Góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học:
Cần xem lại các mô hình giáo dục đại học hiện nay
(Dân trí) - Cần quy định rõ Việt Nam có những mô hình giáo dục đại học nào; nên bỏ ĐH quốc gia và ĐH vùng; chỉ thành lập trường ĐH công ở vùng khó khăn, mang tính chất đặc thù…
Tâm huyết góp ý về dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH), nhiều giáo sư đã đưa ra ý kiến về xây dựng, quản lý mô hình GDĐH hiện nay vì theo các giáo sư, Việt Nam hiện nay có quá nhiều mô hình GDĐH.
GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Nên bỏ ĐH quốc gia và ĐH vùng
Theo tôi, nên bỏ ĐH quốc gia và ĐH vùng vì thấy rất vô lý khi có Bộ GD-ĐT rồi lại tách ĐH quốc gia ra. Như thế là lộn xộn, trường ĐH bị trùm lên bởi... trường ĐH.
Về quản lý nhà nước với GDĐH, tôi cho rằng dự luật nói về vấn đề này vẫn bị chi phối bởi tư tưởng quản cho chặt, nhưng theo tôi phải tính tới mặt bung ra. Ví dụ như thành lập trường đại học làm sao phải cần đến Thủ tướng với Bộ trưởng cho phép? Các nước khác việc thành lập trường đăng ký như một công ty. Ở ta đang ở thời kỳ này thì có lẽ chỉ cần đăng ký với Bộ GD-ĐT. Tôi đề nghị bỏ quản lý hành chính về thành lập, sáp nhập, giải thể trường.
Việc phân cấp quản lý cho tỉnh theo tôi là hài hước. UBND tỉnh không có thời gian mà nghĩ tới, sẽ lại giao cho Sở GD-ĐT. Về việc bộ trưởng công nhận hiệu trưởng thì câu hỏi đặt ra là vậy bộ trưởng biết gì về hiệu trưởng mà công nhận hay không công nhận? Các trường nay bầu hiệu trưởng này, mai bầu hiệu trưởng khác, việc gì mà phải xin Bộ?.
Về điều kiện thành lập trường yêu cầu có 50 tỉ đồng vốn, giáo viên cơ hữu, đất bao nhiêu... Đây là việc đặt con trâu trước cái cày. Đã cho phép đâu mà yêu cầu người ta có đủ 50 tỉ đồng?
Luật GDĐH phải theo tư tưởng bung ra để phát triển. Tôi đề nghị hẳn một chương về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục. Như hiện nay thì Bộ vẫn coi các trường như con nhỏ phải bú. Bộ giữ quyền cho phép mở ngành là quá bảo thủ, hãy bãi bỏ quyền đó, ghi hẳn: Trường có quyền mở ngành đào tạo, thiết lập chương trình đào tạo cho ngành mới mở.
Không nên khống chế trường công, bị phụ thuộc ngân sách nhà nước, được cấp bao nhiêu thì lấy sinh viên theo được cấp. Nay đang rất lãng phí từ cơ sở vật chất đến giảng viên. Năng lực trường công rất lớn, giảng viên công lập đang rỗi, còn đi thỉnh giảng cho trường tư. Vì vậy không nên khống chế chỉ tiêu thì mới tận dụng hết năng lực trường công.
GS.TSKH Lê Du Phong, nguyên là thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân: Cần quy định rõ ràng ở Việt Nam có những
mô hình giáo dục đại học nào?Cần quy định rõ ràng ở Việt Nam có những mô hình GDĐH nào, điều kiện cụ thể để thành lập từng mô hình là gì. Bởi lẽ, hiện nay ở nước ta đang tồn tại 5 mô hình GDĐH khác nhau, đó là: ĐH quốc gia, ĐH vùng, Trường ĐH, Học viện và viện ĐH. Ta chưa có một đánh giá cụ thể nào đối với 5 mô hình này về sự thích hợp và hiệu quả của nó trong hoạt động, mà luật cứ quy định chung chung như vậy thì tôi lo rằng chúng ta cũng chẳng có bước tiến nào so với hiện tại khi luật được ban hành.
