Càng kỷ luật, càng bùng phát bạo lực học đường?
(Dân trí) - Càng kỷ luật, càng bùng phát bạo lực học đường. Do đó, cần có thái độ đúng mực, không nên thổi phồng, làm phức tạp vấn đề, nhưng cũng không được phép bàng quan, thờ ơ với hiện tượng phản giáo dục này.
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục tại buổi Tọa đàm khoa học “Bạo lực học đường: Nguyên nhân và giải pháp” do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức.
Xu hướng trở thành kẻ khởi phát hành vi bạo lực?
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Học viện Quản lý giáo dục dẫn thông tin, thống kê của Bộ GD&ĐT, số bạo lực học đường năm 2018 có gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học; khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.
Còn theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, có hơn 53% số vụ bạo lực xảy ra trong môi trường học đường; có hơn 2.000 vụ bạo lực học đường.
Bà Hằng cho rằng, trẻ em nằm trong “vòng vây” của lực lượng xã hội như môi trường xã hội, môi trường gia đình, môi trường nhà trường và chính bản thân học sinh. Cụ thể:
Trẻ em nằm trong “vòng vây” của lực lượng xã hội
Tiến sĩ Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học đường, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho biết, bạo lực học đường trước hết gây tổn hại về thể chất và tinh thần nghiêm trọng cho các nạn nhân. Từ chỗ là người chứng kiến hành vi bạo lực, những học sinh này sẽ có xu hướng trở thành kẻ khởi phát hành vi bạo lực. Đây cũng chính là cái vòng luẩn quẩn của bạo lực học đường.
Theo Tiến sĩ Học, bạo lực học đường là hệ quả của một quá trình tác động đa chiều, đa biến, từ những yếu tố gián tiếp như môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội và hệ giá trị cho đến những ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường, nhóm bạn, các tổ chức hội, đoàn và cuối cùng là những đặc điểm tâm sinh lý nội tại của chính bản thân mỗi học sinh.
Chính vì vậy, TS Học cho hay, những giải pháp kiểm soát bạo lực học đường cũng cần được tiếp cận theo hướng đa chiều, hệ thống, tổng hợp tác động đến các nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp gây ra nó. Vì vậy, hệ thống giáo dục không phải là nơi duy nhất lãnh nhận trách nhiệm đẩy lùi bạo lực học đường. Nhà trường, các thầy, cô không thể kiểm soát hết được bạo lực học đường.
Càng kỷ luật, càng phản tác dụng
Tại buổi tọa đàm, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lê Quý Đôn – Hà Nội cho rằng, ở đâu có học sinh ở đó có bạo lực học đường, thậm chí xảy ra cả ở bậc tiểu học. “Trường tôi phụ trách trước đây, tuần nào cũng có vụ học sinh đánh nhau”.
Theo thầy Bình, nguyên nhân đến từ nhiều phía như bạn này có cái mới, nổi trội hơn, sinh ra ganh ghét. Đặc biệt, các em học sinh nữ hiện nay, ngay từ lớp 6, dậy thì sớm, đã hiểu về tình dục quá nhiều, yêu đương sớm, tranh giành bạn… nên xảy ra đánh nhau. Trong khi đó, các vụ đánh nhau xảy ra, người lớn, bạn bè thường đứng nhìn, thờ ơ, không có sự can ngăn.
Biện pháp mà thầy Bình đã đưa ra áp dụng trong trường mình là cần phân loại học sinh, phân nhóm nguy cơ gây ra bạo lực. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, thành lập ban quản lý về bạo lực học đường, phân công nhiệm vụ cụ thể từng người. Cần phải tập hợp dùng lực lượng lớn các tổ chức trong trường. Đặc biệt, thành lập mạng lưới các quán ven trường, để khi có học sinh đánh nhau họ báo ngay với nhà trường.
Thậm chí, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với công an địa phương, liên tục đến khu vực trường giám sát. Đồng thời, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức cho học sinh.
“Để làm được những việc này, người đứng đầu phải thực sự tâm huyết, nhiệt tình thì mới đạt hiệu quả” – thầy Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thầy Bình cho rằng, một trong những vấn đề gây khó khăn và cản trở việc chống bạo lực học đường hiện nay là quy định kỷ luật và dân chủ ở nhà trường hơn quá trớn, không phân định rõ ràng. Các thầy cô giáo hiện nay không có sự hỗ trợ về pháp luật nên xử lý xuê xoa không đi đến cùng.
