Xét ứng viên giáo sư: Cần có chế tài xử lý công minh, nếu vi phạm!

Nhật Hồng

(Dân trí) - Thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp phải là các nhà khoa học tiêu biểu về học thuật và liêm chính học thuật (đạo đức), được ứng viên kính trọng và ngưỡng mộ, đồng nghiệp cảm phục và nể trọng.

Xét ứng viên giáo sư: Cần có chế tài xử lý công minh, nếu vi phạm! - 1

Xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư: Cần có chế tài xử lý công minh, tâm phục khẩu phục, nếu vi phạm! (Ảnh: ND).

Vài năm trở lại đây việc xét ứng viên giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) liên tục bị phản ánh về gian dối học thuật, chủ yếu liên quan đến công bố các công trình khoa học ở nước ngoài, trên các tạp chí được coi là "quốc tế", nhưng là các tạp chí không thuộc loại "dỏm", thì cũng là "săn mồi" hay chất lượng thấp, các tạp chí "làm tiền" dựa trên thói háo danh của không ít các nhà khoa học không chân chính, nhất là các nhà khoa học thuộc các quốc gia có nền giáo dục đại học và khoa học công nghệ mới nổi.

Trao đổi với PV Dân trí, một vị giáo sư đang là thành viên một Hội đồng giáo sư ngành cho rằng, sở dĩ có hiện tượng các Hội đồng Giáo sư cơ sở và Hội đồng Giáo sư ngành để "lọt lưới" các bài báo trên, chỉ đến khi có kiện cáo mới tá hỏa đi "thuê" người thẩm định lại, là do một số thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp (từ cấp cơ sở trở lên) không đủ trình độ để thẩm định/đánh giá đúng hồ sơ ứng viên, cả về trình độ chuyên môn và tiếng Anh.

Vị giáo sư này kiến nghị, phải rà soát lại hồ sơ của tất cả các thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp, đồng thời công khai lý lịch khoa học trên mạng. Những ai trong 5 năm liên tục không có công bố quốc tế thì không nên tham gia, những ai không giảng dạy bậc đại học 3 năm liên tục cũng nên không đưa vào là thành viên Hội đồng Giáo sư.

"Đối với các ứng viên giáo sư, phó giáo sư kê khai hồ sơ có bài trên các tạp chí kém chất lượng, tạp chí giả mạo, tạp chí "dỏm" thì không được nộp hồ sơ trong vòng 3 - 5 năm. Bởi vì là ứng viên nói họ không biết tạp chí đó là "dỏm" thì không chấp nhận được vì họ phải là người hiểu rõ nhất về tạp chí đó trước khi gửi đăng bài. Những ứng viên này, xét về mặt đạo đức, đã không xứng đáng được xét, được công nhận" - vị giáo sư này nhấn mạnh.

 Vị giáo sư kiến nghị, cần củng cố liêm chính học thuật bằng cách Hội đồng Giáo sư Nhà nước phải có bộ phận tiền kiểm (thanh tra, giám sát) phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng mờ ám, hậu kiểm (kiểm tra, rà soát lại các hồ sơ nếu có nghi vấn), công khai danh tính các ứng viên này cũng như danh tính các ủy viên Hội đồng Giáo sư các cấp, người đã thẩm định các hồ sơ có sai phạm. Cần có chế tài xử lý Hội đồng đã để "lọt" các vi phạm về giờ dạy, về công bố khoa học…

Đối với trường hợp ứng viên có nghi ngờ, để lại xem xét sau, không nhất thiết cứ phải để xét cùng với các ứng viên không có điều tiếng khác; khi nào đã xác minh được rõ ràng, thì xét sau; với các ứng viên vi phạm dù chỉ 1 bài thì cần cấm nộp hồ sơ 3-5 năm, hoặc tước chức danh sau khi Hội đồng đã công bố.

"Chỉ có chế tài như vậy mới mong làm lành mạnh hóa, trong sáng hóa Hội đồng giáo sư các cấp" - vị giáo sư này nhấn mạnh.