3 phút cùng luật sư:
Kinh hoàng nạn bạo lực học đường, chế tài pháp luật có đủ ngăn chặn?
(Dân trí) - Bạo lực học đường là vấn nạn đã tồn tại từ rất lâu. Mặc dù đã có nhiều tuyên truyền và biện pháp để ngăn chặn nhưng cho đến nay, vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thời gian gần đây, vụ việc nữ sinh lớp 9 bị bạn đánh đập và lột đồ ở Hưng Yên lại một lần nữa dấy lên hồi chuông báo động về vấn nạn này. Đặc biệt là trong thời buổi công nghệ thông tin, mạng xã hội càng khiến những hành vi bạo lực lan xa hơn với nhiều biến thể gây hại cho người trong cuộc.
Bạo lực học đường là vấn nạn đã tồn tại từ rất lâu, mặc dù đã có nhiều tuyên truyền và biện pháp để ngăn chặn nhưng cho đến nay, vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thời gian gần đây, vụ việc nữ sinh lớp 9 bị bạn đánh đập và lột đồ ở Hưng Yên lại một lần nữa dấy lên hồi chuông báo động về vấn nạn này. Đặc biệt là trong thời buổi công nghệ thông tin, mạng xã hội càng khiến những hành vi bạo lực lan xa hơn với nhiều biến thể gây hại cho người trong cuộc.
Vậy theo góc nhìn pháp luật, vấn nạn này có mức độ nghiêm trọng như thế nào? Mời bạn đọc cùng gặp gỡ Luật sư …. để nghe Luật sư chia sẻ.
Thưa luật sư, những bạn học sinh trực tiếp thực hiện hành vi bạo lực học đường có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
L.S Lam Điền: Bạo lực học đường là hành vi đe dọa, dùng vũ lực thô bạo, xúc phạm, xâm phạm đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm người khác xảy ra trong phạm vi trường học, đối tượng bị xâm phạm thường là học sinh. Hành vi bạo lực học đường phổ biến như sử dụng lời nói, làm nhục, dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, tấn công tình dục,…
Tùy vào từng hành vi bạo lực học đường, tùy vào từng chủ thể sẽ có thể sẽ phải chịu hoặc không chịu trách nhiệm hình sự.
Tùy vào từng độ tuổi khác nhau của chủ thể thực hiện hành vi sẽ qui định việc chịu trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo Điểu 12 BLHS hiện hành:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Nếu các em học sinh không thoả mãn điều kiện chủ thể như dưới 14 tuổi hoặc đủ 14-dưới 16 tuổi nhưng tội mà các em phạm không nằm trong các tội được liệt kê tại Điều 12 BLHS 2015 hoặc nằm trong các tội được liệt kê nhưng khung hình phải không phải là những tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì các em không phải chịu trách nhiệm hình sự và ngược lại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tùy vào từng tội.
Bên cạnh đó, một hành vi có được xem là vi phạm pháp luật hình sự hay không chúng ta còn phải xem xét đến việc hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành của một hay nhiều tội phạm được qui định trong pháp luật hình sự.
Vì còn dưới tuổi vị thành niên, chưa thể hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Vậy thì khi hành động bạo lực học đường diễn ra, nhà trường và các thầy cô có phải chịu trách nhiệm gì không thưa luật sư?
L.S Lam Điền: Nhà trường, thầy cô là tổ chức, người trực tiếp đảm nhiệm sứ mệnh “trồng người”. Nên trách nhiệm đầu tiên nhà trường và thầy cô phải chịu đó là trách nhiệm được ghi nhận trong các văn bản, qui tắc đối với nghề nghiệp của mình trong nội bộ ngành. Tùy vào trường hợp cụ thể thì các thầy cô hoạt động giảng dạy trong trường học công lập, đơn vị sự nghiệp công lập có thể bị xem xét chịu trách nhiệm kỉ luật hoặc hành chính theo qui định pháp luật về viên chức, công chức; nội qui cơ quan… vì hành vi không hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm được giao về quản lý học sinh, giáo dục tại học đường theo pháp luật và nội quy nhà trường.
Ở góc độ pháp lý, nhà trường có thể chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại đối với những hành vi do sinh chưa đủ 15 tuổi gây ra theo Điều 599 BLDS 2015: “Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.”
Ngoài những bạn học sinh trực tiếp ra tay đánh bạn, bên cạnh đó còn những người khác tại hiện trường đứng nhìn, không can ngăn thậm chí còn có hành động quay phim lại và đăng lên mạng xã hội. Vậy thì những hành động này có vi phạm pháp luật hay không thưa luật sư? Nếu có, hình phạt theo cụ thể theo pháp luật là gì?
L.S Lam Điền: Trên phương diện pháp luật, hành vi đứng nhìn, không can ngăn mặc dù có điều kiện mà không cứu giúp có thể phạm vào tội Điều 132 BLHS hiện hành “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” nếu trong trường hợp hậu quả người bị hại tử vong.
Hành vi quay clip, phát tán lên mạng xã hội đã vi phạm pháp luật dân sự, cụ thể BLDS qui định “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Các hành vi kể trên là trực tiếp xâm phạm đén hình ảnh, danh dự nhân phẩm của người bị hại theo Khoản 3 Điều 32 Bộ luật này “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật".
Ngoài ra, những hành vi trên cũng có thể vi phạm pháp luật an ninh mạng về việc sử dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật an toàn trật tự xã hội: đăng tải, phát tán trên mạng nhằm xúc phạm danh dự uy tín, nhân phẩm của người khác điểm a khoản 3 Điều16 Luật An ninh mạng: “3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;” và điểm a khoản 1 Điều 18 Luật An ninh mạng: 1. Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội bao gồm:a) Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 và hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này”.
Nội dung: Việt Khuê
Bài, clip: Nguyễn Quang- Như Quỳnh