Quảng Bình:

Chàng sinh viên nguyện hiến tạng sau khi chết mê làm thiện nguyện

(Dân trí) - Không chỉ tự nguyện hiến mô, tạng sau khi chết, chàng sinh viên Hoàng Trung Đức, lớp Đại học sư phạm Ngữ văn K65, Trường Đại học Quảng Bình còn được biết đến là một “thủ lĩnh” trong hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ nhiều mảnh đời nghèo khó, bất hạnh có cuộc sống tốt hơn.

“Em thấy mình thật sự may mắn hơn rất nhiều người. Bởi, ít nhất mình cũng được sinh ra, lớn lên và được đi học trong tình yêu thương, chăm sóc chu đáo của cha mẹ. Còn bên ngoài vẫn còn nhiều người không được lành lặn, nhiều em nhỏ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc và không được học hành. Từ đó, em nghĩ mình phải làm một việc gì đó để giúp đỡ những người thiếu may mắn, đồng bào nghèo giảm bớt được phần nào khó khăn”. Đó là tâm sự từ đáy lòng của chàng sinh viên Hoàng Trung Đức khi nói về việc làm thiện nguyện của mình.

Hoàng Trung Đức bắt đầu tham gia các hoạt động thiện nguyện từ đầu năm 2013. Ngày đó, Đức tham gia một hoạt động của nhóm thiện nguyện tự phát tại thành phố Đồng Hới tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em khuyết tật tại huyện Quảng Ninh. Sau chuyến đi đó, em tiếp tục tham gia nhiều chuyến tình nguyện đến với vùng đồng dân tộc thiểu số. Qua những chuyến đi đã cho Đức nhiều trải nghiệm, hiểu biết thêm cuộc sống của những người khó khăn, bất hạnh. Từ đó, niềm đam mê thiện nguyện ngày càng lớn dần trong em.

Và đến cuối năm 2013, Đức đã tập hợp một số bạn trẻ là học sinh, sinh viên và người lao động đam mê thiện nguyện thành lập Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Nét bút xanh miền Trung. Lúc đầu, CLB chỉ có 16 thành viên, đến nay CLB đã phát triển lên hàng trăm tình nguyện viên (TNV), trong đó có trên 40 TNV là lực lượng nòng cốt. CLB có một cơ sở tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và các cơ sở ở tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.


Các tình nguyện viên trong CLB Nét bút xanh miền Trung chăm sóc cho em Duấn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới

Các tình nguyện viên trong CLB Nét bút xanh miền Trung chăm sóc cho em Duấn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới

Từ khi thành lập đến nay, CLB thiện nguyện Nét bút xanh miền Trung đã tổ chức trên 100 chuyến đi thiện nguyện đến những nơi khó khăn như: trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật, làng trẻ em SOS, những gia đình gặp hoạn nạn trong cuộc sống và đặc biệt là các bản làng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để có kinh phí cho hoạt động, các TNV trong CLB đã cùng nhau kết nối với các nhà hảo tâm, chia sẻ những mảnh đời bất hạnh lên mạng xã hội để kêu gọi. Đặc biệt, trong các ngày lễ, CLB tổ chức bán hoa, nước uống để lấy tiền gây quỹ. Hình thức tình nguyện của CLB chủ yếu là tặng quà, giúp bà con dựng nhà cửa, làm đường cho học sinh đến lớp, khám và chữa bệnh cho người dân nghèo.

Sau hơn 3 năm hoạt động, CLB Nét bút xanh miền Trung đã tặng quà, tiền mặt cho những nơi khó khăn có giá trị trên 10 tỷ đồng, giúp bà con hàng nghìn ngày công lao động. Riêng trong đợt lũ tháng 10 và tháng 11 năm 2016, CLB đã tiếp nhận hàng và tiền cứu trợ giúp đồng bào khó khăn từ các nhà hảo tâm chuyển về có giá trị khoảng 3 tỷ đồng.

Đức chia sẻ, một trong những chuyến đi tình nguyện đáng nhớ nhất của mình và CLB là vào mùa hè năm 2015, khi CLB đã huy động gần 200 TNV lên phối hợp với Đoàn xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) ăn ở gần một tháng tại bản Ka Oóc. Hàng ngày, các TNV bạt núi làm con đường dài gần 6km xuyên qua núi giúp học sinh đến lớp và người dân đi lại thuận tiện hơn. Lúc đó, bản Ka Oóc có 37 hộ dân với 194 nhân khẩu. Dân bản vẫn sống trong cảnh “ba không” (không đường, không điện, không trạm y tế). Học sinh và bà con dân bản nơi đây thường đi lại bằng đường núi rừng, đèo dốc và khe suối.

