Câu hỏi ở đề văn “gài bẫy” học sinh quá tối nghĩa

(Dân trí) - Sau khi xem câu hỏi đề thi chính thức kiểm tra học kỳ II, môn ngữ văn lớp 9, ở phần I, câu 1 của TP.HCM, nhiều nhà giáo dạy Ngữ văn cho rằng câu hỏi đề thi quá tối nghĩa.

Vừa qua, nhiều học sinh ở TP.HCM sau khi hết giờ thi môn ngữ văn lớp 9 đã tỏ ra lo lắng, hoang mang vì gặp phải đề thi mang tính đánh đố và khó hiểu.

Theo đó, trong đề thi chính thức kiểm tra học kỳ II, môn ngữ văn lớp 9, ở phần I, câu 1 như sau:

“Nguyễn Du viết:

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Nào phải để cho chúng ta biết cảnh mùa xuân ra sao mà thôi, hai câu thơ làm chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng mà tác giả đã nhìn thấy trong cảnh vật, rung động với cảnh thiên nhiên mỗi mùa xuân lại như tái sinh, tươi trẻ mãi, và cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn luôn tái sinh ấy.”

Đọc đoạn trích trên và thực hiện các yêu cầu sau:

a) Nêu tên tác giả tác phẩm

b) Từ ý nghĩa của các cụm chủ vị “ta biết cảnh mùa xuân”, “chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng”, em hãy tìm các cụm từ thể hiện điều chúng ta có được từ văn học nghệ thuật (qua đôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du).

Thầy Trần Hinh - giảng viên khoa ngữ văn - ĐHKHXH&NV

Thầy Trần Hinh - giảng viên khoa Ngữ văn - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH QGHN

Đánh giá về đề thi ngữ văn trên, Thầy Trần Hinh, giảng viên khoa Ngữ Văn – ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ quan điểm rằng, thực tế những người ra đề thi đang muốn tạo nên sự mới mẻ đề thi cho học sinh. Tuy nhiên, khi ra đề thi cần căn cứ vào chuẩn của học sinh, đối với học sinh cấp 2 nên chú ý vào kiến thức tiếng việt, ngôn ngữ, văn bản, đoạn văn bản chứ không nên đưa ra sự đánh đố như vậy. “Không cần thiết phải lấy đoạn văn của nhà văn Nguyễn Đình Thi đưa vào đề thi để làm cho học sinh nhầm lẫn với truyện Kiều của Nguyễn Du”, thầy Hinh nói.

Đặc biệt, ở câu hỏi B: “Từ ý nghĩa của các cụm chủ vị “ta biết cảnh mùa xuân”, “chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng”, em hãy tìm các cụm từ thể hiện điều chúng ta có được từ văn học nghệ thuật (qua đôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du”, nhà giáo Trần Hinh cho rằng: “Câu hỏi này quá tối nghĩa và phức tạp, đến như tôi còn chẳng hiểu được là người ra đề thi định hỏi cái gì, yêu cầu học sinh phải tìm đoạn chủ vị như vậy rất khó hiểu”.

Khảo sát đề văn “gài bẫy” học sinh đối với các giáo viên ngữ văn, hầu hết đều cho rằng, học sinh sẽ trả lời nhầm ở câu hỏi A rằng đây là tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du vì hai câu thơ trên quá nổi tiếng. Đối với câu hỏi B, các giáo viên đều cho biết quá mù mịt, tối nghĩa và học sinh không thể trả lời rõ ràng được.

Còn theo Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên ngữ văn trường THPT Chu Văn An – Hà Nội, đây là dạng câu hỏi đọc - hiểu, là dạng đề bài kiểm tra khả năng đọc và hiểu văn bản của học trò khi đưa ra một ngữ liệu cùng những câu hỏi về các giá trị nội dung hoặc hình thức của ngữ liệu.

Theo đó, ngữ liệu đọc - hiểu phải là một đơn vị ngôn ngữ hoàn chỉnh ( một câu, một đoạn, hoặcmột văn bản trọn vẹn...), và các câu hỏi phải giúp học sinh hiểu những vấn đề liên quan đến hình thức hoặc nội dung biểu đạt, biểu cảm của văn bản - những vấn đề hàm chứa trong ngữ liệu. 

Đề văn trên, ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn văn của một tác giả A nhận xét, thẩm bình về câu thơ của một tác giả B; câu hỏi a (nêu tên tác giả, tác phẩm? ) là mơ hồ về yêu cầu đọc hiểu, học sinh sẽ không thể đoán biết đề bài yêu cầu nêu tên tác giả tác phẩm nào, đoạn văn phân tích của Nguyễn Đình Thi hay câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Đây không phải dạng câu hỏi đánh đố mà đơn thuần chỉ là sơ suất của người ra đề, khi không " bạch hoá" yêu cầu. Bởi chỉ khi người ra đề chủ ý đưa ra những câu hỏi lắt léo thì mới coi là đánh đố; còn khi câu hỏi mà hiểu thế nào cũng đúng hoặc không đúng bởi sự thiếu chặt chẽ của câu hỏi thì đây chỉ là lỗi kĩ năng diễn đạt. 

 

Tiến sĩ Văn học Trịnh Thị Thu Tuyết

Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết

"Theo tôi, kể cả chủ ý đánh đố cũng là không nên với mọi môn học, không riêng gì môn văn, vì mục đích dạy học là cung cấp tri thức và dạy phương pháp, kĩ năng tư duy, không phải dạy học trò sự lắt léo tinh ranh dựa trên những mối liên hệ không bản chất kiểu " đuổi hình bắt chữ".  Hệ thống câu hỏi kiểm tra phải dựa trên mối quan hệ bản chất của các kiến thức đã có với phương pháp tư duy logic để học sinh hoặc kiểm nghiệm những tri thức, kĩ năng đã biết, hoặc tìm ra tri thức, kĩ năng mới" - nhà giáo Trịnh Thu Tuyết nói.

Cô Tuyết phân tích, câu hỏi b: Từ ý nghĩa của các cụm chủ vị “ta biết cảnh mùa xuân”, “chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng”, em hãy tìm các cụm từ thể hiện điều chúng ta có được từ văn học nghệ thuật (qua đôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du) cũng có vấn đề về diễn đạt.

Cụ thể, học sinh sẽ bối rối trước phần lệnh của câu hỏi, đó là không hiểu "các cụm từ thể hiện điều chúng ta có được từ văn học nghệ thuật" liên quan đến các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ của "văn học nghệ thuật"  nói chung hay " (qua đôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du)" nói riêng khi cả hai yêu cầu đều hiện hữu trong câu hỏi.

Thêm nữa, đó là những cụm từ học sinh phải tự phát hiện hay có sẵn trong đoạn văn của Nguyễn Đình Thi, hay trong "đôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du"...! Và sự trùng lặp của " các cụm chủ vị", " các cụm từ" trong cả câu hỏi cũng khiến nội dung câu hỏi thêm tối nghĩa.

Được biết, đây cũng là đề thi sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THCS, nhiều giáo viên lo ngại đề thi đánh đố khiến học sinh rất dễ mất điểm câu này.

Lê Tú