Chật vật với đề Sử dài
(Dân trí) - Kết thúc buổi thi môn Sử chiều nay, nhiều thí sinh khối C có chung nhận định là đề Sử dài dù không khó.
Nhiều bạn cùng phòng với Kim Oanh vừa mới đọc đề thi đã quyết định ngủ cho hết giờ làm bài.
Tình hình không khả quan hơn ở THCS Trương Công Định (Q. Bình Thạnh) - một điểm thi khác của ĐH Luật. Vừa ra khỏi cổng trường, Trần Thị Huyền (quê ở Đắc Lắc) đã nhăn nhó: “Đề khó quá, đòi hỏi nhiều kiến thức tổng hợp. Em làm hết các câu nhưng chắc chỉ đúng 50% thôi, hi vọng được điểm trung bình”.
TS Nguyễn Thanh Hiếu đến từ Vũng Tàu cũng lắc đầu vì chỉ làm được 30%. Nguyễn Thị Lệ (quê ở Bình Định) thì sụt sịt: “Em vừa đọc đề đã “choáng”, đề khó quá, nhất là câu phân ban”.
Tuy nhiên, vẫn có một vài em tỏ ra tự tin như TS Nguyệt (quê ở Hải Phòng), làm xong 70% và đoán sẽ được 7 điểm. Em Nguyệt cho rằng những bạn học lực khá vẫn có thể đạt điểm cao môn Sử.
Khả quan hơn, TS Nguyễn Hữu Hiển cho biết: “Đề không khó nhưng dài. Đặc biệt, câu III phần chung khó quá em không hy vọng được điểm cao môn này”.
Nhiều TS cho biết: “Đề có 4 câu (3 câu chung và 1 câu riêng), mỗi câu đều có những ý nhỏ nên khá dài. Tuy nhiên, đề ra chủ yếu trong chương trình lớp 12 nên các em đều có thể làm tốt. Em Nhật (quê Sóc Trăng thi tại điểm thi Trường TH Lê Quý Đôn) cho biết: “Dù đề ra trong chương trình lớp 12 nhưng cũng có một vài ý cần phải hiểu mới đạt điểm”.
Còn em Tín (quê Bạc Liêu, thi tại điểm thi Trường ĐH Tây Đô) thì cho biết: “Với đề Sử thì học sinh học bài thuộc có thể làm được 40-50%, còn để đạt điểm cao thì phải hiểu và phân tích kỹ”.
Đà Nẵng: Đề Sử dài và khó
Kết thúc buổi thi môn Sử chiều nay, nhiều TS dự thi khối C tại hội đồng thi THCS Tây Sơn, TP Đà Nẵng đều có chung nhận định “Đề Sử năm nay khó”.
TS Lê Thị Hải Yến, quê ở Quảng Bình vào Đà Nẵng dự thi Đại học Sư phạm cho biết: “Đề Sử có 4 câu; trong đó có 1 câu thí sinh tự chọn 1 trong 2 câu chương trình phân ban và không phân ban. Đề năm nay yêu cầu thí sinh trình bày nhiều kiến thức tại nhiều thời điểm lịch sử 1945, 1973… Em đã cố tập trung hết sức cũng chỉ giải quyết được chắc chắn 50% đề bài thi. Còn nhiều điểm kiến thức nói thực là em không nhớ kỹ nên không dám trình bày sợ bài thi lạc đề”.
Thừa Thiên - Huế: Thí sinh gỡ điểm ở môn Sử
Tại hội đồng thi trường ĐH Sư phạm Huế rất nhiều TS nộp bài với tâm trạng khá hào hứng.
“Đề Sử năm nay bình thường - dễ hơn năm ngoái, đề ra chỉ trong sách giáo khoa, chỉ cần học kỹ sách giáo khoa là làm được từ 6 đến 7 điểm. Em thấy mọi người bảo thi Sử điểm thấp lắm nên trong 3 năm cấp 3 em chú tâm vào môn Sử. Kết quả hôm nay rất tốt, có thể em sẽ đạt 6 đến 7 điểm”, bạn Nguyễn Thị Minh Hảo (Nam Đông, Thừa Thiên Huế, thi vào Khoa Giáo dục Tiểu học) tự tin khẳng định.
Bạn Hồ Thị Văng (Hướng Hóa, Quảng Trị, cũng thi vào Khoa giáo dục tiểu học) cho biết: “Đề môn Sử bình thường, em làm bài tốt hơn nhiều so với môn Văn hồi sáng”.
Đó cũng là suy nghĩ của nhiều TS tại Huế trong buổi thi môn Sử chiều nay.
Nhận định về đề thi Sử, cô giáo Nguyễn Thị Lan - Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: Đề thi năm nay ngược lại với cơ cấu đề thi tốt nghiệp, đề thi đã đảo ngược lại phần thế giới được đưa vào phần chung, phần lịch sử Việt Nam lại đưa xuống phần riêng. Do vậy, học sinh sẽ “choáng” khi đọc đề. Đề thi đều nằm trong chương trình lớp 12. Đề không khó nhưng yêu cầu học sinh nắm chắc kiến thức lịch sử và tiến trình lịch sử Việt Nam vì từ tiến trình, sự kiện và thời gian, học sinh mới xác định được yêu cầu đề bài hỏi gì. Môn Sử, nhiều học sinh hay học tủ, do vậy trường hợp học sinh học tủ sẽ bị nhầm lẫn đề bài. Ví dụ: Câu IV.b phần riêng, học sinh không nắm chắc kiến thức dễ trình bày chiến lược chiến tranh cục bộ là chiến lược Mỹ thực hiện Mỹ hóa chiến tranh. Tương tự, ở câu IV.a (phần riêng) học sinh cũng dễ nhầm lẫn tiến công đầu tiên với giành quyền chủ động ở 1953 - 1954. Nói chung đề thi năm nay, phân loại học sinh nên yêu cầu học sinh phải nắm chắc kiến thức, tư duy thì mới hy vọng bài thi đạt điểm cao. |
Nhóm PV