Chiếc bàn “7 trong 1” của thầy hiệu phó

(Dân trí) - “Có chiếc bàn đa năng của thầy hiệu phó, tụi em cứ ưng đến giờ học thể dục, đến mức nghiện lận, vì vừa được học, vừa được chơi rất vui” - một HS Trường tiểu học Hùng Vương, Đà Nẵng nhận xét về chiếc bàn đa năng do thầy Phạm Đình Yên sáng tạo.

Chiếc bàn đa năng gây nghiện học bộ môn thể dục

Chỉ với hai chân đế, một chốp tam giác hình hộp, một chiếc bảng con, một thân trụ tròn và những dụng cụ học tập bộ môn thể dục, chiếc bàn đa năng của thầy Phạm Đình Yên, hiệu phó Trường tiểu học Hùng Vương phục vụ được 198 tiết dạy trong tổng số hơn 300 tiết dạy học bộ môn thể dục các cấp lớp bậc tiểu học với 7 chức năng chính và nhiều chức năng biến tấu linh hoạt.

 

Với tính sáng tạo và khả năng ứng dụng cao, hệ thống bàn đa năng do thầy Phạm Đình Yên sáng tạo, chế tác và thầy Nguyễn Hải Bằng (giáo viên bộ môn tiểu học Trường tiểu học Hùng Vương) ứng dụng minh họa đã đoạt Giải nhì duy nhất dành cho dụng cụ sáng tạo kỹ thuật phục vụ trong ngành giáo dục tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 10 năm 2009.

Chỉ có tận mắt nhìn mới thấy hết được tính biến tấu và khả năng ứng dụng rất linh hoạt, thú vị của chiếc bàn đa năng - dụng cụ học tập mới được đưa vào sử dụng trong giảng dạy bộ môn thể dục tại Trường tiểu học Hùng Vương.

 

Với hệ thống bàn đích, bàn cắm tiêu, mốc tiêu điểm, bàn giáo viên, bảng ghi…, chiếc bàn với chân đế hình hộp rỗng khi lật ngược lại có thể làm bàn đích phục vụ môn “ném bóng trúng đích” ở các khối lớp 2, 3. Khi không sử dụng cho việc học, các chân đế có thể dùng để chứa các dụng cụ học bộ môn thể dục hoặc là chiếc ghế đẩu nhỏ dành cho giáo viên ngồi quan sát, đánh giá học sinh thực hiện các bài tập thể dục.
 
Cũng với chân đế đó, lắp thêm một thanh trụ tròn và gắn chiếc bảng con bên trên đã hình thành một chiếc bảng giảng dạy môn học. Với thiết kế theo nguyên lý ứng dụng lực từ, có thể đính các tranh minh họa bài thể dục phát triển mà thường phải “cất xó” trong phòng dụng cụ học tập vì khó mà trưng dụng trong giờ học thể dục ngoài trời. Khi tháo mặt bản ra, chỉ còn lại chân đế và thanh sào làm trụ kết hợp một dây kéo bán tự động treo và điều chỉnh độ cao tuỳ ý các vật dụng như quả bóng sẽ giúp các em học sinh thực hiện bài thể dục bật xa chạm vật. Rút thanh trụ tròn đi, gắn vào chốp tam giác nhọn hình hộp bên trên chân đế, sẽ hình thành dụng cụ phục vụ môn ném vòng trúng đích với các móc đích gắn trên chốp tam giác nhọn hình hộp, vừa có thể cắm cờ làm đích, phục vụ bài thể dục ứng dụng trò chơi dân gian “giành cờ chiến thắng”…
 
Chiếc bàn “7 trong 1” của thầy hiệu phó - 1
Chiếc bàn vừa là bàn giáo viên...
 
Chiếc bàn “7 trong 1” của thầy hiệu phó - 2
...vừa là chiếc bảng con ghi tiêu đề và bài giảng bộ môn
 
Chiếc bàn “7 trong 1” của thầy hiệu phó - 3
...vừa dùng cho môn bài học thể dục Bật xa chạm vật
 
Chiếc bàn “7 trong 1” của thầy hiệu phó - 4
hay dùng để chơi trò Giành cờ chiến thắng

Có thể ứng dụng linh hoạt và trực quan sinh động như vậy, nên các em học sinh khi được thực hiện các bài học thể dục với dụng cụ học tập này đều đâm “nghiện”. Ngay khi biểu diễn các bài học thể dục với chiếc bàn đa năng cùng các bạn, em Trần Thành Trí, học sinh lớp 4/2, Trường tiểu học Hùng Vương không giấu được sự thích thú: “Có chiếc bàn đa năng của thầy hiệu phó, tụi em cứ ưng đến giờ học thể dục, đến mức nghiện lận, vì vừa được học, vừa được chơi rất vui”.

