10 chị em ruột từng học một trường cấp 3 giữa trung tâm TPHCM
(Dân trí) - 10 chị em trong gia đình cô Nguyễn Ngọc Nga gồm 6 nữ, 4 nam đều từng theo học tại Trường THPT Ten Lơ Man ở TPHCM - ngôi trường đi cùng nhiều bước thăng trầm của đất nước.
Trong lễ kỷ niệm 74 năm Ngày Truyền thống Trường THPT Ten Lơ Man, TPHCM (19/3/1950 - 19/3/2024), bà Nguyễn Ngọc Nga, sinh năm 1960 đại diện cho 10 chị em trong gia đình là cựu học sinh của trường về tham dự.
Bà Nga là chị cả trong gia đình. 10 chị em trong nhà gồm 6 nữ, 4 nam đều thi đậu và theo học tại Trường THPT Ten Lơ Man.
Giai đoạn bà Nga theo học, trường có tên là trường Cô Giang. Bà tốt nghiệp tại trường vào năm 1978, còn em gái út là Nguyễn Ngọc Thảo, tốt nghiệp sau người chị cả 18 năm.
Bà Nguyễn Ngọc Nga chia sẻ, sau khi tốt nghiệp lớp 12, bà theo học ngành y. Tuy nhiên, vừa nhập học được hơn 3 tháng, cô nữ sinh lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới Tây Nam.
Sau khi xuất ngũ, bà làm việc trong ngành bưu điện và cùng mẹ buôn bán chợ búa nuôi 9 em ăn học. Sau này, bà Nga tiếp tục theo học kỹ sư vô tuyến điện tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông phía Nam, làm việc về lĩnh vực viễn thông quốc tế.
Người chị của 9 đứa em trải lòng, mẹ mình buôn thúng bán bưng vất vả nuôi đàn con trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn. Đổi lại, cả 10 người con trong gia đình bà đều được học hành, đều học đại học, trong đó nhiều người nhận học bổng đi học nước ngoài.
Về thăm trường cũ, bà Nguyễn Ngọc Nga dâng trào cảm xúc về ngôi trường nằm ngay giữa trung tâm thành phố mình từng theo học, mang nhiều dấu ấn lịch sử của đất nước.
"Ở ngôi trường này, nhiều thầy cô, học trò đã góp xương máu cho Tổ quốc và cũng rất nhiều người thành đạt", bà nói.
Trong bài diễn văn lễ kỷ niệm 74 năm Ngày Truyền thống trường, ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man, chia sẻ trước đây trường là nơi xuất phát phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước đầu tiên của nhân dân miền Nam thời điểm năm 1950.
Đi cùng với những bước thăng trầm của đất nước, những biến cố chính trị, ngôi trường Ten Lơ Man ngày nay lần lượt nhiều lần thay đổi tên gọi qua các thời kỳ.
Trước năm 1954, trường mang tên Tôn Thọ Tường, nhà thơ làm việc cho thực dân Pháp.
Từ năm 1954 đến 1962, trường mang tên nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị.
Từ năm 1962 đến 1979, trường mang tên Cô Giang, vị anh thư trong cao trào đấu tranh chống thực dân những năm 1928-1930.
Đến ngày 8/3/1979, trường chính thức được mang tên vị lãnh tụ của giai cấp vô sản Đức, đồng thời cũng là nhà hoạt động lỗi lạc trong Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế nửa đầu thế kỷ XX - trường Ernst Thälmann (Te Lơ Man).