Cậu học trò nghèo vượt nghịch cảnh lọt vào đội tuyển toán quốc gia
Bố mẹ mang trong mình bệnh tật, gia đình lại không có điều kiện cho con đi học thêm, nhưng những chướng ngại đó không làm Thông bớt ham học và vào đội tuyển toán quốc gia của tỉnh Hưng Yên.
Cậu học trò quê Tiên Lữ (Hưng Yên) luôn ngại ngùng khi nghe ai đó nhắc đến những thành tích của mình. Hoàn cảnh gia đình khiến Thông có phần rụt rè, mặc cảm.
"Dù khổ, con vẫn muốn được sinh ra ở nhà mình"
Bố mẹ Thông - chị Hoàng Thị Quy và anh Phạm Văn Hinh (Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên) đến với nhau vốn là một cuộc hôn nhân được sắp đặt. Khi ấy, chị Quy đã 29 tuổi nhưng vẫn chưa lấy chồng. Do mặc cảm về bệnh tật, chị cũng không chủ động đi tìm nửa kia. Bởi vậy, khi gặp anh Hinh, hai người nên vợ nên chồng.
Không ai ngờ được, kết quả của cuộc hôn nhân không tình yêu giữa một người mẹ có tiền sử bệnh động kinh và một người cha chậm chạp về trí tuệ lại là hai đứa con ngoan ngoãn, thông minh.
Từ lớp 1, cả hai con của chị Quy đều đạt học sinh giỏi. Lúc thi vào Trường THPT Chuyên Hưng Yên, Thông đỗ top đầu, còn em gái Thông cũng thi đỗ vào trường THCS của huyện.
"Khi sinh con được khoảng 2-3 tháng, tôi đã đặt con trên giường để con tự nằm chơi, còn mình đi đan mành để kiếm thêm thu nhập. Con lớn lên mà không được uống sữa như những người khác, chỉ có bột nấu đường, thậm chí là nước cơm".
Thu nhập của cả gia đình chỉ phụ thuộc vào 7 sào ruộng, làm mành và trồng rau. Ý thức được hoàn cảnh, hai anh em Thông dặn nhau phải biết nghe lời và đỡ đần cha mẹ. Bởi vậy, hàng ngày, Thông đều thức dậy từ sớm để chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa rồi mới đến trường.
"Có những ngày nhiều bài vở, Thông thường thức đến 12 giờ đêm để làm bài. Nếu chưa xong, sáng hôm sau 4 giờ con lại dậy để làm nốt. Đến vụ mùa, Thông hay tranh thủ dậy sớm hơn để giúp bố mẹ".
Theo lời kể của người mẹ, gia đình từng không đồng ý việc Thông thi vào trường chuyên.
"Từ nhà đến trường chuyên khoảng 10km, đi lại cũng mất gần 1 tiếng, tôi sợ con đi học vất vả lại nhiều nguy hiểm. Nhưng vì con khao khát học nên đã tự làm đơn đăng ký".
Chị Quy cũng cho biết thêm, bình thường, Thông cũng không mấy khi tụ tập bạn bè hay rủ bạn về nhà chơi.
"Em ít khi rủ các bạn về nhà, một phần cũng hơi mặc cảm vì điều kiện không tốt, em lo khi mời các bạn về chơi lại không tiếp đón được chu đáo", Thông nói.
Thấy con thiếu thốn đủ đường, nhiều lần chị Quy nói đùa: "Giá mà con được sinh ra ở một gia đình nào giàu hơn thì có phải đỡ khổ không". Nghe mẹ nói vậy, cả hai anh em Thông đáp: "Dù khổ, con vẫn muốn được sinh ra ở nhà mình".
Dù điều kiện kinh tế khó khăn, lại không được đi học thêm, nhưng cậu học trò chuyên Toán vẫn đạt được nhiều thành tích tốt. Thông còn kiêm luôn nhiệm vụ làm "gia sư" cho em gái.
Cậu học trò "trường làng" vào đội tuyển Toán quốc gia
Từng phải cố gắng thuyết phục mẹ cho thi vào trường chuyên, giờ đây, khi nghĩ lại, Thông vẫn cho rằng quyết định ấy là đúng đắn.
"Lần đầu tiên em được đặt chân đến Trường THPT Chuyên Hưng Yên là vào kỳ thi HSG cấp tỉnh năm lớp 9. Đây cũng là kỳ thi đáng nhớ nhất khi em được ngồi tại phòng học của ngôi trường mà mình yêu thích từ lâu", Thông tâm sự
Vào cấp 3, Thông tiếp tục phát huy năng khiếu của mình ở khối tự nhiên, đặc biệt là trong môn Toán khi xuất sắc lọt vào đội tuyển HSG quốc gia của trường và tham dự kỳ thi vượt cấp khi mới chỉ là học sinh lớp 11.
Trước đó, ở bậc THCS, Thông từng nhiều lần đạt thành tích cao ở các cuộc thi HSG cấp huyện, cấp tỉnh. Thông được thầy cô, bạn bè và những người xung quanh đánh giá là một học sinh ngoan ngoãn và có chí tiến thủ. Thành tích 10 năm liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của em.
"Sinh ra trong gia đình khó khăn, đôi khi em nghĩ việc mình đi học sẽ trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Nhưng rồi điều đó lại trở thành nguồn động lực để em cố gắng hơn nữa trong học tập và thực hiện những dự định của mình", Thông nói và cho biết thêm, may mắn của em là nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người thân, thầy cô và bạn bè.
Kể từ năm lớp 10, Thông nhận được một khoản trợ cấp hàng tháng là 700.000. Điều này cũng phần nào giảm đi gánh nặng kinh tế cho gia đình em.
"Không ai nghĩ rằng vợ chồng tôi lại có thể sinh được 2 đứa con thông minh và ngoan ngoãn đến vậy. Tôi nghĩ mình may mắn được "trời thương", chị Quy xúc động và nói điều chị mong đợi nhất là các con có sức khỏe tốt, sống lương thiện.
Còn Thông cho biết em sẽ cố gắng hết mình cho cuộc thi HSG quốc gia, cũng như phân bổ được thời gian hợp lý để đạt kết quả cao nhất có thể trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau.
"Em hiểu cảm giác khi những người thân thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Do đó, em mong muốn có thể theo đuổi ngành y, một phần để giúp đỡ cho những bệnh nhân, một phần có thể đỡ đần cha mẹ".
Theo Phương Thu - Hữu Chánh (VNN)