Cần Thơ có gần 80% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày

(Dân trí) - Năm học 2014-2015, số học sinh của thành phố Cần Thơ được học 2 buổi/ngày chiếm khoảng 40%, đến năm học 2018-2019 tỉ lệ này chiếm gần 80%. Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo “Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới” diễn ra ngày 31/7 tại Cần Thơ.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ: Dạy học 2 buổi/ngày là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học. Thời gian qua, ngành Giáo dục Cần Thơ đã, đang thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả tổ chức dạy 2 buổi/ ngày ở bậc tiểu học.

Năm học 2014-2015, số học sinh của thành phố được học 2 buổi/ngày chiếm khoảng 40%, đến năm học 2018-2019 tỉ lệ này chiếm gần 80% (với 78.892/ 99.512 học sinh  được học 2 buổi/ngày). Hiện toàn ngành  có 128/ 176 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 7 trường đạt chuẩn mức độ 2; với 4.447 giáo viên tiểu học (100% đạt chuẩn và trên 89% vượt chuẩn). 

Lãnh đạo ngành Giáo dục Cần Thơ cho biết, việc thực hiện dạy 2 buổi/ngày đã nâng dần chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu dạy và học chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm học 2018-2019, số học sinh hoàn thành chương trình lớp học, chất lượng môn Toán, Tiếng Việt đạt trên 99%. Hai năm học (2017-2018 và 2018-2019), học sinh tham gia cuộc thi quốc tế đều đạt giải thưởng cao. Tuy nhiên, ngành hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, như: Còn thiếu gần 400 phòng học để đảm bảo 1 phòng/lớp cấp tiểu học; 48 trường chưa có phòng chức năng theo Điều lệ trường tiểu học; thiếu khoảng 200 giáo viên để đảm bảo 1,5 giáo viên/ lớp,…

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ hoan nghênh ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày đạt hiệu quả cao; đồng thời ghi nhận ý kiến đề xuất của các đơn vị để chỉ đạo các sở ngành hữu quan có giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, phù hợp với từng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương rà soát thực trạng cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên để có kế hoạch đầu tư đồng bộ trong 5-10 năm tới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội địa phương, quy hoạch phát triển của thành phố; chia sẻ kinh nghiệm mô hình hay ở các địa phương, gắn kết các trường ngoài công lập… để giáo viên học tập. 

Hoàng Tùng