“Chấm điểm” bằng nhận xét: Băn khoăn

(Dân trí) - Việc bỏ chấm điểm và thay bằng nhận xét được cho là sẽ giảm áp lực cho học sinh tiểu học. Nhưng liệu thay đổi này có thực chất chưa, hay chúng ta đang dùng bệnh hình thức để “chữa” bệnh thành tích?

Thông tư quy định việc đánh giá học sinh (HS) tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2014. Còn nhiều ý kiến trái chiều về việc không cho điểm thường xuyên mà đánh giá HS bằng nhận xét.

Giảm áp lực

Trước thông tin trường tiểu học sẽ bỏ việc cho diểm thường xuyên mà đánh giá HS bằng nhận xét, nhiều phụ huynh tỏ ra vui mừng khi con và bản thân họ sẽ thoát được áp lực điểm số. Những câu hỏi han của bố mẹ như “Hôm nay con được mấy điểm?”, “Tại sao lại được điểm thấp?”… sẽ không còn là nỗi ám ảnh của trẻ sau giờ tan trường.

Học sinh sẽ giảm được áp lực học tập, ganh đua khi đánh giá bằng nhận xét thay cho điểm số.
Học sinh sẽ giảm được áp lực học tập, ganh đua khi giáo viên đánh giá bằng nhận xét thay cho điểm số.

Chị Phan Ngọc Thảo, có con đang học lớp 3 cho biết con chị học tốt, điểm các môn thường rất cao. Lần nào bị điểm thấp cháu căng thẳng vô cùng, hay tự trách mình, cay cú… nên vợ chồng chị cũng bực mình lây.

“Tôi cũng chưa việc hình dung ra việc đánh giá bằng nhận xét như thế nào nhưng với con trẻ việc nên trường nên nhẹ nhàng, đừng để điểm số gây áp lực cho các cháu. Tôi ủng hộ chủ trương này”,  chị Thảo chia sẻ.

Năm học 2013 - 2014, TPHCM đã áp dụng việc đánh giá bằng nhận xét đối với HS lớp 1, đạt được những hiệu quả rõ nhất định. Bà Võ Thu Tâm, hiệu trưởng Trường tiểu học Chi Lăng (Q.6, TPHCM) chia sẻ, việc đánh giá bằng nhận xét có tác động tích cực đến nhận thức của người dạy, người học và phụ huynh HS rằng sự tiến bộ trong quá trình rèn luyện mới quan trọng chứ không phải mục tiêu về điểm số.

Việc không cho điểm đối với HS lớp 1 năm học vừa rồi tạo tâm lý thoải mái cho trẻ học tập. Còn với phụ huynh, theo bà Tâm, họ không còn so đo về điểm số, không bắt trẻ học trước hay bắt con phải ganh đua với bạn bè. Qua đó, phần nào giảm được áp lực tìm thầy dạy cho con hay ép trẻ học thêm…

Một khi nắm được tinh thần việc đánh giá nhằm khuyến khích HS ham học và tham gia các hoạt động giáo dục, chú trọng đến sự tiến bộ của HS, bà Tâm cho rằng đó chính là động lực để thay GV không ngừng điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với HS. Đồng thời, việc đánh giá bằng lời sẽ yêu cầu sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con trẻ hơn việc đánh giá bằng điểm số.

“Lỗi ở con người, lại đi “chữa” điểm số?”

Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì những “phản pháo” về việc cho điểm bằng nhận xét còn có phần dữ dội hơn. Nhiều phụ huynh lo ngại nếu chỉ thông qua lời nhận xét của GV thì họ khó nắm được khả năng học tập, sự tiến bộ của con. Việc không cho điểm để đánh giá có thể làm mất động lực học tập, phấn đấu của con trẻ.

Nhất là những lời nhận xét của GV nếu chỉ qua loa, lấy lệ thì các em không biết dựa vào đâu để cố gắng. Nhất là đối với các môn Toán, Khoa học, khả năng của từng em, giữa em này với em khác, đánh giá bằng điểm số sẽ rõ ràng, công bằng.

Học sinh sẽ giảm được áp lực học tập, ganh đua khi đánh giá bằng nhận xét thay cho điểm số.
Điểm số là phần thưởng lớn của quá trình học tập, nhiều người e ngại việc bỏ chấm điểm là... bệnh hình thức.

Anh Trần Đức Minh, công tác trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường ở TPHCM cho rằng việc bỏ chấm điểm đối với HS bằng nhận xét có mức độ chính xác, minh bạch thấp hơn so với điểm số.

Từ công việc của mình, anh Minh liên tưởng, trong bảng nghiên cứu dành cho khách hàng đánh giá bằng lời ở các mức rất hài lòng, hài lòng, tạm hài lòng, không hài lòng… đều xây dựng số điểm tương ứng nếu muốn có độ chính xác cao.

“Tôi ví dụ mức độ rất hài lòng với hài lòng rất khó để phân biệt nhưng số điểm tương ứng 5 và 4 cho ra đánh giá cụ thể hơn. Với đánh giá HS, tôi nghĩ nếu chỉ khen, nhận xét tiến bộ chung chung thì rất khó để biết đúng khả năng các em ở đâu”, anh Minh nói.

Đánh giá qua điểm số, khả năng phân loại HS rất rõ ràng, cụ thể mà khó GV nào có thể sử dụng ngôn ngữ bằng lời để thay thế. Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, áp lực về điểm số không phải từ con điểm mà ra. 

Chị Thùy Trang, có con học tại Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TPHCM) cho rằng điểm số thể hiện rõ năng lực của HS, làm được bài thì được điểm tốt, không làm được bài thì được điểm kém… Đó là thực tế GV, phụ huynh và HS cần chấp nhận để đảm bảo sự minh bạch của điểm số. 

 “100% HS giỏi cũng không có gì đáng ngại nếu đó là thực chất. HS kém phải biết mình kém để cố gắng… Điểm số bị “bóp méo” là do con người”, chị Trang nói.

Cô N.T.L.H, phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Phú Nhuận, TPHCM cho rằng mỗi con điểm đều đáng trân trọng, là phần thưởng lớn khi xuất phát từ chính nỗ lực dạy học thật sự của thầy trò.

Trước đây, bao nhiêu thế hệ học hành thông qua đánh giá chấm điểm không có tiêu cực nhưng gần đây, điểm số bị nhìn lệch lạc là do gia đình, nhà trường đặt áp lực lên trẻ, chạy theo bệnh thành tích. Đối tượng cần “chữa bệnh” ở đây chính là con người, chứ không phải điểm số.

“Chủ trương bỏ đánh giá bằng điểm là thay đổi mang tính hình thức, chứ không đi vào trọng tâm dạy thật học thật”, cô L.H nói và bày tỏ lo ngại rằng việc bỏ điểm thay bằng nhận xét kiểu như chúng ta đang dùng bệnh hình thức để “chữa” căn bệnh thành tích.

Và nếu như vậy, lâu nay trẻ và phụ huynh bị “ru ngủ” bằng những con điểm không thực chất, con điểm của bệnh thành tích thì có thể lắm nguy cơ từ nay lại được “tâng bốc” bởi  những lời nhận xét sáo rỗng, qua loa…

Hoài Nam 
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm