Cần làm rõ trường ĐH tư thục có phải là doanh nghiệp?

(Dân trí) - Giáo dục có phải là một dịch vụ và trường đại học tư thục có phải là doanh nghiệp là vấn đề được tranh luận tại hội thảo về “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đại học tư thục” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng ngày 22/1 tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM).


Hội thảo về “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đại học tư thục” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức đã thu hút nhiều chuyên gia giáo dục tham dự.

Hội thảo về “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đại học tư thục” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức đã thu hút nhiều chuyên gia giáo dục tham dự.

PGS.TS, Luật sư Chu Hồng Thanh, chuyên gia của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng một thách thức không nhỏ trong phát triển đại học tư thục nằm ngay trong nhận thức chính sách về đại học tư thục. Cách nhìn đối với trường tư thục còn rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Đó là cách nhìn định kiến và thiếu thiện cảm của xã hội và nhà nước đối với khu vực giáo dục đại học tư thục.

“Theo tôi, sự phân biệt quan trọng nhất giữa trường đại học công lập và tư thục hiện nay cần được làm rõ trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sắp tới là về sở hữu. Còn lại tất cả các vấn đề đều phải bình đẳng. Bình đẳng về đào tạo, tuyển sinh, về thực hiện các chương trình, bình đẳng về đầu ra đầu vào thì mới tạo động lực hết sức mạnh mẽ cho giáo dục đại học tư thục phát triển”, ông Thanh nói.


PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (giữa) phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (giữa) phát biểu tại hội thảo.

Đặc biệt, ông Chu Hồng Thanh nhấn mạnh, dù là công lập hay tư thục thì vẫn phải phân biệt rõ nhà trường và doanh nghiệp. “Kiểu gì thì kiểu, vẫn phải phân biệt, dù là công lập hay tư thục vẫn phải phân biệt giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nếu nhà trường đồng nghĩa với doanh nghiệp, tôi cho rằng không thể được. Nhà trường là đơn vị sự nghiệp, còn doanh nghiệp là đơn vị kinh doanh. Cho nên, trong Luật hiện hành có một ý nêu ra rõ là ít nhất phải dành 25% để đầu tư phát triển. Chuyện vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận thì bàn sau. Nhà trường phải liên tục được đầu tư để phát triển lâu dài. Doanh nghiệp có thể đến một lúc nào đó thì thôi xứ mệnh đó nhưng nhà trường thì phải phát triển dài lâu”.

PGS.TS Trương Quang Mùi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng cho rằng: “trường là trường, doanh nghiệp là doanh nghiệp là ranh giới không thể xóa bỏ. Trường phải là môi trường sư phạm, mà ở đó người thầy được tôn vinh, người học được tôn trọng, quan hệ ở đó là quan hệ là thầy – trò, đồng nghiệp. Trong khi đó, tại Dự thảo Luật Giáo dục đại học lần này, chúng ta đang quy định quyền lực của các nhà góp vốn, các cổ đông, thì môi trường ở đó là quan hệ giữa chủ và người làm thuê; là quan hệ kinh doanh - khách hàng chứ không phải quan hệ của giáo dục đào tạo”.

Trong khi đó theo TS Phạm Thị Ly, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, quan niệm giáo dục là một lĩnh vực kinh doanh hiện nay vẫn không thể được chấp nhận. Quan niệm chung trong vấn đề kinh doanh giáo dục vẫn là cái nhìn rất nặng nề và ảnh hưởng đến người làm chính sách. Nếu không gỡ được thì mãi mãi lúng túng. Trong thời đại kinh tế tri thức, giáo dục đại học là một dịch vụ là quan niệm được chấp nhận nhiều hơn trên thế giới.


TS Phạm Thị Ly, dự thảo Luật Giáo dục ĐH hiện nay đã “mở” ra nhiều nhưng vẫn còn 2 điểm chưa được giải quyết chính là sở hữu và minh bạch thông tin.

TS Phạm Thị Ly, dự thảo Luật Giáo dục ĐH hiện nay đã “mở” ra nhiều nhưng vẫn còn 2 điểm chưa được giải quyết chính là sở hữu và minh bạch thông tin.

“Cho nên, việc công nhận giáo dục đại học là một dịch vụ nó đang ngày càng được chấp nhận nhiều hơn trên thế giới. Một khi chúng ta quan niệm giáo dục đại học là một dịch vụ thì việc xem xét trường đại học có phải là doanh nghiệp hay không có thể tìm được câu trả lời. Thật ra, giáo dục đại học là một dịch vụ, cho nên về bản chất các trường đại học tư là doanh nghiệp là một thực tế. Dù chúng ta không nhìn nhận thì nó cũng là thực tế như vậy”, TS Ly nói.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay có những vấn đề liên quan đến giáo dục đại học tư thục được đề cập trong Dự thảo Luật Giáo dục ĐH lần 4 này. Trong đó, có vấn đề tự chủ về chuyên môn, về đào tạo, các trường công lập, trường tư thục hiện nay được đặt chung một mặt bằng về tự chủ. Ở đây tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, là các vấn đề về quản trị đại học, trường đại học không vì lợi nhuận... Đây là những vấn đề lớn tác động đến vấn đề giáo dục tư thục.

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm