Chia sẻ xúc động của nữ sinh giỏi Sử trong lễ tưởng niệm sự kiện Gạc Ma

(Dân trí) - Lê Ngọc Nho, cô học sinh lớp 12 Gạc Ma trường THPT Nhân Việt (TPHCM) dành cả một buổi để viết cảm tưởng về trận chiến Gạc Ma. Trong buổi lễ tưởng niệm 30 năm sự kiện này, Ngọc Nho đã xúc động chia sẻ bài viết dài 3 trang giấy trước hơn 500 học sinh toàn trường.

Ngọc Nho vừa đạt giải Ba môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm 2018. Là một học sinh yêu thích môn Sử, khi trường tổ chức lễ tưởng niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma, nữ sinh này đã nhanh chóng viết ngay bài cảm tưởng dài 3 trang giấy học trò chỉ trong vòng một buổi.


Hơn 500 học sinh trường THPT Nhân Việt (TPHCM) trong lễ tưởng niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma sáng ngày 14/3/2018.

Hơn 500 học sinh trường THPT Nhân Việt (TPHCM) trong lễ tưởng niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma sáng ngày 14/3/2018.

Nho bộc bạch rằng: “Có thể bài viết của em không phải là bài viết hay nhất hoặc hấp dẫn nhất nhưng đây là những lời chân thành nhất mà em muốn chia sẻ đến các bạn đồng lứa với em”.

Cô học trò giỏi sử chia sẻ: “Lịch sử như tiếng thở dài của dân tộc, chiến tranh là vết thương sâu thẳm, đau nhói trong lòng mỗi con người ở lại. Ba mươi năm qua đi, đất nước liên tục đổi mới và phát triển, nước biển thì vẫn trong veo, đá Gạc Ma thì vẫn còn đó, nhưng những người chiến sĩ ấy sẽ chẳng bao giờ trở về nữa. Những con người, những tấm gương sáng chói của lòng yêu nước, họ ngã xuống không phải để vĩnh viễn ra đi mà là để ôm trọn lấy vị mặn chát của biển, ôm trọn lấy sự an nhiên của mặt nước hiền hòa. Sự hi sinh của họ cũng giống như tấm thảm trải dài nâng đỡ cho nền hòa bình dân tộc mãi mãi được vẹn nguyên, để Tổ quốc thân yêu sẽ yên bình mà phát triển. Người trước ngã xuống, người sau lại cầm súng mà anh dũng tiến lên. Cứ như thế kết tạo nên một vòng tròn bất tử không bao giờ đứt đoạn”.

Những gương mặt học sinh xúc động khi lắng nghe bài chia sẻ về sự kiện khiến 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh cách đây 30 năm
Những gương mặt học sinh xúc động khi lắng nghe bài chia sẻ về sự kiện khiến 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh cách đây 30 năm

“Khi chúng ta chưa có mặt trên đời, những người chiến sĩ ấy cầm súng đứng lên, đổi xương máu giữ hòa bình, bảo vệ non sông. Ngày ta chào đời, thì ngoài khơi xa, nhiều người vẫn đang nằm lại giữa lòng biển lạnh. Nơi đất liền, nhiều gia đình liệt sĩ những năm qua cuộc sống muôn vàn khó khăn. Đến bây giờ, có không ít người, trong đó có thể là một trong số chúng ta, không biết đến các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên đất liền và biển đảo Việt Nam”, Ngọc Nho nghẹn ngào.

Cô học trò này cũng xúc động bày tỏ: “Với em, lịch sử được khắc khi là bằng máu và nước mắt. Từng giọt máu đớn đau, từng khoảnh khắc ngã xuống đầy bi hùng đấy để lại cho ta biết bao bài học tri ân sâu sắc. Nó bồi đắp cho tâm hồn những người con nước Việt một lòng nồng nàn yêu nước. Nó răn dạy cho bao thế hệ, hôm nay, ngày mai và mai sau nữa, phải trân quý lịch sử. Hãy sống sao cho đúng với trách nhiệm của một công dân”.

Ngọc Nho cho rằng, các học sinh của ngôi trường mình đang theo học mang trên mình bộ đồng phục của người chiến sĩ hải quân và phải tự hào vì nó. “Mỗi người chúng ta ở đây để bài tỏ lòng yêu nước và biết ơn của mình thì dù là bằng cách như thế nào, hình thức ra sao đều có thể. Chỉ là đừng để sự hi sinh của những người đã ra đi để lại hòa bình trở nên vô nghĩa”

Em Phùng Hoàng Yến, học sinh lớp 12A1 (còn được gọi là lớp Gạc Ma) xúc động cho biết: “Bài phát biểu của bạn Nho hôm nay rất hay và sâu lắng trong lòng người. Đây cũng là một bài học nhắc nhở các học sinh chúng em luôn nhớ về công ơn của những anh hùng đã ngã xuống để chúng em có cuộc sống bình yên như hôm nay”.


Các em đã dành ít phút tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì bảo vệ Tổ quốc.

Các em đã dành ít phút tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu trong lễ tưởng niệm với các học sinh, ông Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng nhà trường nhắn nhủ: “Mỗi năm, thầy và trò chúng ta ngồi đây ôn lại trận chiến Gạc Ma, giữa 64 chiến sĩ Việt Nam với quân Trung Quốc, để hiểu mỗi tấc đất trên lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc phải đổi bằng xương máu cha anh. Hiểu như vậy để chúng ta sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó".

Đây là năm thứ ba trường THPT Nhân Việt tổ chức lễ tưởng niệm sự kiện Gạc Ma. Đây cũng là ngôi trường đầu tiên ở TPHCM đặt tên lớp theo tên đảo Việt Nam để nhắc nhở học sinh về tình yêu biển đảo Tổ quốc.

Lê Phương

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục