Chất lượng trường phổ thông dân tộc nội trú được cải thiện đáng kể

(Dân trí) -Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông DTNT giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ GD-ĐT thì việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đã đạt được những kết quả nhất định nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay: Ngày 21/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1640/QĐ-TTg phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015 (sau đây gọi là QĐ 1640). Sau gần 3 năm triển khai thực hiện QĐ 1640, được sự quan tâm của các bộ ngành, sự nỗ lực của các địa phương và hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đã đạt được những kết quả nhất định và gặp một số khó khăn bất cập.

Tăng cả về quy mô lẫn chất lượng

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn 2011-2013, đã có 2.000 hạng mục công trình được đầu tư xây dựng bổ sung cho các trường PTDTNT hiện có (trong tổng số 7.984 hạng mục công trình bổ sung được phê duyệt tại QĐ 1640, đạt tỷ lệ 25%). Do khó khăn về nguồn vốn, nên các địa phương đã tập trung ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình bổ sung thiết yếu cho các trường PTDTNT như: Phòng học, phòng học bộ môn, phòng nội trú, công trình cấp nước, công trình vệ sinh... và tiến hành cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục do xây dựng đã lâu bị xuống cấp như phòng học, phòng ở nội trú học sinh, công trình vệ sinh, nước sạch, tường bao, hệ thống thoát nước nội bộ...

Kinh phí đầu tư xây dựng mới các trường PTDTNT từ nguồn của Trung ương được bố trí vượt 9%, nguồn vốn của địa phương và nguồn huy động xã hội hóa không bảo đảm theo nhu cầu được phê duyệt tại Quyết định 1640.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đánh giá: Các địa phương đã chú trọng quy hoạch mạng lưới các trường PTDTNT. Các tỉnh, huyện có đông người DTTS, có nhu cầu và đủ điều kiện mở trường đều có trường PTDTNT, trung bình mỗi tỉnh có 1 trường PTDTNT tỉnh và mỗi huyện có 1 trường PTDTNT huyện. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã phủ kín trường PTDTNT ở các huyện có từ 10.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) trở lên. Mạng lưới, quy mô các trường PTDTNT cơ bản đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ người DTTS cho các địa phương.

Các địa phương đã ưu tiên vị trí thuận lợi, bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu về diện tích đối với trường học và tính đặc thù của trường chuyên biệt; ưu tiên bố trí nguồn vốn (Trung ương và địa phương) để đầu tư xây dựng CSVC, trang thiết bị cho các trường PTDTNT; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cùng tham gia củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTNT.

Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT ngày càng được nâng cao, giáo dục đạo đức, giáo dục toàn diện HS được đẩy mạnh. Các trường tổ chức thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục đầy đủ, nghiêm túc, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp với HS DTTS. Công tác liên thông đào tạo trong hệ thống đã có những tiến bộ rõ rệt. Số HS tốt nghiệp THCS và THPT của các trường PTDTNT được đào tạo tiếp tăng qua từng năm học. Số HS các trường PTDTNT thi đỗ thẳng vào ĐH, CĐ ngày càng tăng; có nhiều HS đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh, quốc gia. Các trường đã quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống, văn hóa dân tộc, tổ chức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho HS,... Số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường PTDTNT được bố trí đủ theo quy định. Việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo được tăng cường; chế độ chính sách cho người dạy và người học được thực hiện khá nghiêm túc...

Kiến nghị kéo dài Đề án thêm 2 năm

Mặc dù chất lượng trường PTDTNT được cải thiện đáng kể nhưng Bộ GD-ĐT vẫn thẳng thẳn nhìn nhận những bất cập tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, mạng lưới, quy mô trường PTDTNT ở một số địa phương chưa được quy hoạch phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường trung học đạt chuẩn quốc gia. Một số địa phương phát triển nóng về quy mô trường PTDTNT, trong khi công tác quy hoạch đào tạo cán bộ DTTS chưa cụ thể, chưa có sự chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng, vì vậy việc tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường gặp nhiều khó khăn.

Việc triển khai QĐ 1640 ở nhiều địa phương còn chậm. Tiến độ, số lượng các hạng mục công trình bổ sung cho các trường PTDTNT chưa đảm bảo theo yêu cầu của QĐ 1640. Một số địa phương chậm triển khai đầu tư xây dựng mới trường PTDTNT theo kế hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, việc quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng trường PTDTNT của các địa phương là vấn đề hết sức nan giải; với những trường hiện có thì khó khăn trong việc mở rộng diện tích, mặt bằng, với những trường xây dựng mới thì khó khăn trong việc xác định địa điểm, thiếu kinh phí để giải phóng mặt bằng...

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục của các trường PTDTTN nhìn chung còn thấp và chưa đồng đều. Một số trường chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ giáo dục phổ thông, dân tộc và nội trú, chưa thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý HS ở nội trú; giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho HS chưa hiệu quả. Kết quả học tập của HS một số trường PTDTTN còn thấp so với yêu cầu, vẫn còn nhiều HS trường PTDTNT có học lực yếu, kém. Việc giáo dục HS ý thức giữ gìn cảnh quan, mỹ quan nhà trường; bảo quản, sử dụng đồ dùng, trang thiết bị phòng học, phòng ở nhiều trường chưa hiệu quả.

Ngoài ra, việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo của các trường PTDTNT ở một số địa phương chưa được chú trọng, còn thụ động trông chờ vào Trung ương. Một số địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ. Việc bố trí nguồn vốn để thực hiện Đề án, đặc biệt là ngân sách đối ứng của địa phương dành cho đầu tư xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn. Công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực cùng tham gia củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTNT được các địa phương quan tâm song kết quả còn hạn chế.

Theo Bộ GD-ĐT thì nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên, ngoài nguyên nhân khách quan đó là trượt giá vật liệu, nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng DTTS, miền núi chưa đáp ứng yêu cầu, hầu hết các địa phương có trường PTDTNT thuộc vùng DTTS, miền núi, kinh tế gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đa phần các huyện, xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, huyện nghèo...thì còn có cả sự chủ quan trong công tác tham mưu, năng lực của một số cán bộ quản lý trường PTDTNT còn hạn chế, đặc biệt là việc tổ chức, quản lý các hoạt động giáo dục đặc thù trong nhà trường...

Cũng theo Bộ GD-ĐT, do thời gian Đề án được phê duyệt vào tháng 9/2011, nên việc bố trí kinh phí chậm. Mặt khác Đề án được phê duyệt và thực hiện trong bối cảnh Chính phủ thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, vì vậy, trong quá trình triển khai các địa phương gặp nhiều khó khăn về thủ tục lập và thẩm định dự án đầu tư, về bố trí kinh phí, nên tiến độ triển khai các hoạt động của Đề án chậm. Chính vì thế Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015” thêm 2 năm (2016 và 2017).

S.H