Chàng trai chơi kèn Bassoon "ẵm" học bổng hơn 600 triệu đồng/năm

(Dân trí) - Bằng tài năng và nỗ lực của mình, Nguyễn Duy Long không chỉ trúng tuyển Nhạc Viện Sydney (Úc) với học bổng toàn phần học phí 35.000 AUD/năm (hơn 600 triệu đồng/năm) mà còn có mặt ở nhiều dàn nhạc, ban nhạc và festival lớn của Úc và thế giới.

 

Thông tin cá nhân

 

Họ và tên: Nguyễn Duy Long

 

Ngày sinh: 9/8/1988

 

Hoạt động đã tham gia: dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội (năm 2007), dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (2007, 2014), dàn nhạc trẻ châu Á (2007), bè trưởng của dàn nhạc trẻ Sydney (2009 – 2010), tham gia Pacific Music Festival tại Nhật Bản.

 

Âm nhạc là toàn bộ thế giới

 

Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng Duy Long lại được mọi người ủng hộ con đường âm nhạc. Ngay từ bé, anh đã được bố bật cho nghe nhạc giao hưởng cổ điển tại nhà nên yêu thích và mong muốn được chơi nhạc.

 

Năm lên 10 tuổi, sau khi học piano 3 tháng, Long thi vào HV Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với môn kèn Bassoon dưới sự chỉ dạy của thầy Nguyễn Phúc Linh.

 

Anh chia sẻ: “Mình muốn được học nhạc cụ nên cũng không quan trọng là phải chơi cái gì. Mình thử học kèn Bassoon theo gợi ý của thầy và cảm thấy thích nên không muốn chuyển sang cái khác. Đối với Long, nhạc cụ nào cũng hay vì tất cả đều để tạo nên âm nhạc”.

Là một môn học mới, Long gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với tài liệu học tập (không có sẵn bản nhạc, tổng phổ), ít sự lựa chọn về nhạc cụ, dụng cụ học tập, cơ hội tiếp xúc và biểu diễn dàn nhạc cũng hạn chế.

 

Tuy nhiên, bằng khả năng của mình, trong thời gian đang học tại trường, Long được tham gia Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam năm 2007.
 
Chàng trai Nguyễn Duy Long và học bổng 35.000 AUD/năm tại Nhạc viện Sydney.
Chàng trai Nguyễn Duy Long và học bổng 35.000 AUD/năm tại Nhạc viện Sydney.

 

Âm nhạc là toàn bộ thế giới của Long, khi ngoài nó, anh không còn đam mê với lĩnh vực, hoạt động nào khác. “Mình thấy thích và thoải mái nhất mỗi khi chơi nhạc. Cuộc sống có ý nghĩa là được làm công việc mình thích và đóng góp cho xã hội.

 

Với tư cách nhạc công, mình mong đem đến cho khán giả những buổi hòa nhạc hay. Phần nhiều những người làm âm nhạc đều trải qua quá trình dạy học nên mình muốn truyền lại hiểu biết, kiến thức mình đã học được cho những thế hệ sau, giúp các em tiếp cận với âm nhạc giao hưởng cổ điển và có hướng đi phù hợp”, Long nói.

 

Tham gia nhiều dàn nhạc, ban nhạc lớn

 

Duy Long là một trong 3 người được nhận học bổng toàn phần của trường Nhạc viện Quốc tế Úc (The Australian International Conservatorium of Music) khi sang Hà Nội tổ chức thi tuyển năm 2007.

 

Lên đường sang Úc đầu năm 2008, anh theo học tại trường này với  chuyên ngành kèn Bassoon. Đến cuối năm 2008, Long đã nộp đơn thi tuyển sang Nhạc Viện Sydney (Sydney Conservatorium of Music) hệ đại học và trúng tuyển học bổng toàn phần học phí với 35.000 USD Úc/ năm, dựa trên phần biểu diễn chuyên ngành khi thi đầu vào.

 

Long đưa ra quyết định này, xuất phát từ cơ sở vật chất và môi trường học phù hợp với nhạc cụ anh đang học. Bên cạnh đó, đây cũng là ngôi trường có nhiều học trò, thầy cô danh tiếng của Úc.
 
Duy Long (phải) cùng các đồng nghiệp chơi kèn bassoon.
Duy Long (phải) cùng các đồng nghiệp chơi kèn bassoon.

 

Ở đây, Long được tiếp xúc với rất nhiều tài liệu và nhạc cụ tốt, tập dàn nhạc thường xuyên, có nhiều cơ hội thi cử và giao lưu, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô đến từ các dàn nhạc khác nhau trên thế giới.

 

Trong thời gian du học tại Úc, thông qua các vòng tuyển chọn, Long được biểu diễn vào các chương trình hòa nhạc phong phú và chất lượng, cùng  những dàn nhạc lớn: Sydney Symphony Orchestra, The Australian Opera and Ballet Orchestra, Australian Ensemble.

 

Sau đó, Long còn được chơi ở vị trí bè trưởng của Dàn nhạc trẻ Sydney. Giành vị trí này cũng rất khó khăn khi anh phải vượt qua sự cạnh tranh khá gay gắt từ các học viên.

 

Anh cho biết: “Trong âm nhạc, số lượng nhiều lúc không phải là yếu tố hằng đầu mà quan trọng là chất lượng. Có những cuộc thi tuyển, dù không có thí sinh nào đạt được yêu cầu thì họ có thể không tuyển ai”.

 

Để chuẩn bị cho những chương trình giao hưởng, Long thường tập từ 3 – 4 buổi trong một tuần, còn chơi cho opera và ballet lại thường kéo dài một tháng do có nhiều buổi biểu diễn. Nhạc công chuyên nghiệp ở Úc được trả lương xứng đánh nên thu nhập kiếm được từ dạy học và biểu diễn vừa đủ cho mức sống của Long hiện tại.

 
Duy Long (phải) cùng các đồng nghiệp chơi kèn bassoon.
 

Long lưu diễn tại Đức vào tháng 5/2010 cùng dàn nhạc của trường và 5 tháng sau thì đến Mỹ, tham gia biểu diễn cùng các nhạc viện danh tiếng của nước này: Julliard, nhạc viện San Francisco, Colorado University.

 

Tháng 8/2014, Long đã vinh dự tham gia Pacific Music Festival tại Nhật Bản. Đây là một trong những festival lớn nhất của thế giới về âm nhạc giao hưởng cổ điển dành cho nhạc công tuổi dưới 29 từ khắp thế giới diễn ra trong gần 5 tuần, dưới sự tài trợ toàn phần từ phía Nhật Bản.

 

Mỗi năm festvial chỉ lấy 4 người chơi kèn Bassoon, thi tuyển trên toàn thế giới. Duy Long là một trong 3 nhạc công của Úc được lựa chọn. Các thành viên dàn nhạc đều được tuyển chọn qua các vòng thi từ khắp các thành phố như Berlin, Vienna, New York, Chicago, Sydney… và đến từ các trường nhạc danh tiếng như Julliard, Curtis, nhạc viện hoàng gia Anh, Paris…

 

Ngoài những thành viên trẻ tuổi, festival còn có sự tham gia biểu diễn của các nhạc công, giáo sư đến từ các dàn nhạc như Munich, Berlin, Vienna, New York, Chicago…

 

“Đây thực sự là một cơ hội rất lớn để mình tiếp xúc học hỏi và biểu diễn ở trình độ chuyên nghiệp cao. Long được gặp gỡ, giao lưu, chơi cùng những nhạc công trẻ trong các dàn nhạc bậc nhất thế giới có chung đam mê, nhiệt huyết. Cảm giác đó thật tuyệt vời”, Duy Long bày tỏ.

 

Hoài Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm