Cặp học sinh như “kho chứa đồ” di động
Sáng nào đưa con đi học, chị Hải cũng đứng lặng hàng phút, xót xa dõi theo cô con gái tên Mỹ An mắt còn ngái ngủ, vác trên vai chiếc cặp sách to đùng, liêu xiêu chạy từ cổng trường lên lớp.
“Nhìn con gái đeo cặp chúi cả lưng về phía trước, tôi xót ruột lắm nhưng không biết làm cách nào để chia bớt cho con. Cuốn sách nào cũng to, dày, làm sao không nặng cho được”, chị Hải nói.
Theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo, học sinh khối lớp 1, 2 chỉ có 1 quyển toán, 2 quyển tiếng Việt, 2 tập vở. Riêng các lớp tăng cường tiếng Anh mang thêm giáo trình, sách bài tập và vở viết của môn này.
Tuy nhiên, tại TPHCM, hầu hết trường tiểu học tổ chức dạy bán trú hoặc 2 buổi, nên học sinh phải mang theo sách vở cho chương trình học cả ngày. Một số buổi, các em sẽ phải mang thêm bộ đồ thực hành kỹ thuật, thực hành toán, mỗi hộp nặng khoảng 0,5 kg, tùy thời khóa biểu.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các trường tiểu học TPHCM cho biết, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có chuẩn về bàn ghế học sinh và phòng ốc, mà chưa có quy định cụ thể về mức nặng của cặp. Nhưng nhiều Hiệu trưởng tiểu học khẳng định, nếu mang sách đúng thời khóa biểu, trung bình các em chỉ cần 3 cuốn sách giáo khoa cho 4 tiết học, cộng thêm mức nặng của cặp, cũng chỉ khoảng 3 kg.
Từ năm 2001, TPHCM đã rộ lên mô hình trang bị tủ lưu giữ sách giáo khoa, dụng cụ học tập, tập bài chấm dở... trong các lớp bán trú. Tuy nhiên, hiệu quả của tủ lưu sách này hiện không được đánh giá cao. Theo bà Chu Thị Ngọc Thịnh, hiệu trưởng tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3, hầu hết học sinh bán trú trường này không gửi lại sách giáo khoa.
"Nhà trường không giao bài tập về nhà, nhưng phụ huynh vẫn muốn kiểm tra bài, nên các cháu mang sách về. Cũng có gia đình mua hai bộ sách nên gửi lại, học sinh chỉ phải mang theo sách vở của môn học trong ngày, nhưng số này không nhiều", bà Thịnh cho biết.
Đại diện lãnh đạo các trường cũng cho rằng, việc phụ huynh trang bị cho con những chiếc cặp to đẹp, cầu kỳ, nhiều ngăn và phụ kiện có thể khiến học sinh phải mang vác nặng hơn.
Còn bảo mẫu các trường phản ánh, không ít học sinh mang theo "thập cẩm" những đồ yêu thích tới trường. "Tôi có cảm giác, học sinh đeo những "kho chứa đồ" di động trên vai. Ngoài sách vở, hầu hết các em mang theo cả nước, sữa, bánh kẹo hoặc truyện tranh, đồ chơi, để sử dụng giờ giải lao", một bảo mẫu tiểu học Trần Quốc Tuấn, quận Tân Bình nói.
Nhiều vị lãnh đạo tiểu học tại TPHCM bày tỏ không ủng hộ phương pháp cân và xét cặp học sinh như khảo sát thí điểm của Bộ Giáo dục tại Hà Nội vừa qua.
"Ngành giáo dục lo cho học sinh nên mới làm thế, nhưng làm không khéo có thể sẽ khiến các em tổn thương, vì trẻ em cũng cần có sự riêng tư. Các em không có lỗi vì trót mang theo một vài món đồ ưa thích. Trách nhiệm thuộc về nhà trường và cha mẹ", bà Chu Thị Ngọc Thịnh nói.
Ông Nguyễn Nghĩa Dũng, hiệu trưởng tiểu học Trần Quốc Tuấn, Tân Bình, cho rằng, để giảm tình trạng cặp nặng, các trường nên sắp xếp thời khóa biểu khoa học, xen kẽ các môn không có sách giáo khoa như thể dục, đạo đức, tự nhiên xã hội, rải đều trong cả tuần.
"Về phía gia đình, cha mẹ học sinh cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các em soạn sách vở đúng thời khóa biểu, không mang theo đồ chơi, sách truyện đến trường", ông Dũng chia sẻ.
Theo bà Hà Thị Kim Yến, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, trọng lượng khuân vác cho phép ở trẻ bằng 1/10 cân nặng cơ thể. Như vậy, học sinh tiểu học chỉ nên mang cặp từ 2 đến 3 kg.
"Tuy không vẹo cột sống do cặp có thiết kế hai quai, nhưng trẻ có nguy cơ mắc chứng gù lưng, đau lưng và mệt mỏi thường xuyên do mang cặp quá trọng lượng cho phép trên quãng đường dài", bà Yến nói.
Bà Yến khuyên, phụ huynh nên chọn loại cặp nhẹ, phù hợp hình thể và cân nặng của trẻ. Nếu có thể, nên chọn loại cặp có bánh xe để đỡ nặng cho lưng. Trẻ chỉ nên đeo cặp khi cần thiết, có thể tháo ra khi đi xe buýt hoặc trong thời gian đợi lớp mở cửa, khi giải lao giữa giờ học.
Theo Lan Hương, Thiên Chương
Vnexpress