Cay đắng dạy thêm

(Dân trí) - Phía sau việc dạy thêm, người thầy mang không ít nỗi cay đắng, tủi hờn nhưng lại là lựa chọn đường cùng của không ít nhà giáo nếu còn muốn… bám nghề.

Bám nghề nhờ dạy thêm

Không ít nhiều giáo viên nhờ có nguồn cứu cánh từ dạy thêm mới có thể bám trụ nổi với nghề giáo, còn không họ sẽ bươn chải bằng các công việc khác ngoài chuyên môn của mình để “nuôi” lòng yêu nghề.

Cô là giáo dạy giỏi môn Hóa, giờ là hiệu trưởng tại một trường THPT ở Bình Thạnh, TPHCM. Cô từng tuyên bố không ngại ngần: “Tôi sống chủ yếu nhờ dạy thêm!”. Bởi nếu không nguồn thu nhập từ dạy thêm, chắc gì bây giờ ngành giáo dục giữ được một nhà quản lý có tâm có tài quản lý có tiếng, từng là nữ đại biểu Quốc hội khóa XII với những tiếng nói sắt đá ở nghị trường.

Dạy thêm chất lượng còn là không gian để thầy trò vũng vẫy trong biển kiến thức mà chương trình chính khóa gò bó không đáp ứng được
Dạy thêm chất lượng còn là không gian để thầy trò vũng vẫy trong biển kiến thức mà chương trình chính khóa gò bó không đáp ứng được

Một giáo viên khác, giờ là Thạc sĩ giáo dục đang truyền lòng yêu nghề cho rất nhiều sinh viên bằng chuyên môn vững vàng và nhiệt huyết của mình. Khi còn là sinh viên và lúc mới ra trường, nếu không nhờ vào việc dạy thêm thì giờ có thể cô đã về quê buôn bán hoặc làm một công việc nào khác chứ chắc chắn không còn gieo chữ trên bục giảng.

Công bằng mà nói, việc dạy thêm của giáo viên, nhất là những giáo viên giỏi chuyên môn mang lại những lợi ích nhất định cho học trò giúp các em đương đầu với chương trình học quá tải, với áp lực thi cử.

Đối với giáo viên trẻ, việc dạy học trên lớp gò bó theo khuôn khổ chương trình, sách giáo khoa, thời gian hạn hẹp thì dạy thêm còn là không gian để họ thỏa sức vùng vẫy, nâng cao chuyên môn..

Nhu cầu dạy thêm của giáo viên phần lớn xuất phát từ thực tế đồng lương quá bèo bọt. Họ làm thêm, kiếm thêm bằng chính chuyên môn là cách thức lao động chân chính và là một nhu cầu chính đáng nhưng cũng chua cay vô cùng.

Nỗi chua cay lớn nhất mà nhà giáo phải đối diện khi kiếm sống chính đáng chính là thái độ của dư luận, xã hội xem người thầy dạy thêm như tội phạm. Có những giáo viên “bắt ép” học trò nhưng đó là con số ít trong nhu cầu học thêm từ chính học sinh.

Bao nhiêu nhà giáo lương tri phải chảy nước mắt trước đủ quy định về dạy thêm học thêm lúc thế này, lúc thế khác cùng không ít những lần “ra quân” bắt bớ. Rồi lâu lâu lại xuất hiện những văn bản, phát biểu cảnh báo, nhắc nhở… gây sát thương với tâm hồn nhạy cảm của nhà giáo hơn bất cứ thứ vũ khí nào.

Bao giờ nhà giáo hết đau thương vì… tiền?

Việc xóa dạy thêm học thêm trong nhà trường mà TPHCM đang mạnh tay thực hiện cũng xuất phát từ những “bất an” của dạy thêm học thêm theo cách nghĩ tiêu cực. Xóa dạy thêm học thêm trong trường học có thể sẽ xóa được những tiếng thở dài, những ưu tư của học trò, phụ huynh và cả những nghi kỵ đối với giáo viên. Đó là việc cần phải làm, không có gì phải bàn cãi.

Nhưng có việc còn quan trọng không kém đã được nhắc đến, hứa hẹn từ lâu, đó là nỗi cay đắng của người thầy xuất phát từ đời sống thu nhập bấp bênh. Đồng lương èo ọt không đủ sống nhưng không dạy thêm người thầy chỉ có hai lựa chọn: bỏ nghề hoặc kiếm nghề tay trái để… nuôi mình, nuôi nghề. Nhưng có yêu nghề đến mấy, khi người thầy một tay hai ba việc thì làm sao họ có thể đầu tư tâm sức cho chuyên môn, học trò?

Người thầy cần được tạo điều kiện về vật chất lẫn môi trường làm việc để chuyên tâm với nghiệp trồng người
Người thầy cần được tạo điều kiện về vật chất lẫn môi trường làm việc để chuyên tâm với nghiệp trồng người

Như lời chua chát của cô Tô Thị Diễm Quyên, đang công tác ở Sở GD – ĐT TPHCM: Giáo viên dạy thêm làm gì để thân tàn ma dại vì ngày dạy 9-10 tiết, tối dạy thêm và khuya chấm soạn bài cùng hàng đống thứ vắt kiệt sức lực người thầy? Dạy thêm để làm gì khi thiên hạ đòi xử nhà giáo như những tội phạm?

Theo cô Quyên, nếu giáo viên không đủ sống, không dạy thêm và cũng không biết chạy ngược xuôi làm nghề tay trái thì chỉ còn phương án bỏ nghề. Hãy nhường lại bục giảng cho những ai có điều kiện kinh tế và không sống bằng lương. Những người thầy đó mới có đủ lực để tồn tại, để tái tạo chất xám khi cầm phấn không run tay bởi cơm áo gạo tiền.

Giáo dục là quốc sách nhưng quốc sách lại đang bỏ rơi hoặc cố tình làm ngơ trước nỗi cay đắng, tủi hờn của những người cầm trịch giáo dục? Thu nhập của giáo viên cần được giải quyết bằng những quyết sách rõ ràng chứ không phải bằng những lời hứa, những lời chia sẻ lặp đi lặp lại hàng chục năm qua.

Đã đến lúc phải quyết liệt đối với thu nhập của nhà giáo, phải kiên quyết hơn cả việc chúng ta đang hành động để xóa dạy thêm học thêm. Để những người thầy đang theo nghề, chưa bỏ nghề có thể dốc sức cho học trò nghề và về lâu dài là để người tài không quay lưng với giáo dục.

Đừng để nhà giáo phải chảy nước mắt vì đồng tiền!

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Dạy thêm, học thêm