôi không có nhiều niềm tin với các trường công lập ở Hà Đông. Con lớn nhà tôi học chuyên Nguyễn Huệ nhưng cũng thấy không ổn. Bé thứ hai thích học chuyên Ngoại ngữ và may mắn đỗ nên tôi cho con theo học, nếu không đỗ thì tôi cũng cho con sang Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) là trường mà con cũng đủ điểm đỗ, chứ không học ở Hà Đông.

Tôi đánh giá các trường ở Hà Đông chậm tiến hơn các trường gần trung tâm thành phố. Cơ sở vật chất cũng không được làm mới. Một số trường cấp 3 có diện tích nhỏ, có trường không có điều hòa, nhà vệ sinh bẩn.

Hôm tôi đưa con đến một trường thăm quan, nhìn thấy tình trạng đó nên con tôi nằng nặc đòi vào Cầu Giấy học. Các trường không chịu đổi mới, trong khi xã hội phát triển nhanh nên phụ huynh và học sinh không lựa chọn cũng là dễ hiểu", chị Hương chia sẻ.

Theo phụ huynh này, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ hay THPT Lê Quý Đôn cũng là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên quan điểm của chị là muốn con học trong một môi trường năng động, hiện đại hơn nên đã chọn cho con một trường gần trung tâm thành phố hơn. 

Chị Hương chấp nhận việc con phải đi học xa nhà hơn 11km. Từ 6 giờ 15 phút sáng con đã phải có mặt tại bến xe bus chờ xe nhà trường đón, gần 7 giờ con tới trường và bắt đầu ăn sáng. Buổi chiều, 17 giờ 20 phút con tan học nhưng hơn 1 tiếng sau mới về đến nhà.

Trường con có nhiều hoạt động ngoài giờ nên tốn công đi lại khá nhiều. Con cũng hay kêu mệt và thiếu ngủ. Thằng bé thường tranh thủ ngủ trên xe bus và nhờ bác tài xế gọi dậy khi đến nơi.

Chọn trường chất lượng cao gần nhà hay trường ở trung tâm thành phố? - 2

Nhiều phụ huynh có ý kiến trái chiều về việc chọn trường cho con (Ảnh chụp màn hình).

Ngoài so sánh về khu vực học, chị Hương cũng băn khoăn một số vấn đề ở trường công như việc các con thường phải "tự nguyện" đi học thêm với thầy cô trên lớp; tình trạng quà cáp, chăm sóc thầy cô gây ra nhiều bất công cho học sinh và phụ huynh; khoảng cách giữa giáo viên và học sinh không đủ gần gũi.

Theo chị Hương, trước kia, hai con chị học cấp 2 ở trường tư, không bao giờ chị phải lo những vấn đề trên.

Chị Trần Thị Thảo có con đang học lớp 9 tại một trường THCS công lập ở Hà Đông. Năm nay, chị cũng dự định đăng ký thêm nguyện vọng cho con vào một số trường THPT tại quận Thanh Xuân hoặc quận Cầu Giấy.

Thị Thảo cho biết, thời gian gần đây, chị tham gia nhiều diễn đàn phụ huynh trên mạng xã hội để tham khảo thông tin chọn trường cho con. Qua đó, chị đọc được nhiều bài viết và bình luận của các phụ huynh chê một số trường cấp 3 tại Hà Đông, dù đó đều là những trường top đầu quận. Họ khuyên nhau nên cho con vào các quận gần trung tâm thành phố để có môi trường học tốt hơn.

Chị Thảo hỏi ý kiến con trai, cậu bé có mơ ước vào Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, nếu không đỗ trường này, con mong muốn được học tại một trong số trường công ở Cầu Giấy để tiếp xúc với môi trường năng động, nhộn nhịp hơn.

"Trước kia, tôi nghĩ đơn giản là cứ cho con học đúng tuyến để tiện đi lại. Nhưng gần đây, tôi đọc được nhiều review tiêu cực trên mạng về các trường top ở Hà Đông nên dự định sẽ chiều theo ý con. Tuy không trực tiếp trải nghiệm các vấn đề mà phụ huynh phản ánh nhưng nhất định phải có lửa mới có khói. 

Tôi cũng dự phòng nếu con không đỗ các nguyện vọng như mong muốn thì sẽ về học tại một trong những trường tư ở Hà Đông. 

Trong trường hợp con học ở Cầu Giấy, việc đi lại sẽ khá vất vả. Con phải dậy sớm hơn, muộn nhất là 6 giờ 10 con đã phải ra khỏi nhà. Tuy nhiên, con tự tin sẽ vượt qua được những khó khăn đó. Tôi cũng tự nhủ rằng việc dậy sớm, đi học xa giúp con có thói quen chủ động và biết sắp xếp thời gian, công việc một cách chu đáo", chị Thảo nói.

Cho con học "trường làng" là sự lựa chọn an toàn

Trái với các ý kiến trên, một số phụ huynh khác cho rằng việc cho con học đúng tuyến, gần nhà là sự lựa chọn an toàn. Chất lượng của "trường làng" cũng không kém gì các trường gần trung tâm thành phố.

Chọn trường chất lượng cao gần nhà hay trường ở trung tâm thành phố? - 3

Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Chị Tạ Thị Thủy cho biết, mỗi sáng, đứng ở sảnh các khu chung cư ở Hà Đông sẽ thấy lũ lượt các đoàn xe bus của các trường trung tâm Hà Nội vào đón học sinh Hà Đông đi học. Trong khi đó, ở Hà Đông cũng có không ít trường chất lượng tốt.

Có con lớn đang học tại Trường THCS Lê Lợi, chị Thủy không có gì phải phàn nàn về ngôi trường này dù chị cũng đã nghe nhiều phụ huynh nhận xét tiêu cực.

"Ít nhất thì đây cũng là ngôi trường top đầu của Hà Đông. Trường cũng có những thành tích ấn tượng trong kỳ thi vào lớp 10. Quan trọng hơn là tôi chọn trường phù hợp cho con và gia đình về mặt chi phí, nhu cầu học tập, khả năng đi lại,… miễn sao con cảm thấy vui vẻ là được.

Thầy cô nhà trường có chuyên môn tốt, nhiệt tình. Các con chưa bao giờ bị ép học thêm. Trường chỉ cách nhà 2km nên 6 giờ 55 phút con tự đạp xe đi học, 17 giờ 30 phút thong dong đi học về. Bố mẹ không phải lo đưa đón hay sợ con mệt mỏi khi phải dậy sớm", chị Thủy nói.

Theo chị Thủy, con học gần nhà cũng tiện để gia đình quản lý. Chỉ cần con có biểu hiện gì không ổn là bố mẹ nắm được ngay, hoặc những người thân quen có thể biết được và thông báo cho bố mẹ.

Gia đình chị cũng không nặng nề về điểm số hay thành tích học tập của con. Dù điểm trung bình của con chỉ đứng ở khoảng giữa trong danh sách lớp nhưng quan trọng là con luôn vui vẻ, không phải ganh đua thành tích hay học hành quá tải.

"Đối với tôi, cho con học trường làng là một lựa chọn an toàn", chị Thủy cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm