Cẩn trọng để không trượt lần 2

(Dân trí) - Khi các trường ồ ạt công bố điểm trúng tuyển, những thí sinh trượt NV1 đã bước ngay vào “cuộc đua” NV2. Nhưng để chắc ăn ở tấm vé lần hai, thí sinh phải thật cẩn trọng, cân nhắc trước khi đặt bút…

Nếu NV1, thí sinh có thể lựa chọn theo sở thích hay cân nhắc bằng tỷ lệ chọi của trường thì NV2 thí sinh phải phụ thuộc vào điểm thi của mình, trường xét tuyển NV2, số lượng, điểm sàn…

Những năm gần đây, điểm trúng tuyển NV2 của các trường thường có mức điểm cao hơn 2 điểm, thậm chí là 3 điểm so với điểm nhận hồ sơ. Dựa vào điểm thi của mình, thí sinh nên lượng sức mình để chọn trường nộp hồ sơ.

Top trên NV2: không nhiều

Hầu hết các trường top trên như ĐH Ngoại thương, KTQD, Ngân hàng, Y, Dược… đều đã có thể đảm bảo chất lượng đầu vào… cao ngất ngưởng ở NV1 nên ít trường “để phần” cho NV2. Vì thế các trường top giữa lại trở thành “top trên” của NV2.

Số trường top trên tuyển NV2 chỉ đếm trên đầu ngón tay nên chắc chắn sẽ có “cuộc chiến” khốc liệt khi có rất nhiều thí sinh điểm cao trượt NV1 muốn tìm một “suất” tại các trường này. Tỷ lệ chọi NV2 ở các trường này thường cao ngất ngưởng và thí sinh nào liều, điểm thi bằng điểm xét tuyển mà vẫn “liều” sẽ bị loại ngay.

Ở phía Bắc, trường “ngon” nhất còn xét tuyển NV2 phải kể đến các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Trường ĐH Công nghệ có 116 chỉ tiêu (CT) với mức điểm nhận hồ sơ từ 19 đến 23,5 điểm. Trong đó phải kể đến ngành Công nghệ Điện tử Viễn thông với 59 CT, điểm xét tuyển 23,5; ngành Công nghệ Cơ điện tử 32 CT với mức điểm 21.

Trường ĐH Kinh tế cũng còn 70 CT cho NV2 với mức điểm nhận hồ sơ từ 18 đến 22 cả khối A và D1. Trong đó, khối A ngành Quản trị Kinh doanh có điểm sàn NV2 là 21,5 với 20 CT; ngành Tài chính - Ngân hàng điểm sàn NV2 là 22 điểm chỉ còn 5 CT.

Với CT không nhiều, các thí sinh có mức điểm 24 - 24,5 trượt ĐH Ngoại thương mới có nhiều khả năng “lọt” vào đây.

Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội vẫn còn 319 CT dành cho thí sinh khối C và D với mức điểm sàn từ 18 đến 20.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên còn 543 CT dành cho NV2 với mức điểm nhận hồ sơ từ18 điểm ở các ngành khối A, ngành khối B duy nhất tuyển NV2 là ngành Khoa học đất với mức điểm 22 chỉ có 10 CT.

Ở phía Nam, thí sinh có điểm cao có thể “nhắm” vào trường ĐH Ngân hàng còn 34 chỉ tiêu NV2 ở ngành Hệ thống Thông tin Kinh tế khối A với mức điểm nhận hồ sơ 20.

Khoa Kinh Tế của ĐH Quốc gia TPHCM còn 3 ngành khối A xét tuyển NV2 với mức điểm nhận hồ sơ 17. Đó là các ngành Hệ thống Thông tin Quản lý với 35 CT; ngành Luật Dân sự với 100 CT và ngành Kinh tế và Quản lý công 20 CT.

Trường ĐH Kiến trúc TPHCM xét tuyển NV 2 ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị học tại TPHCM với 30 chỉ tiêu cho các thí sinh dự thi khối A, điểm xét tuyển từ 18,0 điểm trở lên.

Trường top giữa, top dưới: rộng cửa

Các trường có mức điểm trúng tuyển NV1 dưới 18 đều dành một phần đáng kể cho NV2. Nhất là khi Bộ GD-ĐT đã có thông báo yêu cầu các trường ĐH có điểm trúng tuyển NV1 thấp hơn 17 điểm cần dành 15-20% chỉ tiêu để xét tuyển đợt 2, đợt 3 thì cánh cửa vào ĐH còn rất rộng mở đối với nhiều thí sinh.

Tuy nhiên, ở các trường có mức điểm nhận hồ sơ NV2 dao động từ17 đến 19, sức cạnh tranh dự báo sẽ không kém phần căng thẳng vì lượng thí sinh có mức điểm cao hơn thế này bị trượt NV1 là rất lớn.

Ở mức điểm nằm trong “yêu cầu” này, hầu hết các trường phía Nam đều dồi dào chỉ tiêu NV2, nhất là các trường top dưới, điểm trúng tuyển chỉ “nhích” hơn điểm sàn ĐH-CĐ một chút.

Trường ĐH Sài Gòn có đến 805 CT cho NV2 ở hầu hết các ngành, khối với mức điểm nhận hồ sơ từ 14 đến 18,5. ĐH Nông lâm TPHCM có 1.160 CT với điểm xét tuyển khối A là 15 hoặc16 điểm tùy ngành và khối B từ 17 điểm..

Trường ĐH Hoa Sen dành 30% chỉ tiêu cho NV2; ĐH Tôn Đức Thắng còn 1.325 CT cho NV2 với nhiều ngành với mức điểm xét tuyển các ngành bằng hoặc nhích hơn 1 đến 3 điểm so với điểm sàn.

Rất nhiều trường có điểm xét tuyển bằng điểm sàng của Bộ như ĐH Cần Thơ xét NV2 với 634 CT; ĐH Đà Lạt có 1.822 CT…

Ở khối C,D trường ĐH KHXH&NV có 330 CT cho NV2 với mức điểm nhận hồ sơ từ 15 đến 17, ĐH Văn hóa có 325 chỉ tiêu NV2 với mức điểm sàn khối C 15 và khối D 14.

Một số lượng hùng hậu ở top này là các trường ở miền Trung như các trường thành viên của ĐH Huế, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh… mỗi trường đều có hàng trăm chỉ tiêu cho NV2 với mức điểm xét tuyển trong khoảng 13 đến 16 điểm.

Phía Bắc, thời điểm này có thể kể đến ĐH Mỏ Địa chất còn 580 CT cho NV2 với mức điểm chuẩn từ 15 đến 17 điểm. Với mức điểm trúng tuyển NV1 dự kiến là 17. HV Mật mã cũng dành 120 CT cho NV2 với mức điểm sàn cao hơn 01 điểm so với điểm trúng tuyển.

ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có 200 CT cho NV2 ở một số ngành với mức điểm từ 15 đến 17 ở khối C và A, và 20 điểm một số ngành khối D (Ngoại ngữ nhân hệ số 2).

Các trường hàng năm có “truyền thống” tuyển NV2 ở phía Bắc như ĐH Nông nghiệp, Thương mại, Lâm nghiệp… dù đã công bố điểm trúng tuyển NV1 nhưng vẫn chưa có “động tĩnh” xét tuyển NV2.

Hàng năm rất nhiều trường, nhất là các trường phía Nam rơi vào cảnh “khát” thí sinh dù điểm NV2,3 vào trường chỉ bằng với điểm sàn, thậm chí “phá” sàn. Cơ hội vào ĐH với các thí sinh đã trượt NV1 có thể nói là còn rất lớn.

Tuy nhiên, thí sinh đừng nhầm tưởng điểm sàn xét tuyển NV2 là điểm sẽ trúng tuyển vào trường. Với mức điểm xét tuyển, các trường sẽ lấy từ trên cho hết chỉ tiêu. Vì thế các thí sinh phải thận trọng, phân tích kỹ lưỡng để cho nguyên vọng của mình không thành… nguyện vọng “ảo”. Con đường vào ĐH bằng NV3 sẽ gian nan và ít “mở mặt mở mày” hơn.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm