Chạnh lòng chuyện thưởng Tết của giáo viên vùng cao

(Dân trí) - “Đã biết giáo viên không có thưởng Tết nên khi chọn nghề giáo mình đã chấp nhận từ đầu và coi điều đó như là hiển nhiên, mình không đòi hỏi gì nữa. Thế nhưng, nói không buồn chút nào là không thật lòng mình”.

Đó là tâm sự của cô Đinh Thị Hằng Nga, giáo viên (GV) Trường Tiểu học Trà Phong ở huyện miền núi Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi), cũng là tâm sự chạnh lòng khi nghe chuyện thưởng Tết của nhiều GV vùng cao.

Chạnh lòng nghe chuyện thưởng Tết của giáo viên vùng cao
Dù chấp nhận vì đã quen với việc không có thưởng Tết, nhưng nhiều giáo viên không khỏi thoáng chạnh lòng về điều này.

Quà Tết cho GV là một bịch hạt dưa, một gói bột ngọt, một chai dầu ăn

Quê ở huyện Trà Bồng, lên huyện Tây Trà theo nghề giáo từ năm 2007 tới nay, cô Hằng Nga chưa từng biết thưởng Tết là gì. Có chăng theo cô Nga cho biết chỉ có khoản thu nhập tăng thêm cho GV từ nguồn tiết kiệm chi của trường, mới triển khai mấy năm nay để một năm GV có thêm từ 1 - 2 triệu đồng xếp loại năng lực công tác.

Là đồng nghiệp cùng trường với cô giáo Hằng Nga, cô Đỗ Thị Mỹ Ngân nhà ở Sơn Tịnh lên Tây Trà dạy học được hai năm nay cho biết: “GV ở đây không có thưởng Tết, như năm ngoái chỉ có món quà Tết động viên của công đoàn trường với một bịch hạt dưa, một gói bột ngọt, một chai dầu ăn. Còn năm nay, đến hôm 15/1 (15 tháng Chạp âm lịch) vẫn chưa thấy gì. Chúng tôi cũng có nghe thông tin thưởng Tết ở các ngành, các nơi khác, có người chục triệu, có người hàng chục triệu. Đó là những chuyện quá xa vời, cũng chỉ để anh chị em GV chuyện phiếm với nhau rồi chạnh lòng một thoáng vậy thôi”.

Theo ông Trần Ngọc Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Phong (Tây Trà, Quảng Ngãi), xoay sở kinh phí để thưởng Tết cho GV là rất khó với điều kiện trường học miền núi còn nhiều khó khăn. Năm nay trường cũng chỉ có một khoản trích mua quà Tết cho GV với mỗi phần quà khoảng 100 nghìn đồng.

Chạnh lòng nghe chuyện thưởng Tết của giáo viên vùng cao
Vất vả cả năm, giáo viên ở Trường Tiểu học Trà Phong (huyện miền núi Tây Trà, Quảng Ngãi) chỉ được động viên với phần quà Tết khoảng 100 nghìn đồng.

Câu chuyện thưởng Tết của GV vùng cao ở Quảng Nam nghe cũng nhiều ngậm ngùi. Cô Hiên Thị Leo, người dân tộc Ve ở Đăk Re về dạy học ở Trường mầm non Công Dồn (thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam) đã rất nhiều năm nay chưa từng biết đến thưởng Tết là gì. Năm nay cận Tết, cô Leo nghe đâu trường có nguồn kinh phí từ tiết kiệm chi để chia cho GV mỗi người 300 - 500 nghìn đồng để lo sắm Tết, nhưng chỉ mới nghe chứ chưa thấy gì.

Chạnh lòng nghe chuyện thưởng Tết của giáo viên vùng cao
Các cô giáo Trường mầm non Công Dồn (xã Zuôih, huyện Nam Giang, Quảng Nam) chưa từng biết đến thưởng Tết.

Ông Arât Mông, Phó Chủ tịch xã Zuôi chia sẻ do không có kinh phí nên chính quyền xã không có nguồn chi nào để hỗ trợ cho GV dịp Tết, chủ yếu do các trường xoay sở. Xã cũng chỉ có thể có 30 suất quà Tết cho học sinh khó khăn thôi, chứ hỗ trợ GV thật sự rất khó dù câu chuyện thưởng Tết của GV vùng cao nơi đây ai nghe cũng buồn.

Đề xuất tháng lương thứ 13 cho GV nhiều năm rồi mà chưa được

Nói về chuyện thưởng Tết GV, ông Phạm Sơn - Phó Trưởng phòng GD huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) trăn trở: “Các thầy cô giáo ở đây đa phần là từ dưới xuôi ngược lên miền núi dạy học trò, vất vả nhiều lắm. Nhất là các thầy cô đứng lớp ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, băng rừng lội suối mang con chữ đến cho học trò hàng ngày. Nhiều thầy cô ở luôn tại trường, đời sống cũng khó khăn. Vất vả cả năm mà Tết về quê không có đồng thưởng nào để trang trải sao mà không đắn đo. Nhưng thật không có nguồn kinh phí nào để chi thưởng Tết cho GV”.

Để góp phần động viên các thầy cô dịp cuối năm, từ năm 2008 tới nay, Phòng GD huyện Tây Trà đã chỉ đạo các trường tiết kiệm chi để cuối năm có một khoản thu nhập tăng thêm cho GV. Khoản này nhiều hay ít tùy theo điều kiện của từng trường, có trường được vài trăm nghìn mỗi cán bộ, GV, có trường được 1-2 triệu mỗi giáo viên. Toàn huyện có 16/25 trường được giao tự chủ kinh phí để tiết kiệm chi tăng thêm thu nhập cho GV; 9 trường còn lại là các trường mẫu giáo”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng GD huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) cũng cho biết vì ngành không có chế độ thưởng Tết cho GV, nên lâu nay cũng chỉ đạo các trường tiết kiệm chi, cân đối ngân sách để có thêm một khoản thu nhập tăng thêm hỗ trợ GV dịp cuối năm. Đồng thời, phòng GD huyện này chỉ đạo các trường giải quyết sớm các chế độ chính sách cho GV vùng cao kịp trước Tết.

Ông Bình chia sẻ: “Đã thành nếp nên cũng ít có thầy cô thắc mắc chuyện thưởng Tết. Tuy nhiên dù các thầy cô có đòi hỏi hay không, chúng tôi vẫn thấy cần được hỗ trợ Tết là quyền lợi chính đáng sau một năm lao động vất vả của các thầy cô. Phòng GD huyện đã có đề xuất giải pháp tháng lương thứ 13 cho GV, nhưng đề xuất đã rất là nhiều năm nay rồi mà vẫn chưa được”.

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm