Hà Nội:

Căng thẳng "cuộc đua" vào lớp 10, học sinh thức đến 2 - 3h sáng ôn thi

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Chưa đầy 3 tuần nữa, kỳ thi vào 10 THPT tại Hà Nội sẽ diễn ra. Ở giai đoạn "nước rút" này, các sĩ tử dốc toàn bộ sức ôn tập, có em thức đến 2-3h sáng, ngày chỉ dám ngủ vài tiếng.

Căng thẳng cuộc đua vào lớp 10, học sinh thức đến 2 - 3h sáng ôn thi - 1

Năm nay, gần 130.000 sĩ tử của Hà Nội sẽ bước vào mùa thi lớp 10, tuy nhiên chỉ có khoảng 70.000 suất vào các trường THPT công lập (Ảnh: minh họa).

Không có thời gian nghỉ, thức đến 3h sáng ôn thi

Kỳ thi vào lớp 10 năm nay, Quỳnh Anh, học sinh lớp 9 trường THCS Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) đăng ký 3 nguyện vọng lần lượt vào các trường THPT Ngọc Tảo, THPT Thạch Thất, THPT Vân Cốc. Quỳnh Anh tâm sự, trường THPT Ngọc Tảo, nơi em đăng ký nguyện vọng 1 có tỷ lệ chọi khá cao, bởi vậy em đang rất lo lắng.

"Thực ra em đã lo từ những tháng trước rồi, hầu như lúc nào cũng suy nghĩ đến việc thi cử. Em luôn căng thẳng vì nghĩ nhỡ may thi trượt thì không biết phải làm sao. Hiện em đã ôn tập được khoảng 70-80% kiến thức, nhưng còn lo nhiều về môn Toán vì trước giờ học toán khá kém, kiểm tra trên lớp chỉ được 5-6 điểm", Quỳnh Anh nói.

Những tuần "nước rút" cuối cùng trước kỳ thi, Quỳnh Anh dồn sức tối đa cho việc ôn luyện, không có thời gian ngơi nghỉ. Trong tuần, em có 2 buổi sáng đến lớp học Văn, 2 buổi sáng học Anh và 2 buổi học Toán. Buổi chiều tất cả các ngày, Quỳnh Anh sẽ đi học thêm Toán, đến chiều tối lại học thêm tiếng Anh. Khi về nhà, từ 20h đến 24h là thời gian em tự ôn Văn, học thuộc các văn bản và tự học thêm công thức Toán. Sau khi ngủ khoảng 5-6 tiếng, tới 6h sáng, em lại dậy ôn bài và chuẩn bị đi học trên lớp, mỗi ngày đều lặp lại như vậy kể cả cuối tuần.

"Ôn thi liên tục thế này, em mệt mỏi nhiều và rất áp lực. Lúc nào cũng căng thẳng, thấy ngủ không được ngon và cảm giác cơ thể cứ uể oải. Nhiều hôm lên lớp học, em ngủ gật luôn trong lớp", nữ sinh chia sẻ.

Để ôn thi hiệu quả nhất, Quỳnh Anh tự lập nhóm trên mạng, kết nối với các bạn cùng chuẩn bị thi vào lớp 10 và hướng dẫn chéo cho nhau. "Những bạn giỏi Toán hơn sẽ dạy em môn Toán, còn em thì có thể hướng dẫn cho các bạn môn Văn. Trong quá trình hướng dẫn các bạn, em cũng tự ôn luôn nên kiến thức được chắc hơn", Quỳnh Anh nói.

Giống với Quỳnh Anh, Linh Trang (lớp 9 trường THCS Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) chia sẻ đang trải qua những ngày căng thẳng "chưa từng có".

Trang tâm sự, trước đó suốt các năm học đầu THCS, em rất mải chơi, lười học nên hoàn toàn "trống rỗng" về kiến thức. Tới cuối năm lớp 9, em mới hiểu ra học hành rất quan trọng cho tương lai mai sau và bắt đầu lo lắng, áp lực chuyện thi cử. Trang lao vào ôn tập không ngơi nghỉ. Hàng ngày, ngoài lịch ôn thi kín trên trường vào ban ngày, em luôn tự học từ 20h tối đến tận 2-3 h sáng hôm sau, rồi lại dậy đi học. "Em mệt lắm. Em ngủ rất ít, ngày nào cũng như vậy kể cả cuối tuần. Nhưng không còn cách nào khác vì tới nay em mới ôn được khoảng 20%", Trang nói.

Hiện Trang đã nộp đơn đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Đại Cường (huyện Ứng Hòa), ngôi trường mọi năm lấy điểm đầu vào khá thấp. Nguyện vọng 2 là trường THPT Nguyễn Quốc Trinh (huyện Thanh Trì), nơi có điểm đầu vào cao hơn.

 "Em đăng ký trường điểm đầu vào thấp hơn vì nghĩ mình khó thi đỗ được trường Nguyễn Quốc Trinh. Em cảm thấy rất lo lắng, áp lực. Nếu không đỗ, chắc em cũng không được đi học ở đâu nữa, kể cả trường nghề", Trang tâm sự.

