Cần lập lại công bằng, liêm chính trong xét, công nhận giáo sư, phó giáo sư
(Dân trí) - Điều quan trọng nhất là phải lựa chọn được các nhà khoa học giỏi chuyên môn, có uy tín khoa học, có kinh nghiệm quản lý giáo dục... đưa vào làm thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp.
Cho đến nay Việt Nam đã xét công nhận được 1.718 giáo sư (GS), 11.511 phó giáo sư (PGS) các lĩnh vực cho các nhà giáo thuộc biên chế giảng viên của các trường đại học; các nhà giáo không thuộc biên chế của các trường đại học nhưng đang tham gia đào tạo đại học và sau đại học hoặc làm nhiệm vụ giảng dạy theo hợp đồng; các nhà giáo nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cứ mỗi dịp xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư, trên các diễn đàn khoa học lại xuất hiện nhiều luồng dư luận về các ứng viên, làm thế nào để chấm dứt tình trạng này, lập lại sự công bằng, liêm chính trong việc xét, công nhận chức danh GS, PGS?
Báo Dân trí đăng bài viết của Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an; Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Ngành Khoa học An ninh nhiệm kỳ 2009-2014, 2014-2019.
Vì sao báo chí nói nhiều về "liêm chính khoa học"?
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thực hiện "3 thật": "Học thật, thi thật, nhân tài thật". Thẳng thắn nhìn nhận là việc xét, công nhận chức danh GS, PGS ở nước ta, bên cạnh những ưu điểm, thành tích thì vẫn còn nhiều "hạt sạn".
Trước hết là vẫn còn có những ứng viên chưa xứng đáng (theo đánh giá của các nhà khoa học cùng ngành, cùng cơ quan, đơn vị) tham gia vào và "vượt qua" các kỳ xét ở Hội đồng GS các cấp. Thậm chí cả khi Hội đồng GS Nhà nước họp bỏ phiếu thông qua nhưng dư luận, báo chí và cả Chính phủ yêu cầu phải xem xét lại. Việc này đã xảy ra năm 2017-2018.
Báo chí vừa qua đã nêu nhiều về "liêm chính khoa học". Một số ít nhà khoa học, nhà giáo không trung thực trong kê khai thành tích khoa học, nhất là từ khi tiêu chuẩn GS, PGS bắt buộc phải có bài báo khoa học quốc tế. Có thể do không trung thực và cũng có thể do thiếu thông tin nên một số nhà giáo, nhà khoa học gửi đăng bài báo của mình vào các tạp chí không đạt chuẩn quốc tế. Báo chí cũng nêu về hiện tượng "chạy" đăng bài báo quốc tế hiện nay. Một số ứng viên vi phạm đạo đức, bị kỷ luật…
Vấn đề đủ giờ giảng, đề tài khoa học, sách, bài báo để xét chức danh GS, PGS cũng là vấn đề thường xuyên được đề cập ở các Hội đồng GS.
Về chất lượng Hội đồng GS các cấp cũng là những vấn đề dẫn tới chất lượng xét chức danh GS, PGS. Do hiện nay không quy định rõ nên các cơ sở đào tạo được thành lập Hội đồng GS cấp cơ sở thường đề xuất nhiều thành viên hội đồng là cán bộ cơ hữu của mình để thuận lợi cho xét chọn. Đối với Hội đồng ngành, liên ngành cũng vậy, thường chọn những thành viên quen, thân thiết với Chủ tịch Hội đồng. Chính vì vậy nên có nhiều ý kiến rằng một số thành viên Hội đồng GS các cấp chưa xứng đáng và chưa là các nhà khoa học đầu ngành...
Theo quy định của Nhà nước, để xét các chức danh GS, PGS có 3 cấp Hội đồng GS: Hội đồng GS cơ sở của các cơ sở giáo dục đại học; Hội đồng GS ngành, liên ngành và Hội đồng GS Nhà nước.
Cũng tương tự như việc thành lập các Hội đồng chấm, đánh giá luận án tiến sĩ, thạc sĩ, đại học hiện nay, các Hội đồng GS ở nước ta được thành lập từ các thành viên là các giảng viên, nhà khoa học, cán bộ quản lý ở trung ương và địa phương.
Việc thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở chủ yếu do các cơ sở giáo dục đào tạo đề xuất và Hội đồng Giáo sư Nhà nước duyệt, quyết định.
Đối với Hội đồng GS ngành, liên ngành, theo cơ cấu hiện nay, Hội đồng GS Nhà nước có 28 thành viên và kiêm Chủ tịch Hội đồng GS ngành, liên ngành.
Phần lớn các thành viên Hội đồng hiện nay đều là các GS có nhiều kinh nghiệm khoa học và cuộc sống như GS.TS Bành Tiến Long (73 tuổi), Chủ tịch Hội đồng GS liên ngành Cơ khí - Động lực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và đào tạo; GS.TS Đào Trí Úc (74 tuổi), Chủ tịch Hội đồng GS ngành Luật học, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; GS.TSKH Trần Văn Sung (74 tuổi), Chủ tịch Hội đồng GS liên ngành Hóa học - Thực phẩm, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; GS.TS Đặng Vạn Phước (75 tuổi), Chủ tịch Hội đồng GS ngành Y học, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy...
