Chọn hướng bàn học, mời thầy cúng "trợ thi" cận ngày sĩ tử vượt ải

HH

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh của các sĩ tử sinh năm 2008 tìm đến "tâm linh" khi chưa đầy một tháng nữa kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội sẽ diễn ra.

Phụ huynh rước thầy cúng về nhà giải hạn cho con trước ngày thi

Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm nay diễn ra từ ngày 10-11/6. Nhưng từ vài tuần trước, các trường đã bắt đầu tổ chức cho học sinh khối 9 đi dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong đó có cả sự tham gia của nhóm trường dân lập, trường quốc tế.

Chị T.T.T, phụ huynh học sinh của Trường THPT Archimedes cơ sở Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ, nhà trường có lịch đi dâng hương Văn Miếu vào ngày 18/5. Cá nhân chị T. ủng hộ với lý do đây là hoạt động ý nghĩa: "Người Việt có truyền thống tôn sư trọng đạo. Dâng hương Văn Miếu - Quốc Tử Giám để các con thêm hiểu về truyền thống, bề dày văn hóa của dân tộc. Hơn nữa, niềm tin vào tổ tiên là điều không có gì sai trái, lại củng cố thêm sức mạnh tinh thần cho các con".

Chị T. cũng cho biết thêm, gia đình chị dự kiến sẽ đi lễ chùa và dâng hương  thêm một lần nữa sau khi có số báo danh của con. 

Chọn hướng bàn học, mời thầy cúng trợ thi cận ngày sĩ tử vượt ải - 1

Hình ảnh các sĩ tử lớp 10 đi lễ cầu may tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước ngày thi (Ảnh: Tố Linh).

Chị Hà Thanh Loan (Thanh Trì, Hà Nội) có con đang học lớp 9 công lập. Theo chia sẻ từ chị Loan, trường con chị có truyền thống đi dâng hương ở đền thờ nổi tiếng ở Hải Dương.

Chị Loan không phản đối hoạt động này song không ủng hộ hoàn toàn do học sinh phải di chuyển xa, lại vào đúng thời gian đầu hè nóng nực. Nhiều học sinh bị say xe, cộng thêm việc ngủ ít kéo dài khiến chuyến đi trở nên mệt mỏi, dễ ốm bệnh. "Điều tôi ưu tiên hiện tại là sức khỏe của con", chị Loan cho hay.

Bên cạnh việc dâng hương trước kỳ thi được nhiều trường trên địa bàn Hà Nội tổ chức cho học sinh, phụ huynh của các sĩ tử sinh năm 2008 còn có các "chiêu tâm linh" khác để cầu may cho con em mình. 

Chị P.V.A (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, từ đầu học kỳ II, nhóm phụ huynh lớp con chị chia sẻ nhau về việc nên kê lại bàn học cho hợp hướng, "khai thông phong thủy" cho việc thi cử.

"Rất nhiều mẹ dẫn chứng người thật việc thật là các phụ huynh đi trước về việc thay đổi vị trí bàn học mà con học hành tiến bộ lên trông thấy, tinh thần cũng vui vẻ phấn chấn chứ không ủ ê mệt mỏi nữa, nhờ đó mà điểm thi rất cao", chị P.V.A cho hay.

"Tôi cũng tò mò lên mạng xem nhưng mỗi trang tư vấn một kiểu. Ngay cả trong nhóm các mẹ cũng tranh luận hướng nào mới là hướng đúng nhất với tuổi 2008. 

Để yên tâm, tôi đi xem thầy. Thầy chọn một góc trong phòng khách để kê bàn học cho con. Chuyển từ phòng riêng của cháu xuống phòng khách tuy có hơi bất tiện nhưng cả nhà thống nhất vì con. Tạm thời ông bà, bố mẹ và em không sử dụng tivi, không trà nước gì ở phòng khách sau bữa cơm, ưu tiên hoàn toàn cho "cậu cả" tập trung ôn luyện. Cháu cũng thoải mái khi học ở phòng khách vì thoáng đãng hơn".

Không dừng ở việc kê lại bàn học, chị P.V.A và mẹ chồng còn mời thầy về nhà để cúng. Chi phí cho việc lễ lạt không được tiết lộ cụ thể, song theo lời chị là "cũng tương đối". Khi được hỏi về lý do làm lễ, chị P.V.A bày tỏ: "Cháu nhà mình học được nhưng hay gặp những điều không may mắn khi thi cử. Có những lúc mình cũng cần tâm linh để giải tỏa tâm lý cho con, giúp con thêm yên tâm mà học hành".

Chuyên gia tâm lý khẳng định "lợi ngắn hại dài"

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định những hiện tượng nói trên của phụ huynh không khó hiểu nhưng mang nhiều nguy cơ, hại hơn là lợi.

"Có thể trong ngắn hạn, những thực hành mang tính tâm linh và mê tín dị đoan này cũng có thể đem lại sự yên tâm và làm dịu lại lo lắng ở một số người. Bố mẹ đang lo lắng thì bớt lo. Con đang quá áp lực về kỳ thi có thể cảm thấy thư giãn hơn, tập trung hơn vào việc ôn tập. Nhưng đây cũng có thể là cái cớ để cho những kẻ tận dụng mê tín dị đoan kiếm tiền từ nỗi lo lắng của bạn.

Về lâu dài, hành vi này mang lại nhiều tác hại hơn. Những hành vi như thế này bào mòn sự tự tin vào năng lực của cá nhân, khiến chúng ta lo lắng và trầm cảm nặng hơn khi đối diện với các tình huống thi cử trong tương lai. Con cái chúng ta sẽ dừng cố gắng vì tin rằng việc thi đỗ hay không không phải do thái độ tích cực và sự cố gắng hàng ngày hàng giờ của từng cá nhân mà là do một đấng siêu nhiên nào đó đã quyết định, sắp đặt trước rồi. 

Một số em sẽ trở nên luôn ám ảnh với việc thực hiện một nghi lễ nào đó, hạn chế sự tự do của mình trong môi trường chỉ vì đã vô tình gặp một tình huống xui rủi nào đó hoặc sẽ bất an cả buổi và chẳng làm được việc gì chỉ vì quên không mang theo một mẩu giấy được gọi là bùa may mắn. Đó là một dạng bệnh tâm thần mà chúng tôi gọi là rối loạn hành vi ám ảnh cưỡng bức (Obsessive - Compulsive Disorder)".

Chọn hướng bàn học, mời thầy cúng trợ thi cận ngày sĩ tử vượt ải - 2

PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định "lợi ngắn hại dài" (Ảnh: NVCC).

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, để ổn định tâm lý cho các con trước mỗi kỳ thi trọng đại, tâm linh không phải là giải pháp.

"Giải pháp hiệu quả là cần giúp con hướng về kỳ thi với sự tự tin. Hướng con dành thời gian suy nghĩ về một chiến lược tối ưu để áp dụng trong phòng thi. Hình dung trước nếu gặp một câu hỏi khó khiến bản thân lo lắng thì hãy nghĩ về những tình huống đối diện với bài toán khó trước đây để nhớ lại cách con đã vượt qua chúng như thế nào. 

Cha mẹ hãy giúp con có một tư duy mở, tin rằng trí thông minh của một cá nhân không phải là một đại lượng cố định do gen di truyền quy định mà nó luôn thay đổi nếu chúng ta có một thái độ tốt và một kế hoạch nỗ lực hàng ngày. May mắn trong một kỳ thi chẳng phụ thuộc vào một thế lực siêu nhiên nào. Mèo đen, gương vỡ hay trứng, lạc không phải là vận rủi mà chỉ là sự đánh lừa của một tâm trí lo lắng mà thôi.

Lá bùa may mắn của chúng ta chính là chiến lược và sự chăm chỉ. Con sẽ càng may mắn khi con học tập một cách chăm chỉ theo những chiến lược thông minh", ông Trần Thành Nam chia sẻ quan điểm.