Kiều Trinh, trường THCS Marie Curie  thì cho biết, em đăng ký vào 3 trường THPT đều có tỷ lệ chọi cao, gồm THPT Phan Đình Phùng, THPT Phạm Hồng Thái và THPT Xuân Đỉnh. Năm nay, trường THPT Phan Đình Phùng, nơi Trinh nộp nguyện vọng 1 có 1.579 hồ sơ đăng ký, chỉ tiêu trúng tuyển 675, tỷ lệ chọi là 2,3.

Để đạt mục tiêu đỗ nguyện vọng 1, Trinh kín lịch cả tuần cho việc đi học các lớp học thêm. "Trong tuần, em học khoảng 4 buổi tiếng Anh, 3 buổi Toán, còn lại tất cả dành cho môn Văn, vì môn này em học khá kém", Trinh nói.

Nữ sinh tâm sự, em cảm thấy khó khăn với lịch học kín mít trong tuần, không có thời gian nghỉ ngơi kể cả khi về nhà. Tuy nhiên, em luôn tự nhủ chỉ còn vài tuần nữa là sẽ được nghỉ, vì vậy không thể bỏ cuộc.

Thầy cô dốc sức đồng hành cùng học sinh

Trao đổi với Dân trí, Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Hoàng Mai cho biết năm nay, trường có gần 180 học sinh lớp 9 đăng ký thi vào lớp 10. Đa số các em lựa chọn nguyện vọng 1 vào các trường THPT Trương Định, THPT Hoàng Văn Thụ và THPT Việt Nam - Ba Lan, có khoảng 15 em nộp đơn vào các trường chuyên.

Hiệu trưởng này tâm sự, hiện phụ huynh và học sinh hầu như đều có tâm lý lo lắng vì năm nay số đăng ký dự thi đông, tỷ lệ chọi cao. Hơn nữa, các em học sinh lại có cả quãng thời gian dài không được đến lớp học trực tiếp do dịch Covid-19.

"Nhà trường, các thầy cô đang dành tối đa thời gian để tận tâm hướng dẫn, kèm cặp các con, chia thành từng nhóm nhỏ, nhóm lớn ôn tập. Nhà trường cũng phân công nhóm giáo viên tăng cường kiến thức cho các học sinh có học lực yếu kém. Nhiều hôm, thầy cô kèm cặp cùng các con tới tận 20, 21h tối", hiệu trưởng này nói.

Theo cô Phạm Hương Giang, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình), nhà trường đang có hơn 430 học sinh chuẩn bị thi vào cấp 3, chủ yếu đăng ký vào các trường THPT thuộc địa bàn quận Tây Hồ, Ba Đình như Phan Đình Phùng, Chu Văn An, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trãi, Tây Hồ,…

Cô Giang cho biết, lứa học sinh năm nay phải chịu áp lực rất lớn vì có gần 2 năm học trực tuyến do Covid-19. Tuy nhiên, việc trở lại trường học trực tiếp sớm đã giúp các em được ôn luyện một cách kỹ càng hơn, tạo tâm lý thoải mái hơn. Để giúp học sinh giảm bớt căng thẳng, lo lắng trước kỳ thi, ngoài việc đồng hành, kèm cặp về kiến thức, thầy cô trong trường cũng thường xuyên động viên các em sẵn sàng về tâm lý, lựa chọn ngôi trường phù hợp với mình.

"Tôi vẫn luôn khuyên các con, nếu không may sơ sảy thì hãy nghĩ chúng ta đang đi trên một toa tàu, nếu đủ điểm, được lên toa hạng sang như mong muốn là tốt nhất, nếu không thì xuống toa thường cũng không sao. Quan trọng nhất là phải lên tàu và không được lỡ chuyến. Sau 3 năm cấp 3, con tàu sẽ dừng, lúc ấy tất cả cùng xuống bến và sẽ có những sự lựa chọn khác nữa. Bởi vậy, các con hãy thoải mái, tự tin cho kỳ thi", cô Giang chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo cô Giang, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như Lễ ra trường cho học sinh lớp 9. Ở buổi lễ này, các cựu học sinh vừa tốt nghiệp năm trước đã về giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thi vào 10 cho khóa dưới.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội diễn ra vào ngày 18-19/6

Năm nay, gần 130.000 sĩ tử của Hà Nội sẽ bước vào mùa thi lớp 10, tuy nhiên chỉ có khoảng 70.000 suất vào các trường THPT công lập. Mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập diễn ra vào ngày 18-19/6. Bài thi Toán và Ngữ văn sẽ diễn ra trong 120 phút, theo hình thức tự luận. Môn Ngoại ngữ thi trắc nghiệm trong 60 phút. Học sinh có thể đăng ký một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn,… tùy theo khả năng, không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ được học tại trường THCS.

Điểm xét tuyển = (Điểm Toán + Điểm Văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên.

Trường THPT Yên Hòa có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 cao nhất thành phố với 2.048 hồ sơ, chỉ tiêu trúng tuyển 675 học sinh - tỷ lệ 1 chọi 3. Tiếp đến là THPT Phan Đình Phùng (1.579 hồ sơ đăng ký, chỉ tiêu trúng tuyển 675 - tỷ lệ chọi 2,3), THPT Việt Đức (1.570 hồ sơ đăng ký, chỉ tiêu trúng tuyển 675 - tỷ lệ chọi 2,3).