Với tuổi đời từng trải, nhiều kinh nghiệm, uy tín khoa học cao các nhà khoa học tham gia các Hội đồng GS ngành, liên ngành đã phát huy tác dụng tốt. Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ nên nhiều thành viên Hội đồng GS ngành, liên ngành được dư luận cho là " thân quen", " êkip" với Chủ tịch Hội đồng.
Còn thiếu chức danh Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng GS chuyên trách
Đối với Hội đồng GS Nhà nước, Chính phủ đã thành lập Hội đồng GS Nhà nước và cơ chế Hội đồng GS các cấp đã góp phần bồi dưỡng, xét duyệt, phát triển đội ngũ các nhà khoa học, nhà giáo chất lượng cao ở nước ta.
Theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ thì Hội đồng GS Nhà nước gồm Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký (chuyên trách) và 3 Phó Chủ tịch phụ trách các lĩnh vực khoa học làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay nhân sự lãnh đạo Hội đồng GS Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tại Quyết định số 1814/QĐ-TTg ngày 24/12/2018. Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn, có 3 Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm nhiệm gồm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ và GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội.
Cho đến nay Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch đều kiêm chức, còn thiếu chức danh Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng GS chuyên trách theo quyết định số 37/2028/QĐ-TTg ngày 31/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS, thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS.
Ba năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã một số lần trình Thủ tướng Chính phủ về chức danh này nhưng với yêu cầu chức danh này phải dưới 55 tuổi, là công chức nên không có công chức nào đang làm quản lý, lãnh đạo lại muốn chuyển đi làm công tác Hội đồng GS Nhà nước.
Trong điều kiện lãnh đạo Hội đồng GS Nhà nước đều kiêm nhiệm, không có lãnh đạo chuyên trách, thực tế công tác của Hội đồng GS Nhà nước đều giao cho Văn phòng Hội đồng đảm nhiệm. Vì phần lớn cán bộ Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước chưa qua hoạt động Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành, chưa làm Hiệu trưởng, Giám đốc các cơ sở đào tạo nên rất khó quản lý các Ủy viên Hội đồng GS Nhà nước - Chủ tịch Hội đồng ngành, liên ngành là các nhà giáo, nhà khoa học lâu năm, cao tuổi, không hiểu hết và kịp thời tư vấn giải quyết các "lùm xùm" phát sinh ở cơ sở.
Cần có tư duy mới về quản lý, xét, công nhận chức danh GS, PGS
Giáo sư (professor) là tên gọi một học hàm, hoặc chức danh hoặc chức vụ khoa học dành cho các cán bộ giảng dạy cao cấp ở các bộ môn thuộc trường đại học hoặc viện nghiên cứu, được Nhà nước Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học phong tặng, công nhận, bổ nhiệm vì đáp ứng đủ các tiêu chí do luật định trong các hoạt động (lĩnh vực) đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Phó giáo sư (associate professor) là một chức danh khoa học dành cho người nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học, sau đại học nhưng ở cấp thấp hơn GS (professor).
GS, PGS là các chức danh gắn liền với hoạt động giáo dục và đào tạo và khoa học công nghệ. Phần lớn các GS, PGS dành cả cuộc đời cho ngành giáo dục và cũng chỉ công tác tại các cơ sở giáo dục. "Thầy giáo già, con hát trẻ". Tổng kết này của cha ông ta đã cho thấy thầy cô giáo càng có nhiều kinh nghiệm càng phát huy tốt khả năng dạy học, truyền bá kiến thức của mình.
Nhưng cuộc sống hiện đại đã cho thấy cần phải có những suy nghĩ, tư duy mới trong quản lý, xét, công nhận nói chung, đào tạo thầy giáo, trong đó có đào tạo, phát triển đội ngũ GS, PGS nói riêng. Học phải gắn với hành. Học lý thuyết phải gắn liền với thực tiễn.
Phải xác định đúng vị trí của Hội đồng giáo sư các cấp
Công tác Hội đồng GS là một công tác quan trọng của Nhà nước, của ngành Giáo dục và đào tạo. Cơ chế Hội đồng GS Nhà nước là một cơ chế mở, kết hợp giữa quản lý nhà nước về Giáo dục và đào tạo và cơ chế sử dụng trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao trong khoa học, giáo dục và đào tạo. Vì vậy cần lựa chọn các nhà khoa học, nhà giáo đã có kinh nghiệm quản lý cơ sở giáo dục đại học, có kinh nghiệm tổ chức Hội đồng GS các cấp để tham gia lãnh đạo Hội đồng GS Nhà nước.
Cũng tương tự như các Hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Để chấm khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, các cơ sở giáo dục đại học thành lập các Hội đồng đánh giá và lựa chọn, mời các nhà khoa học, các thầy giáo có trình độ chuyên môn cao vào Hội đồng để chấm, đánh giá.
