Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu giải trình về "lùm xùm" ứng viên GS,PGS
(Dân trí) - Trước thông tin nhiều ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị phản ánh về bài báo quốc tế, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã yêu cầu các Hội đồng giáo sư ngành xác minh lại hồ sơ của ứng viên.
Nhiều ứng viên ngành kinh tế đăng bài ở tạp chí kém chất lượng
Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị về một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư đăng bài báo trên tạp chí mạo danh và tạp chí săn mồi đã được cảnh báo trước đó.
Cụ thể, theo phản ánh, một số ứng viên giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) ngành kinh tế về chất lượng bài báo rất thấp kém, liên tục đăng bài trên các tạp chí săn mồi của nhà xuất bản săn mồi (predator).
Trong những tạp chí này, có nhiều tạp chí đã bị loại khỏi danh mục ISI, Scopus. Các tạp chí thuộc hiện tượng thứ 3 thường có những đặc điểm như sau: Là tạp chí dạng mở OPEN ACCESS: không thu phí người đọc, chỉ thu phí cao đối với người đăng. Bài đăng có thể được tải miễn phí dễ dàng; Không thu phí nộp bài để thu hút người gửi bài nhưng lại thu phí đăng bài cao để lấy tiền. Thuộc danh mục scopus nhưng thuộc diện Q4 (thấp nhất trong các Q) và thường có chỉ số H index rất thấp (dưới 10); Đăng bài rất dễ dàng, chỉ cần nộp tiền là đăng, không xét duyệt hoặc xét duyệt rất qua loa.
Theo quyết định 37 của Thủ tướng, ứng viên phó giáo sư (PGS) phải là tác giả chính của 3 bài báo khoa học, ứng viên giáo sư (GS) phải là tác giả chính của 5 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus hoặc danh mục quốc tế khác do Hội đồng Giáo sư nhà nước quyết định.
Những tiêu chuẩn nói trên mới chỉ là những nỗ lực bước đầu để hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, với cách đăng bài hiện nay thuộc những hiện tượng nêu trên, nhiều ứng viên đã đăng trên những tạp chí khoa học không uy tín, làm sai lệch hoàn toàn tinh thần của Quyết định 37.
Nhằm bổ sung cho việc xác định tạp chí uy tín, Hội Đồng Giáo Sư Nhà Nước đã ban hành danh mục các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới với những tên tuổi như Springer, Elsevier, Wiley-Blackwell… và các nhà xuất bản của top 100 các trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education World University Rankings (THE) do tạp chí Times Higher Education (Anh) hợp tác với Thomson Reuters bình chọn hàng năm.
Ngoài ra, nhiều trường đại học đã ra các cảnh báo về các tạp chí kém chất lượng và tạp chí săn mồi (predator). Tuy nhiên, những ứng viên GS, PGS vẫn tiếp tục đăng bài trên những tạp chí không uy tín nhằm đảm bảo đủ số bài theo tiêu chuẩn GS,PGS.
Theo ý kiến phản ánh, việc này đã làm sai lệch ý nghĩa, mục tiêu của Quyết định 37 và đi ngược lại hướng dẫn xác định tạp chí uy tín của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Những việc này làm sai lệch hoàn toàn ý nghĩa của từ "uy tín" trong quyết định của Thủ tướng chính phủ cũng như các hướng dẫn của Hội đồng giáo sư nhà nước, biến hai chữ "uy tín" trở thành sự hài hước.
Nếu loại bỏ các công trình không uy tín ra khỏi hồ sơ, nhiều ứng viên sẽ không còn đạt đủ điều kiện cơ bản để xin công nhận chức danh GS,PGS.
Nhóm phản ánh đã ví dụ liệt kê một số ứng viên như sau: Có ứng viên là tác giả chính của 5 bài báo thuộc danh mục ISI, Scopus. Trong số 5 bài nói trên, có bài đăng trên tạp chí Academy of Accounting and Financial Studies Journal là tạp chí của nhà xuất bản săn mồi Allied Academies (còn có tên khác là Allied Business Academies). Bài báo "Impact of Working Capital Management on Business Performance: Case Study of Listed Companies in the Food and Beverage Industry in Vietnam" đăng trên tạp chí: Turkish Journal of Computer and Mathematics Education; Hai bài báo còn lại cũng thuộc hiện tượng thứ 3: Hai bài nói trên đều đăng trên tạp chí OPEN ACCESS. Một bài đăng trên tạp chí Turkish Journal of Computer and Mathematics Education thuộc scopus Q4, có H index bằng 3. Một bài được đăng trên tạp chí OPEN ACCESS vừa mới vào ESCI. Như vậy, toàn bộ các bài báo do ứng viên này làm tác giả chính không thể được tính là bài đăng trên Tạp chí uy tín. Nếu loại bỏ các bài báo này đi, ứng viên nói trên không đủ tiêu chuẩn làm GS,PGS.
