Cậu học trò mỗi ngày đứng ở cổng trường và câu chuyện xúc động phía sau

Tiến Thành

(Dân trí) - Sáng nào cũng vậy, Tương đều đứng chờ ở cổng trường để cõng bạn vào lớp, hành trình trở thành "đôi chân" của người bạn tật nguyền của Tương đã được hơn 3 năm và sẽ còn tiếp tục.

Đó là câu chuyện về tình bạn của 2 nam sinh Lưu Quang Vũ và Hồ Minh Tương (cùng SN 2008, học sinh lớp 10, Trường THCS và THPT Đakrông, tỉnh Quảng Trị).

Sáng nào cũng vậy, Tương đều đứng chờ ở cổng, khi Vũ được bố chở đến, Tương sẽ đón, cõng bạn vào lớp, đồng hành trong mọi hoạt động ở trường, cuối giờ lại cõng ra cổng để người thân đón về. Dù nắng hay mưa, sáng sớm hay tối muộn, Tương vẫn cõng bạn trên đôi vai vững chắc.

Nhiều năm qua, hình ảnh 2 cậu học sinh cõng nhau đến lớp đã trở nên quen thuộc, nhận được sự sẻ chia, khâm phục của giáo viên và học sinh Trường THCS và THPT Đakrông. 

Cậu học trò mỗi ngày đứng ở cổng trường và câu chuyện xúc động phía sau - 1

Ngày nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, Tương đều đứng chờ sẵn ở cổng để đón rồi cõng Vũ vào lớp học (Ảnh: Nhật Anh).

Em Lưu Quang Vũ, trú ở thôn A Ngo, xã A Ngo, huyện Đakrông, sinh ra cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, căn bệnh teo cơ khiến tay, chân Vũ teo tóp dần theo thời gian.

"Em bị đau từ năm 2 tuổi, càng về sau càng nặng, bố mẹ đưa đi chạy chữa nhiều nơi nhưng chẳng cải thiện được, tay chân cứ co rút lại. Hồi trước, dù đau nhưng em vẫn cố gắng đi lại được, 3 năm nay không thể đứng dậy được nữa. Ở nhà em phải nhờ bố, mẹ, đến trường phải nhờ bạn cõng", Vũ tâm sự.

Gia đình Vũ thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ làm nghề thu mua ve chai nên hết sức vất vả. Vũ có một người em trai, năm nay học lớp 1 cũng có dấu hiệu bị bệnh như em, tứ chi yếu dần.

Cậu học trò mỗi ngày đứng ở cổng trường và câu chuyện xúc động phía sau - 2

Gần 3 năm qua, Hồ Minh Tương tình nguyện làm "đôi chân" của bạn (Ảnh: Nhật Anh).

Còn đối với em Hồ Minh Tương, gần 3 năm qua, chàng trai này tình nguyện làm "đôi chân", đồng hành cùng bạn trong nhiều hoạt động ở trường và cả ở nhà. Những ngày bố Vũ bận, Tương sẽ đến tận nhà chở bạn đi học, tan trường lại chở bạn về.

Nhà Tương cách nhà Vũ gần 3km, học và chơi với nhau từ năm lớp 6 nên đôi bạn rất thân thiết, gắn bó. Cảm thông trước hoàn cảnh không may mắn của Vũ, vừa khâm phục ý chí, nghị lực của bạn, Tương luôn gần gũi động viên, giúp đỡ Vũ trong cuộc sống, học tập.

"Em thương, quý Vũ lắm, bạn ấy cũng là tấm gương để em học tập, dù khó khăn nhưng bạn vẫn giàu nghị lực vươn lên. Em rất vui khi có một người bạn như Vũ, với em, cõng bạn đến trường mỗi ngày cũng là niềm vui, em sẽ cõng bạn hết cấp 3, cùng nhau thi vào đại học", Tương chia sẻ.

Cậu học trò mỗi ngày đứng ở cổng trường và câu chuyện xúc động phía sau - 3

Nhà trường cũng đã bố trí Tương và Vũ ngồi cùng bàn để tiện giúp đỡ nhau (Ảnh: Nhật Anh).

Thầy giáo Nguyễn Khương Chinh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đakrông, nhận xét, dù bản thân đau ốm nhưng Vũ rất chăm ngoan, chịu khó và đạt kết quả cao trong học tập.

Theo thầy Chinh, tình bạn đẹp của Tương và Vũ chính là tấm gương sáng cho học sinh toàn trường. Vào đầu năm lớp 10, khi học sinh được lựa chọn tổ hợp môn để học theo khả năng của mình, Tương và Vũ đưa ra lựa chọn khác nhau, dẫn đến phải học khác lớp.

Để có điều kiện giúp đỡ bạn, Tương còn đề đạt nguyện vọng xin đổi môn để học cùng lớp với Vũ và được nhà trường đồng ý. Các thầy, cô cũng đã bố trí, tạo điều kiện thuận lợi cho đôi bạn ngồi chung bàn để có thể dễ dàng trao đổi việc học tập, hỗ trợ nhau trong các hoạt động.

Cậu học trò mỗi ngày đứng ở cổng trường và câu chuyện xúc động phía sau - 4

Đôi bạn Tương và Vũ luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống và học tập (Ảnh: Nhật Anh).

Nhà trường cũng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, biết yêu thương, giúp đỡ nhau của đôi bạn Tương và Vũ. Năm học 2022-2023, nhà trường kết nối với mạnh thường quân, tặng học bổng cho Tương và Vũ, giá trị mỗi suất 10 triệu đồng.

"Tình bạn của 2 em rất thắm thiết, nhiều năm sát cánh, hỗ trợ nhau, cùng động viên nhau vượt khó tiến về phía trước để theo đuổi giấc mơ học tập. Đó là một tình bạn đẹp và rất đáng quý, trong học tập các bạn cũng có ý thức tốt nên được nhiều thầy cô yêu mến", thầy Chinh nói.