Theo tôi đây là điều cần được nghiên cứu nghiêm túc để có lời giải thỏa đáng cho GDĐH thời gian tới. Bởi lẽ, hiện nay ở các trường ĐH vùng, mỗi ĐH có một cơ chế quản lý riêng, các trường ĐH thành viên quyền hạn rất hạn chế, nhiều khi chỉ như một khoa của các ĐH độc lập, tâm lý chung của các trường này là muốn được trở thành các trường độc lập.
Về quyền hạn của các cơ sở GDĐH trong dự thảo luật, theo tôi chưa nêu bật được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH, đặc biệt là các cơ sở công lập. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH cần khẳng định rõ ở các khía cạnh như: Tự chủ trong đào đạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tự chủ về công tác tổ chức và cán bộ; tự chủ về tài chính; tự chủ trong hợp tác quốc tế; tự chịu trách nhiệm.
Về nhân sự trong các cơ sở giáo dục, đối với hiệu trưởng nhà trường công lập dứt khoát phải để toàn thể cán bộ, giảng viên của nhà trường trực tiếp bầu công khai, dân chủ. Bộ GD-ĐT giám sát bầu cử và ra quyết định công nhận. Sau đó, 2 năm lấy phiếu tín nhiệm 1 lần đối với chức danh này, nếu phiếu tín nhiệm còn trên 40% và dưới 50% phải có sự kiểm điểm và nhắc nhở nghiêm khắc, dưới 40% phải thực hiện miễn nhiệm vì hiện nay hiệu trưởng nhiệm kỳ 5 năm, khi bổ nhiệm rồi, nhiều hiệu trưởng chẳng làm gì, thậm chí làm rất kém, bị quần chúng kêu ca, song vẫn không việc gì, hiệu trưởng vẫn yên vị cho hết nhiệm kỳ mới thôi.
GS Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng: Chỉ nên thành lập trường ĐH công ở vùng khó khănTrong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001 đã đề ra mục tiêu đạt 30% sinh viên được đào tạo trong các trường ngoài công lập vào năm 2010.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009 - 2020, dự kiến đưa só sinh viên ngoài công lập lên 30 - 40%. Định hướng này hoàn toàn đứng đắn trong sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, theo con số thống kê mới đây, tỷ lệ sinh viên trong các trường ngoài công lập năm 2010 vào khoảng 18%. Tỷ lệ số trường ngoài công lập từ Bắc đến Nam khoảng 19%.
Như vậy, để thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, chúng tôi đề xuất cần đưa vào luật điều kiện đề thành lập một trường sử dụng ngân sách nhà nước, ví dụ: chỉ thành lập trường công trong các trường hợp vùng khó khăn về kinh tế, vùng dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, hải đảo… những trường đặc thù phục vụ an ninh, quốc phòng, những ngành khoa học vũ trụ, năng lượng hạt nhân, những trường trọng điểm quốc gia, đào tạo tinh hoa... Những trường này sẽ được nhà nước đài thọ đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ mục tiêu đã đề ra. Và những điều này cần nêu rõ ràng trong luật khi nào sẽ được thành lập trường công lập.
Theo tôi, với những trường đã thành lập, những trường công lập không phải là trường mũi nhọn, không do đặc trưng vùng miền, không phải những ngành quốc phòng, an ninh sang hệ thống ngoài công lập, tạo sân chơi bình đẳng cho các trường. Nếu thực hiện những việc này, có thể sẽ tạo nên một bước đột phá về giáo dục đào tạo. Nhà nước tập trung nguồn lực vào những vùng trọng điểm, vào những nhiệm vụ chiến lược, vào những trường mang tầm vóc khu vực và quốc tế.
Hồng Hạnh (ghi)