Chàng du học sinh Lào trên đất Việt

Somkhit Kheonouanla (30 tuổi) là sinh viên duy nhất của lớp Báo in K34 A2có vinh dự 3 lần được khen thưởng “Sinh viên tiên tiến” (2 lần của Giám đốc Học viện Báo chí – Tuyên truyền và một lần của Đại sứ quán Lào tại Việt Nam). Anh được các bạn cùng lớp thân mến gọi là “anh cả” của lớp “báo giấy”.

Somkhit sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có tới 8 người con, ở TP. Sayyabouly, Cộng hòa DCND Lào. Cuộc sống vất vả, dãi dầu gió sương của ba mẹ đã hun đúc trong anh ý chí vươn lên.

Từ một người học trái ngành (tốt nghiệp Quản trị Kinh doanh), anh đã trở thành một trong những nhà báo hàng đầu của tỉnh Phongsaly được cử sang Việt Nam đào tạo chuyên sâu về báo chí.

Vượt qua khó khăn

Tháng 4/2013, anh Somkhit nhận quyết định cử du học. Tháng 5/2013, anh tới Thủ đô Viêng Chăn học dự bị tiếng Việt 3 tháng. Đến tháng 10/2013, anh có mặt tại Việt Nam học dự bị thêm một năm tại trường Hữu Nghị, để rồi tháng 9/2014, anh chính thức nhập học chuyên ngành Báo in, khoa Báo chí, Học viện Báo chí – Tuyên truyền.

Anh kể, lúc mới sang Việt Nam học, anh đã gặp rất nhiều khó khăn:”Thứ nhất là về ngôn ngữ, mình nói chưa chuẩn, khả năng nghe kém. Do đó, khi các thầy cô giáo hoặc bạn bè nói nhanh,mình không hiểu.

Hơn nữa, tiếng Việt có rất nhiều từ cho nên mình không nhớ hết. Bởi vậy mà khi kiểm tra tiếng Việt kỳ I ở trường Hữu Nghị, mình bị trượt phần nghe. Lúc ấy, mình buồn lắm, cô giáo dạy và đọc điểm cho mình cũng khóc”.


Anh Somkhit trong một lần làm bài tập nhóm.

Anh Somkhit trong một lần làm bài tập nhóm.

Khó khăn thứ hai với anh Somkhit chính là nỗi nhớ nhà, đặc biệt là nỗi nhớ vợ con: “Vợ chồng mình có hai con nhỏ – con trai đầu 6 tuổi, con gái mới được 9 tháng. Mình nhớ, lúc mới sang Việt Nam, khi con trai hỏi “Bố ơi, bao giờ bố sẽ về nhà?”, mình không biết trả lời bé thế nào, đành lặng im. Nhất là những khi bé bị ốm đau, mình không ngủ được, mình gọi điện cho vợ hỏi thăm con suốt đêm”.

Khó khăn ấy cũng là điều mà Thân Thị Hiền (bạn cùng bàn, cùng lớp) cảm nhận được và cảm động: “Anh kể rất nhiều về gia đình bằng tình yêu và niềm tự hào. Thỉnh thoảng, anh lại mang ảnh con ra ngắm, rồi cười”.

“Nhà báo mà chậm chạp thì không được”

Tuy nhiên, sự quan tâm,giúp đỡ “như bạn bè, như họ hàng, như anh em” của ban giám đốc, của các thầy cô giáo và các bạn sinh viên Việt Nam đã giúp Somkhit vơi đi nỗi nhớ nhà và ngày càng tiến bộ trong học tập.

Kỳ I năm học 2016-2017, Somkhit là người có số điểm trung bình môn cao (7,86). Càng vui hơn khi anh Faying, Phó Trưởng đoàn Lưu học sinh Lào, Học viện Báo chí – Tuyên truyền cho biết, tháng Sáu tới, anh Somkhit sẽ được kết nạp Đảng.

Somkhit chia sẻ, anh khắc phục nhược điểm về ngôn ngữ bằng cách năng nói chuyện với các bạn Việt Nam, trong mỗi tiết học, gặp từ nào không hiểu nghĩa, anh ghi lại vào một cuốn sổ nhỏ để về tra từ điển hoặc hỏi bạn bè. Anh cười: “Mình ghi vào sổ tới 4.000 từ rồi!”.

Đối với các môn học lý thuyết và nghiệp vụ chuyên ngành, Somkhit luôn là người nộp bài sớm nhất: “Làm gì mình cũng phải làm sớm. Bởi là nhà báo mà làm chậm chạp thì không được”.

Theo Trường Hùng

Sinh viên Việt Nam