Cần một cơ chế để “tài nguyên giáo dục mở” lấp đi sự nghèo nàn về tri thức của người lớn
(Dân trí) - Tài nguyên giáo dục mở chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức. Tài nguyên này được chuyển tải trên mạng thông tin, phân phối đến từng người dùng, không có trở ngại về địa lý và hàng loạt rào cản khác sẽ nhanh chóng lấp đi các cái hố ngăn cách tri thức với người có nhu cầu về tri thức.
Ngày 4/6/2019 tại Trường đại học Mở Hà Nội, hội thảo khoa học “Trường Đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn” đã thu hút 100 các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, doanh nghiệp của khu vực phía Bắc tham dự.
Hội thảo do Hội khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Theo Ban tổ chức, Hội thảo nhằm mục đích trao đổi về các điều kiện cần có để xây dựng nền giáo dục mở và xây dựng tài nguyên giáo dục mở ở các trường đại học theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Những khó khăn, vướng mắc hiện đang tồn tại ảnh hưởng đến việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở ở các trường đại học và giải pháp tháo gỡ các rào cản; Trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục và trường đại học trong việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ học tập suốt đời của người lớn; Đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phối hợp xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở giữa các trường đại học và các cơ sở giáo dục cộng đồng.
Lao động chất lượng tốt phải do chính các trường đại học cung cấp
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, năng suất lao động của Việt Nam đang ở nhóm thấp và đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau xa hơn trong cuộc đua phát triển kinh tế so với các nước trên thế giới.
Ví dụ, năm 2017, năng suất lao động của 15 người Việt Nam bằng năng suất lao động của một người Singapore thì đến năm 2018 con số này đã nâng lên 23 -1.
Nhận biết được xu thế phát triển đất nước phải dựa vào tri thức nên trong các Nghị quyết Đại hội, đặc biệt là từ khóa 9 trở lại đây, Đảng ta đều xác định phát triển kinh tế đều phải dựa vào phát triển kinh tế tri thức, phát triển xanh.
"Một quốc gia muốn phát triển và tăng trưởng bền vững thì nhất quyết phải có 2 yếu tố: Một hệ thống đại học hoàn chỉnh, đẳng cấp quốc tế và một lực lượng lao động chất lượng tốt mà lực lượng lao động này chủ yếu lại do chính các trường đại học cung cấp. Như vậy, vai trò của các trường đại học rất lớn, có thể nói là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia" - GS Doan nhấn mạnh.
GS Doan cho rằng, Nghị quyết 29 Trung ương khóa 12 chỉ rõ bảy vấn đề trong quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng mở, thực học, thực nghiệp, liên thông, chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, chuyển từ đào tạo theo số lượng sang chất lượng, thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục đào tạo.
Đặc biệt, trong các giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết 29 thì giải pháp thứ 4 là phải hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Do vậy, trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục – đào tạo phải đổi mới toàn diện, triệt để, đồng bộ theo hướng giáo dục mở để khắc phục các khiếm khuyết hiện nay theo Nghị quyết 29-NQ/TW.
Theo đó, các trường cần đào tạo theo hướng linh hoạt, năng động, trường phải có mối quan hệ chặt chẽ với môi trường bên ngoài; tăng cơ hội tiếp cận tri thức cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi lúc.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Rất nhiều người học bị “cách ly” tri thức đại học
Tại hội thảo, các đại biểu thừa nhận rằng, người lao động nói chung ở nước ta còn nghèo nàn về tri thức, những tri thức hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, không đủ sức để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguyên nhân của sự nghèo nàn về tri thức và sự thiếu hụt năng lực thu lượm tri thức chủ yếu ở nền giáo dục khép kín, không mở ra những con đường thu gọn, tích tụ tri thức và những cơ chế chia sẻ tri thức, sự bình đẳng về cơ hội tiếp thu và giao lưu tri thức.
Hiện tượng này làm xuất hiện những “khoảng cách tri thức” giữa các cộng đồng dân cư, giữa các vùng kinh tế.
Tài nguyên giáo dục mở chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức. Tài nguyên này được chuyển tải trên mạng thông tin, phân phối đến từng người dùng, không có trở ngại về địa lý và hàng loạt rào cản khác sẽ nhanh chóng lấp đi các cái hố ngăn cách tri thức với người có nhu cầu về tri thức.
