Chàng trai 8X sở hữu hơn 2.000 đầu sách cổ
(Dân trí) - Hồi mới học lớp 4, Nguyễn Thanh Thuận (sinh năm 1989) đã nhịn ăn để mua sách đọc. Chính nhờ đam mê sách cổ từ thưở nhỏ, đến nay Thanh Thuận sở hữu hơn 2.000 đầu sách, trong đó có nhiều sách cổ thuộc vào hàng quý, hiếm.
Nhịn ăn… để mua sách cổ
Đến thăm “thư viện mi-ni” của Thanh Thuận vào ngày cận kề năm mới, chúng tôi may mắn gặp được ngay “ông cụ non mê sách cổ” tại tổ ấm của mình nằm ở phường 4, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Chàng trai 8X cho hay, ngoài những giờ làm việc ở Bảo tàng Đồng Tháp thì Thuận dành nhiều thời gian cho việc đi săn sách cổ nên ít ở nhà. Riêng hôm nay, do cuối năm, Thuận ở nhà để “chăm sóc” những “người bạn cao niên” của mình, trước khi tết đến xuân về.
Không đợi chúng tôi hỏi thăm đến những cuốn sách cổ, quý hiếm, Thuận giới thiệu ngay quyển sách tiếng Pháp “Les Usages de Cochinchine” (Các tập tục của Đông Dương) được xuất bản tại Sài Gòn năm 1905 của NXB Coudurier et Montégout. Tiếp đó là quyển “Océanie ou cinquième partie du monde” viết về các chuyến khám phá vùng Châu Đại Dương và một số nước Đông Nam Á của các nhà thám hiểm Châu Âu được xuất bản năm 1837 tại Paris... Khi giới thiệu sách, Thuận luôn cẩn thận nâng niu từng trang sách như một người mẹ đang bế đứa con đầu lòng, chẳng dám lơ là.
Theo Thanh Thuận, lên học cấp 2 và cấp 3, niềm đam mê sách cao hơn và sau mỗi buổi học, Thuận tranh thủ đi làm thêm từ nghề vẽ tranh (chủ yếu là báo tường, trang trí lớp học mầm non, quán cà phê…) và dạy thêm để kiếm tiền mua sách cổ. Khi có tiền, Thuận đi hết nhà sách cũ này đến nhà sách cũ khác ở tỉnh Đồng Tháp để “săn” sách và chỉ trong một năm, các tiệm sách cũ ở Đồng Tháp Thuận đã quen mặt với Thuận và khi có những cuốn sách cũ, cổ thì họ đều dành cho Thuận.
“Nhưng số sách cổ quý và lượng sách em mua được nhiều nhất là trong thời gian em học ĐH Mỹ thuật Đồng Tháp. Vì thời điểm này, em có cơ hội đi vẽ nhiều hơn nên cũng có tiền và tất cả số tiền em kiếm được hầu như em dành hết cho việc mua sách. Đặc biệt vào những ngày nghỉ, em bắt xe đi đến các thành phố có nhiều sách như Cần Thơ, Sài Gòn... đi 1, 2 ngày rồi về. Còn trong tỉnh em đạp xe để tiết kiệm tiền, mua thêm được 2 - 3 cuốn sách nữa”.
Cầm trên tay quyển “Tự vị An Nam La Tinh”, Thuận cho biết đây là quyển sách tìm được một cách đầy bất ngờ trong dịp Thuận lặn lội sang Cần Thơ. Là khách hàng quen thuộc với cửa hành sách cũ nên Thuận được chủ tiệm cho vào tận bên trong để tìm kiếm. “Thấy được quyển Tự vị An Nam La Tinh” như không tin vào mắt mình, cầm sách lên mà mừng rơi nước mắt”, Thuận chia sẻ. Đây là một trong những quyển tự điển chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam được in vào năm 1877 tại Ninh Phú do một nhà truyền giáo phương Tây biên soạn.