Để mở được đường, các TNV phải mang theo cuốc, xẻng, rạ, xà beng... từ thành phố lên. Đội hình được chia làm 4 tổ, trải dài từ chân núi lên sườn núi. Mỗi người mỗi việc đã được phân công trước, người phát cây, người xúc, người cuốc đất. Và sau hơn 20 ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con dân bản, gần 200 TNV của CLB Nét bút xanh miền Trung và Đoàn xã Trọng Hóa đã làm xong “Con đường cho em” dài 6km, rộng 2m xuyên qua cánh rừng nối từ xóm Dừa lên tới bản Ka Oóc.

Trong chiến dịch hè tình nguyện năm 2016, Đức đã huy động được hơn 20 TNV trong CLB tiếp tục vào bản Lòm, xã Trọng Hóa giúp bà con làm vệ sinh môi trường, dạy học cho các em trong bản, sửa lại và làm mới 6 ngôi nhà cho bà con. Đức kể: “Chuyến đi ấy, chúng em ăn ở lại bản hơn 10 ngày để giúp bà con dựng và tu sửa nhà, các TNV đã theo dân bản vào rừng lấy gỗ, lá cọ. Công việc tuy vất vả, nặng nhọc nhưng các bạn đều nhiệt tình, đó thực sự là trải nghiệm thú vị đối với những người trẻ như chúng em”.

Anh Hồ Biên, một người dân trong bản phấn khởi: “Nhờ các em TNV trong CLB Nét bút xanh miền Trung giúp đỡ, gia đình tui mới có được ngôi nhà vững chãi để ở. Giờ đây, khi mùa mưa gió về là không lo bị dột nước nữa”.

Cũng trong năm 2016, trong một chuyến đi khảo sát của CLB để thực hiện chương trình thiện nguyện tại bản A-Ky, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch đã phát hiện trường hợp em Đinh Duấn (8 tuổi) người Ma Coong bị mắc bệnh nặng.


Các tình nguyện viên trong CLB Nét bút xanh miền Trung chăm sóc cho em Duấn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới

Các tình nguyện viên trong CLB Nét bút xanh miền Trung chăm sóc cho em Duấn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới

Đinh Duấn sinh ra trong một gia đình nghèo. Đã thế, em còn bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, suy nhược tuyến giáp, hen phổi, thoát vị rốn và giun đũa khá nhiều. Do mắc nhiều bệnh nên người em ngày càng gầy gò, ốm yếu. Hàng ngày, mẹ em làm lụng vất vả nhưng cũng không đủ nuôi 4 anh em.

Sau chuyến đi đó, CLB đã quyết định đưa em Duấn về Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới chữa trị. Hàng ngày, CLB đều cử người đến chăm sóc Duấn. “Vì là người dân tộc lại lần đầu xuống phố nên những ngày đầu ở bệnh viện, Duấn rất sợ người lạ, ít nói chuyện và rất biếng ăn. Nhưng sau một thời gian, được sự quan tâm, chăm sóc của các y bác sĩ và các TNV, em đã dần vui vẻ, hòa đồng với mọi người, chịu khó ăn uống nên sức khỏe hồi phục nhanh sau khi được phẫu thuật”, Trung Đức nhớ lại.

Hiện, Trung Đức cùng CLB thiện nguyện Nét bút xanh miền Trung đang tích cực làm “Quán cơm hạt gạo từ tâm - cơm 5.000 nghìn đồng” để giúp đỡ người lao động, sinh viên, bệnh nhân nghèo. Quán cơm sẽ đặt tại số 6, đường Hoàng Sâm, tổ dân phố 9, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 6 này.

“Quán cơm hạt gạo từ tâm - cơm 5.000 nghìn đồng” của CLB Nét bút xanh miền Trung chuẩn bị khai trương
“Quán cơm hạt gạo từ tâm - cơm 5.000 nghìn đồng” của CLB Nét bút xanh miền Trung chuẩn bị khai trương

Theo kế hoạch, quán cơm sẽ mở mỗi tuần 3 buổi trưa, mỗi buổi trên 100 suất ăn. Nếu đi vào hoạt động có hiệu quả, có thêm nguồn hỗ trợ thì sẽ tổ chức cả tuần. Đặc biệt, tại quán cơm còn có đội ngũ TNV là y, bác sĩ đang công tác ở các bệnh viện tham gia phục vụ, khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân nghèo. “Hy vọng, “Quán cơm hạt gạo từ tâm - cơm 5.000 nghìn đồng” và những hoạt động thiện nguyện của chúng em sẽ giúp cho những người nghèo giảm bớt đi khó khăn phần nào. Đây cũng là môi trường để em và các bạn trẻ thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội, nhất là với những mảnh đời kém may mắn hơn mình…”, Hoàng Trung Đức chia sẻ về hoạt động thiện nguyện của mình và CLB.

Đinh Vương - Đặng Tài