Kết quả này được báo cáo cho cơ sở đào tạo và dựa trên kết quả này cùng với các kết quả khác, Thủ trưởng các cơ sở đào tạo sẽ cấp bằng tốt nghiệp đại học, bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ. Hội đồng sẽ giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ và dĩ nhiên thành viên Hội đồng không bắt buộc là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo, lại càng không cần là công chức, viên chức Nhà nước.
Đối với Hội đồng GS các cấp cũng như vậy. Các Hội đồng cũng chỉ là cơ quan tư vấn, đánh giá tiêu chuẩn của các ứng viên GS, PGS. Sau đó khi được Hội đồng GS Nhà nước đánh giá đạt chuẩn GS, PGS, Hội đồng báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách các ứng viên đạt chuẩn. Dựa trên kết quả này và nhu cầu cán bộ cơ quan, Thủ trưởng các trường đại học, học viện sẽ bổ nhiệm chức danh GS, PGS.
Chính vì vậy điều quan trọng nhất là phải lựa chọn được các nhà khoa học giỏi chuyên môn, có uy tín khoa học, có kinh nghiệm quản lý giáo dục, có kinh nghiệm xét chức danh GS, PGS đưa vào làm thành viên Hội đồng GS các cấp.
Để nâng tầm các Hội đồng GS cơ sở, để đảm bảo tính khách quan và cũng để tranh thủ nguồn chất xám ở các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu khác, cần quy định Cơ sở giáo dục đại học không được vượt quá 1/2 thành viên. 1/2 thành viên nằm ngoài biên chế cơ hữu của Cơ sở giáo dục đại học, kể cả Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng.
Với thành phần này, việc xét các chức danh GS, PGS sẽ khách quan hơn, công tâm hơn khi mà 100% hoặc đa số các thành viên Hội đồng GS cơ sở đều là người của cơ sở giáo dục đại học.
Không nên quan trọng hóa vấn đề bài báo quốc tế
Trong xét chức danh GS, PGS không câu nệ quá vào "bài báo quốc tế" mà cần chú trọng đến sự đóng góp của nhà khoa học cho sự phát triển của lĩnh vực khoa học mà GS, PGS nghiên cứu, cho cơ quan, đơn vị mình, cho đất nước.
Ở các ngành Khoa học Công nghệ, bài báo quốc tế là cần thiết và chứng tỏ ứng viên có trình độ tốt. Nhưng ở các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Quân sự, Khoa học An ninh... điều quan trọng hơn cả là sự đóng góp của nhà khoa học với đất nước, với các lĩnh vực mà ứng viên công tác, nghiên cứu, giảng dạy.
Tiêu chuẩn bài báo đối với các lĩnh vực này cần được quy định mở bằng hai hướng: Bài báo quốc tế và bài báo đăng trên các tạp chí uy tín mà Hội đồng GS Nhà nước quy định. Hiện nay trong đào tạo tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang quy định như vậy. Nhiều ứng viên vì phải có bài báo quốc tế nên bằng mọi cách để đăng, và có những trường hợp đăng ở các Tạp chí "fake" như báo chí đã và đang thông tin. Điều này sẽ khó có thể xảy ra ở các tạp chí trong nước.
Không một ai trên thế giới có thể vin vào lý do các nhà Khoa học An ninh, Khoa học Quân sự Việt Nam ít có công bố quốc tế để kết luận Khoa học An ninh Việt Nam, Khoa học Quân sự Việt Nam kém phát triển, lạc hậu.
Tăng cường khâu hậu kiểm
Để tránh các sai sót, khiếu kiện trong xét, bổ nhiệm các chức danh GS, PGS, Hội đồng GS các cấp cần phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, nhà trường để "hậu kiểm".
Kinh nghiệm của Hội đồng GS ngành Khoa học An ninh và Hội đồng GS ngành Khoa học Quân sự là sau khi xét ở cấp Hội đồng ngành, danh sách các ứng viên đạt số phiếu tín nhiệm được báo cáo cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng xem xét, cho ý kiến. Vì vậy trong hơn 10 năm qua, việc xét duyệt, bổ nhiệm các chức danh GS, PGS ngành Khoa học An ninh và Khoa học Quân sự không có đơn thư kiện cáo.
Kinh nghiệm này cần được nghiên cứu, áp dụng trong các Hội đồng GS ngành, liên ngành khác. Đối với các Hội đồng ngành, liên ngành liên quan tới nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thì lấy ý kiến của thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan, ban, ngành ứng viên công tác, làm việc.
Bộ Giáo dục và đào tạo cần sớm chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2028/QĐ-TTg ngày 31/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS, thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Đồng thời kiện toàn, Hội đồng chức danh GS các cấp.
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu cao với các mốc thời gian 2025, 2030 và 2045. Việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN rất cần sự tham gia tích cực của đội ngũ GS, PGS Việt Nam. Cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, các Hội đồng GS phải là cầu nối, quy tụ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức có trình độ cao trước và sau khi được xét chức danh GS, PGS tham gia tích cực vào việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường trong thời kỳ mới.