Trên thực tế, những tri thức trong các chương trình giáo dục người lớn thường chỉ chú ý đến những đối tượng là nông dân, dân nghèo nông thôn và thành thị cùng những người làm nghề tự do.
Vì thế, những tri thức thường dừng lại ở mức độ phổ thông, không ứng dụng có hiệu quả cao đối với công việc sản xuất hàng ngày, đối với những việc làm đòi hỏi tính sáng tạo, tính độc đáo.
Rất nhiều người học bị “cách ly” tri thức đại học. Các trường đại học tạo ra tài nguyên giáo dục mở sẽ giúp cho hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, bác sĩ, nhà kinh doanh ... có thêm học vấn để không bị cách ly hiện đại hóa.
Cần một cơ chế để khai thác “tài nguyên giáo dục mở” ở các trường đại học
Theo các đại biểu, việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở để phục vụ cho người lớn có đầy đủ tư liệu học tập suốt đời phải nhằm vào 2 vấn đề lớn:
Thứ nhất, có kho tư liệu giáo dục càng lớn càng tốt dưới hình thức đầu tư phần mềm cho giáo dục thường xuyên, đồng thời phát huy tinh thần hiếu học của người học và tạo cho họ năng lực tự học với cách học hiện đại (phi truyền thống), sử dụng các công nghệ học tập để truy cập, tiếp cận, sử dụng, phổ biến, chia sẻ tri thức.
Thứ hai, có tài nguyên giáo dục mở cho người lớn, nhưng cần kèm theo đó là một cơ chế chia sẻ tri thức từ tài nguyên giáo dục mở thì giá trị sử dụng và hiệu quả sử dụng các tri thức sẽ được nhân lên gấp bội.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: "Sẽ đẩy mạnh hơn nữa xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở thời gian tới".
Về một số vấn đề còn vướng mắc trong việc khai thác tài nguyên giáo dục mở hiện nay, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, Nghị quyết 29-NQ/TW chưa nêu cụ thể lộ trình, kế hoạch, yêu cầu, giải pháp để thực hiện việc chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập và thực hiện các mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT chưa có chỉ đạo cụ thể nào để các trường đại học phải chuyển từ đào tạo khép kín sang hệ thống giáo dục mở và xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho việc học tập suốt đời của người lao động. Chính vì vậy, “công nghệ đào tạo hàn lâm” vẫn còn diễn ra. Mới đây, tuy đã đẩy mạnh chế độ tự chủ của các trường song trong triển khai còn nhiều lúng túng...
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sẽ đẩy mạnh hơn nữa xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở thời gian tới. Những ý kiến đóng góp quý báu tại Hội thảo sẽ giúp thúc đẩy việc xây dựng chính sách, sự quan tâm đầu tư đúng mức về mặt tài chính và thu hút sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu vào công cuộc xây dựng một nguồn tài nguyên giáo dục mở đa dạng và có chất lượng cho Việt Nam.
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên, công nghệ với các cơ sở đào tạo trên toàn quốc
TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH Mở Hà Nội
Với 25 năm kinh nghiệm tiên phong trong giáo dục mở và xây dựng tài nguyên giáo dục mở, TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH Mở Hà Nội cho biết, trong mô hình đào tạo từ xa của trường, người học được tiếp cận kiến thức, ngành học theo nhu cầu của cá nhân. Ai muốn học ngành học nào, môn học nào trong chương trình đào tạo của Nhà trường cũng được đáp ứng, miễn là đạt được điều kiện tiên quyết để vào học.
Người học được hỗ trợ hiệu quả bởi bộ phận cố vấn học tập và đặc biệt được cung cấp miễn phí hệ thống học liệu điện tử tương tác, xây dựng theo hướng mở với sự đóng góp trí tuệ của hơn 1000 giáo sư, giảng viên đến từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu lớn trong cả nước.
Ông Tùng cho hay, năm 2019, có gần 15.000 sinh viên đang theo học hệ đào tạo trực tuyến tại trường. Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ tích cực trong việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục mở và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên, công nghệ với các cơ sở đào tạo trên toàn quốc.
Hồng Hạnh