Hay bộ sách “Tân sang hình bộ tiểu sách toàn tập”, sách do Hoa đạo Nguyễn Đức Trứ biên soạn (chép tay) trên chất liệu giấy dó vào năm vua Tự Đức thứ 12. Nội dung sách viết về luật, bộ hình của triều Nguyễn. Bộ sách này của một người bạn cùng chơi sách, do không có nhu cầu sử dụng nên đã chia lại cho Thuận. Để sở hữu sách này, Thuận phải bấm bụng chia tay nhiều quyển sách cổ khác, cộng thêm một số tiền khá lớn.
Đọc sách cổ… bằng 4 giác quan
Dẫn chúng tôi vào kho sách, những kệ sách ngay ngắn để thành hàng dài được bao bọc rất kỹ lưỡng. Dù có hàng ngàn quyển sách nằm ở nhiều kệ, nhiều ngăn khác nhau nhưng Thuận nhớ vị trí một cách chính xác. Đối với Thuận, mỗi quyển sách là một câu chuyện và như một bài học đầy ý nghĩa.
Lấy trong tráp gỗ xưa được cất giữ cẩn thận là quyển Hán văn của Hải Thượng Lãn Ông vào thế kỷ thứ XVII được viết trên chất liệu giấy dó. Nhìn thấy Thuận nâng niu sách, chúng tôi mới hiểu được tình yêu sách cổ và niềm đam mê của Thuận. Hỏi Thuận giá trị mỗi quyển sách bao nhiêu thì Thuận chỉ cười hiền cho biết là “vô giá”.
Thanh Thuận chia sẻ: “Những cuốn sách cổ này được ông cha mình viết lại những điều hay để truyền lại cho con cháu. Ông mình đọc, đến cha mình rồi đến mình và sau này đến con cháu nữa… Chính điều này em cảm thấy sách cổ giống như một sợi dây vô hình giúp gắn kết giữa các thế hệ lại với nhau. Vì thế, khi đọc sách không chỉ được bồi dưỡng về tri thức mà con có sự gắn kết giữa các thế hệ, đây mới là điều quý nhất”.
Theo Thuận, sách cổ như sợi dây vô hình nối kết các thế hệ với nhau.
Ngoài ra, Thuận cho biết lí do em cũng như các anh em trong câu lạc bộ “Sách xưa Đồng Tháp” (hiện nay Thuận chủ nhiệm CLB này - PV) có niềm đam mê sách cổ là vì: “Khi đọc sách cổ, không chỉ thỏa mãn về tri thức qua thị giác. Sách cổ thường được làm bằng chất liệu giấy dó hoặc những loại giấy đặc biệt khác… nên khi chạm tay vào trang sách, xúc giác lúc đó được “làm việc”, sướng lắm. Khi dở sách từng trang, tiếng sột soạt vang lên, lúc đó khứu giác cũng “vui vẻ” khi nhận được những âm thanh đặc biệt này. Ngoài ra, cái mùi của sách cổ rất riêng, rất đặc biệt, hơi nồng, hăng… nhưng không phải của mồi ẩm mốc. Và em không bỏ được thói quen ngửi sách mỗi khi tiếp xúc với chúng”.
Đúng như lời Thuận nhận định, mỗi quyển sách cổ là một câu chuyện, một bài học và chứa đựng trong đó nhiều giá trị không thể tính được bằng tiền bạc...
Nói về gia tài của mình, Thuận chỉ tay về những kệ sách cổ: “Dù hoàn cảnh không mấy khả giả nhưng đối với em sách là tài sản vô giá. Sách như người thầy, như người bạn thân thiết và như kho tàng kiến thức không chỉ phục vụ cho thế hiện hiện tại mà còn kết nối giữa thế hệ cha ông và thế hệ mai sau… Với vốn sách này em mong muốn sẽ góp phần giúp ích cho các công trình nghiên cứu về lịch sử, xã hội ở tỉnh nhà và nhiều nới khác…”.
Mới đây, Thanh Thuận được nhận giải Khuyến khích Hội thi Tủ sách gia đình tại Hội sách TPHCM, Thuận cũng là người trẻ nhất đạt giải này. Từ niềm đam mê sách cổ, Thanh Thuận đã tự mày mò học chữ Trung, Hán Nôm và tiếng Pháp để phục vụ cho công tác tìm kiếm, sưu tầm sách...
Nguyễn Hành