Ý thưởng bắt nguồn từ mong muốn truyền cảm hứng cho học trò

Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục và hơn 10 năm nay chuyển từ công tác giảng dạy sang công tác quản lý ở cương vị Hiệu phó chuyên môn, nhưng thầy Phạm Đình Yên, người thường được các đồng nghiệp gọi vui là “chuyên gia sáng tạo” vẫn không ngừng nghĩ đến những tiết dạy học chay thiếu đồ dùng học tập, thiếu trực quan sinh động, không truyền được cảm hứng cho học trò.

Thầy Yên kể: “Hồi còn là giáo viên tiểu học ở trường cũ trong Đại Lộc (Quảng Nam), do thiếu giáo viên, nên ngoài dạy các môn Toán, Tiếng Việt, các thầy dạy văn hóa phải kiêm luôn cả môn thể dục. Dạy học thể dục hồi ấy toàn dạy “chay”, không có dụng cụ học tập nào hỗ trợ học trò nên chủ yếu vẫn chỉ có các bài thể dục phát triển, còn các bài luyện tập sức khoẻ bằng vận động trong các trò chơi như bật xa, ném bóng trúng đích... đều “có gì dùng nấy”. Giống như khi về làm công tác quản lý, dự giờ học môn thể dục, tôi vẫn thấy thầy trò lấy tạm viên gạch làm đích. Hoặc như các tranh vẽ minh hoạ động tác các bài thể dục phát triển đều được các trường đều trang bị vì nằm trong danh mục trang thiết bị đồ dùng phục vụ dạy và học. Nhưng trong thực tế, những tranh minh hoạ này ít được “trưng dụng” vì giờ học thể dục thường tổ chức ngoài trời, biết treo tranh ở đâu. Phải nghĩ ra một đồ dùng học tập nào đó có thể ứng dụng đa chức năng một cách linh hoạt, dễ dàng để bộ môn thể dục hấp dẫn hơn. Mong muốn đó cứ thúc giục tôi thực hiện ý tưởng về một dụng cụ học tập đơn giản nhưng đa chức năng. Tôi chia sẻ ý tưởng về chiếc bàn đa năng với thầy Nguyễn Hải Bằng, phụ trách môn thể dục ở trường và chúng tôi cùng nhau thực hiện ý tưởng.” 

Mất hơn ba tháng từ khi có bản vẽ cơ bản, vừa nhờ người hình thành các dụng cụ theo bản vẽ, vừa phối hợp với thầy giáo bộ môn thể dục ở trường thực hành ứng dụng minh hoạ, chiếc bàn đã hoàn thiện.

Đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo đồ dùng học tập sáng tạo cấp thành phố tại Đà Nẵng, tiếp tục tham gia dự Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc, chiếc bàn đa năng của thầy Trần Đình Yên đã đoạt giải nhì toàn quốc và là sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật phục vụ trong giảng dạy duy nhất trong số các sản phẩm sáng tạo đoạt giải cao tại Hội thi vừa được tiến hành trao giả vào đầu năm 2010.

Nhưng có lẽ phần thưởng lớn hơn với thầy Yên là “bài học thể dục đã hấp dẫn được các em học sinh, giúp các em ham thích và khắc sâu được các bài tập thể dục để rèn luyện một cơ thể khoẻ mạnh, tạo sự gần gũi giữa thầy và trò trong buổi học, xây dựng môi trường học tập thân thiện” như lời chia sẻ của thầy.
 
Chiếc bàn “7 trong 1” của thầy hiệu phó - 5
Phần thưởng lớn nhất với thầy Yên là các em học sinh thực sự ham thích môn thể dục với chiếc bàn đa năng của thầy và thầy trò gần gũi nhau hơn, giờ học thú vị hơn.

Bài và ảnh: Khánh Hiền