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hà Nội đưa ra mộ loạt nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là: đạo đức, kỷ luật, áp lực, bệnh thành tích, tâm lý, nghiệp vụ giáo viên, trình độ quản lý, môi trường giáo dục nhà trường, xã hội, mục tiêu giáo dục nhà trường.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hà Nội
Theo TS Hòa, các vụ bạo lực vừa qua, điển hình là vụ 231 cái tát, xã hội nhìn về khía cạnh đạo đức, áp lực, xử lý… như vậy quá nặng về giáo dục đạo đức.
“Nguyên nhân ở đây không phải là đạo đức mà là mục tiêu giáo dục. Nhà trường có kỷ luật nhưng không chặt chẽ. Với tâm lý lứa tuổi học sinh, cần đưa áp lực tâm lý trước kỷ luật.
Tôi không tán thành kỷ luật, việc kỷ luật trong nhà trường cần giảm bớt. Với trẻ con là phải giáo dục, tạo ra áp lực. Áp lực đôi khi nó là động lực. Chúng ta phải chuyển hóa áp lực đó thành niềm vui, hạnh phúc. Nhà trường cần đưa ra bài học về giá trị sống, tâm lý học. Nhà trường phải sử dụng nó như công cụ.” – TS Hòa nhấn mạnh.
TS Hòa chia sẻ, mục tiêu giáo dục của trường chúng tôi là hạnh phúc, tiến bộ của học sinh. Các thầy cô phải đạt chỉ tiêu hạnh phúc. Theo đó, các giáo viên phải có năng lực nghiệp vụ sư phạm, phải được đào tạo tâm lý về giáo dục cho học sinh; mỗi thầy cô là một nhà giáo dục, giáo viên chủ nhiệm phải là nhà giáo dục tài năng.
“Chúng ta muốn không có bạo lực học đường, không có kỷ luật trong trường học thì tất cả phải thay đổi. Các nhà quản lý giáo dục phải là người tài năng, hiệu trưởng là người truyền cảm hứng, giáo viên phải là một nhà tâm lý.
Gia đình là trung tâm, đưa phụ huynh cùng vào đồng hành với nhà trường. Bởi, giáo dục vì con người nên mọi quy chế đánh giá học sinh, thi đua… trong nhà trường cần thay đổi. Bộ GD&ĐT cần rà soát tất cả quy chế để hướng tới giáo dục vì con người” – TS Hòa đề nghị.
TS Hoàng Trung Học: "Chuyên gia tâm lý sẽ là người phòng ngừa, can thiệp sớm trước nguy cơ bạo lực học đường"
Tâm lý làm nền tảng để kiểm soát bạo lực học đường
Theo TS Hoàng Trung Học, cần một môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, hệ giá trị xã hội nhân văn. Tiếp đến, nhà trường và các lực lượng xã hội như đoàn thể quần chúng, cha mẹ học sinh cần kết hợp chặt chẽ, làm việc cùng nhau để hỗ trợ học sinh theo hướng lấy phòng ngừa làm trọng.
Chỉ tiếp cận dưới thành tố giáo dục, việc thay đổi chương trình, giảm tải cho học sinh và tổ chức tốt các hoạt động giáo dục học đường là cần thiết để cân bằng các hoạt động giáo dục và học tập, tạo sân chơi phù hợp cho học sinh.
“Cần lấy cách tiếp cận tâm lý làm nền tảng với sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp trong nhà trường. Họ sẽ là người phòng ngừa, can thiệp sớm những nguy cơ bạo lực cho học sinh và kết nối các lực lượng xã hội vào cuộc để kiểm soát bạo lực học đường.
Đây là giải pháp căn cơ, tiến bộ, nhân văn mà hệ thống giáo dục của ta cần hướng tới để kiểm soát bạo lực học đường” – TS Học nhấn mạnh
Còn theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, gia đình phải chung tay với nhà trường trong việc giám sát, giáo dục trẻ. Nếu gia đình không tham gia giáo dục thì đổi mới giáo dục không thể thành công.
Về phía nhà trường, lãnh đạo, giáo viên chủ nhiệm, các đoàn thể tổ chức giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý học sinh hoạt động với mục tiêu “Vì học sinh thân yêu”.
Đối với xã hội, tăng cường truyền thông gương người tốt việc tốt, đầu tư với giáo dục và phải cùng chung tay với giáo dục. Đối với bản thân trẻ cần tăng giáo dục giá trị sống, giáo dục nhân văn và chấp nhận khác biệt để hòa nhập.
Bà Hằng đề xuất 4 vấn đề, cụ thể: cần sửa thông tư về kỷ luật học sinh; cân đối, bố trí biên chế giáo viên phù hợp; chấn chỉnh lệch lạc dạy thêm, học thêm; đổi mới mạnh mẽ thi cử.
Hồng Hạnh