Hay như ứng viên khác cũng là tác giả chính của 5 bài báo thuộc danh mục ISI, Scopus. Trong số 5 bài nói trên, 2 bài báo thuộc diện tạp chí săn mồi; có ứng viên là tác giả chính của 6 bài báo ISI, Scopus. Trong số đó, có bài thuộc nhà xuất bản săn mồi Growing Science. 4 bài báo còn lại đăng trên tạp chí Journal of Asian Finance, Economics and Business là tạp chí đã bị nhiều trường đại học như Kinh tế Quốc dân đưa vào danh mục cảnh báo và không hỗ trợ kinh phí đăng bài do quá dễ dãi trong việc đăng bài, đăng bài với số lượng lớn, chất lượng thấp, nộp tiền là đăng được.
Tương tự, có ứng viên là tác giả chính của 8 bài báo ISI, Scopus. Trong số đó, 4 bài báo nằm trong danh sách predator; bài đăng trên tạp chí của nhà xuất bản săn mồi Growing Science.
Ngoài ra, bài báo "Corporate Social Responsibility and the Pricing of Seasoned Equity Offerings: Does Executive Firm-Related Wealth Matter?" đăng trên tạp chí Journal of Asian Finance, Economics and Business là tạp chí đã bị nhiều trường đại học như Kinh tế Quốc dân đưa vào danh mục cảnh báo và không hỗ trợ kinh phí đăng bài do quá dễ dãi trong việc đăng bài, đăng bài với số lượng lớn, chất lượng thấp, nộp tiền là đăng được.
Thậm chí, có ứng viên là tác giả chính của 10 bài báo ISI, Scopus. Trong số đó, 4 bài báo thuộc tạp chí săn mồi. 3 bài báo được đăng trên tạp chí Journal of Asian Finance, Economics and Business là tạp chí đã bị nhiều trường đại học như Kinh tế Quốc dân đưa vào danh mục cảnh báo và không hỗ trợ kinh phí đăng bài do quá dễ dãi trong việc đăng bài, đăng bài với số lượng lớn, chất lượng thấp, nộp tiền là đăng được.
Nhóm phản ánh đề nghị Hội Đồng Giáo Sư Nhà Nước và Hội đồng Giáo Sư Ngành Kinh tế cân nhắc kỹ những hiện tượng nêu trên khi xét duyệt hồ sơ các ứng viên để đảm bảo sự công bằng, chuẩn mực trong học thuật và dần tiến tới hội nhập với quốc tế.
Bên cạnh đó, một hồ sơ ứng viên giáo sư Hội đồng liên ngành triết học - chính trị học - xã hội học bị phản ánh có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế kém uy tín. Theo đó, ứng viên này có kê khai 7 bài báo quốc tế trong danh mục ISI, Scopus nhưng tất cả đều là tạp chí quốc tế kém uy tín.
Hội đồng ngành/liên ngành báo cáo giải trình
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, Hội đồng đã yêu cầu các Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành xác minh lại các thông tin ứng viên bị phản ánh, đồng thời có báo cáo giải trình chi tiết từng nội dung tới Hội đồng giáo sư nhà nước.
Ông Tuấn cũng cho hay, trước đây, trong các buổi tập huấn cho các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở, Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước đều có lưu ý hiện tượng ứng viên đăng nhiều bài trên các tạp chí uy tín thấp trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, tại Công văn số 09/HĐGSNN ngày 10/01/2022 của Hội đồng Giáo sư nhà nước gửi các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2021 có lưu ý các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đặc biệt quan tâm đến vấn đề Liêm chính khoa học: "Chú ý xem xét về mặt chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học trong các công trình khoa học của ứng viên; thẩm tra, phỏng vấn để có đánh giá chính xác, khách quan về những trường hợp ứng viên có số lượng bài báo công bố nhiều bất thường trong thời gian ngắn; thẩm định kỹ những hồ sơ ứng viên có ý kiến phản ánh của xã hội về chất lượng công trình khoa học, chất lượng tạp chí" và "Kịp thời xem xét, phối hợp giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo có liên quan đến ứng viên và hoạt động của Hội đồng" trong quá trình thẩm định, đánh giá hồ sơ ứng viên.
Tất cả các thông tin phản ánh của xã hội về hồ sơ ứng viên, Hội đồng giáo sư Nhà nước đều có văn bản yêu cầu Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành xác minh làm rõ.