Cần đưa cuộc chiến vào vị trí xứng đáng

Trong phần tiếp theo của buổi trò chuyện "Nên dạy và học nội dung cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới và biển đảo trong trường phổ thông như thế nào", GS Vũ Dương Ninh đã chia sẻ ý kiến thẳng thắn.

Thưa GS Vũ Dương Ninh, có ý kiến cho rằng nên đưa chiến tranh biên giới vào SGK tiểu học, ông thấy như thế nào?

- Giảng dạy về chiến tranh bắt đầu từ cấp học nào cũng được, tùy từng lứa tuổi mà có cách đưa vào hợp lý.

Ví dụ như ở tiểu học, chúng ta đưa vào dưới dạng chuyện kể. Chúng ta kể cho các em về Phù Đổng Thiên Vương, về Hai Bà Trưng, Bà Triệu… thì cũng kể chuyện về cuộc chiến tranh biên giới với những mẩu chuyện, tấm gương hy sinh cụ thể. Quan trọng là phải biết cách để các em thấm được, chứ không nên biến học sinh thành những đứa trẻ suy nghĩ như người lớn.

Tới THCS, chúng ta chọn lọc các sự kiện, trình bày rõ ràng hơn, qua đó nêu lên các tấm gương hy sinh cứu nước. Tới THPT, đi vào hệ thống, phân tích sâu về tính chất và kinh nghiệm.

Khi mà trong lịch sử Việt Nam riêng Trung Quốc đã có tới 14 lần xâm lược, thì theo ông, các cuộc chiến biên giới hải đảo trong thời kỳ sau giải phóng đến nay đưa vào SGK với thời lượng bao nhiêu là vừa?

Một nhân chứng lịch sử của cuộc chiến tranh biên giới 1979 ở Lạng Sơn. (Ảnh: Hoàng Hường)
Một nhân chứng lịch sử của cuộc chiến tranh biên giới 1979 ở Lạng Sơn. (Ảnh: Hoàng Hường)

- Không nên cân đo như vậy, mà phải căn cứ vào bối cảnh lịch sử. Ở giai đoạn đấy, sự kiện đấy là quan trọng như thế nào. Điều này quyết định thời lượng dạy chiếm tỉ lệ bao nhiêu.

Ví dụ như từ sau năm 1975 đến nay, lịch sử Việt Nam có ba vấn đề: Thống nhất và kiến thiết đất nước; Chiến tranh biên giới trên đất liền và biển đảo; Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong đó, công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sẽ chiếm thời lượng khá đậm, vì có rất nhiều sự việc, nhiều vấn đề. Cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới trên đất liền và biển đảo cần được đặt ở vị trí tương xứng với tầm quan trọng của những sự kiện đó.

Dung lượng, thời lượng dành cho các vấn đề còn phụ thuộc số trang sách quy định cho tổng thể, số giờ dạy theo kế hoạch.

Làm thế nào cho đủ là kỹ thuật của những người viết sách.

Nhưng tôi nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự kiện chiến tranh biên giới.

Trước đây, chúng ta chưa đặt đúng vị trí vì có nhiều lý do. Còn bây giờ, cần đưa cuộc chiến này vào vị trí xứng đáng. Đó là điều khẳng định.

Với chương trình và SGK mới, theo ông cần kết hợp với các môn học khác như thế nào để đạt hiệu quả cao?

- Giảng dạy về chiến tranh biên giới không chỉ là nhiệm vụ của giáo viên dạy Lịch sử. Giáo viên dạy Lịch sử, Văn học, Giáo dục Công dân, Địa lý …cần có sự phối hợp với nhau để qua từng môn học, học sinh hiểu biết sâu sắc về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.

Có thể ví đây là sự phối hợp của nhiều binh chủng, nhiều lực lượng để cung cấp cho học sinh những kiến thức tổng hợp, toàn diện.

Chúng ta đã có văn học chống Pháp, chống Mỹ, có các bài thơ, bài hát về các cuộc kháng chiến này.

Được biết SGK Ngữ văn cũng chưa hề có bài nào về cuộc chiến tranh biên giới và biển đảo, rất cần phải bổ sung.

Khi giảng dạy chính khóa hay ngoại khóa ở bộ môn của mình, các thầy cô có thể kết hợp với kiến thức, tư liệu của các môn học khác, sẽ tạo nên hứng thú cho học sinh, giờ giảng sẽ rất hấp dẫn. Đối với chiến tranh biên giới, đây còn là khoảng trống cần bù lấp.

Tuy nhiên, để làm được điều này cần có 3 điều kiện.

Thứ nhất là sự chỉ đạo phải rất rõ ràng từ ban giám hiệu và các cơ quan quản lý. Ví dụ như trong những tháng đầu năm, ngoài sự kiện 1979 còn có sự kiện Gạc Ma. Vì vậy từ tháng 1 tới tháng 3 hàng năm, các trường nên tổ chức các buổi sinh hoạt về chủ đề biên giới đất liền và biển đảo.

Cửa khẩu Đồng Đăng những ngày đầu tháng 3/2016. (Ảnh: Hoàng Hường)
Cửa khẩu Đồng Đăng những ngày đầu tháng 3/2016. (Ảnh: Hoàng Hường)

Điều kiện thứ hai, là đội ngũ các thầy cô ngoài sự nhiệt tình còn phải có năng lực và nghệ thuật giảng dạy, bỏ nhiều công sức để sưu tầm tài liệu, tổ chức cho học sinh hào hứng tham gia.

Điều thứ ba, chúng ta cứ nói phải làm thế này, thế kia nhưng đi vào cụ thể lại rất khó vì còn nhiều yếu tố khác, như tài chính, thời gian. Nhưng nếu đã coi là quan trọng thì chắc chắn là bộ môn và nhà trường sẽ tìm được cách thực hiện sao cho phù hợp và hiệu quả.

Chiến tranh biên giới, cùng với rất nhiều sự kiện lịch sử khác liệu có khiến chương trình bị quá tải với đề tài chiến tranh không?

- Xuyên suốt lịch sử, chúng ta có nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đó là sự thực và phải dạy cho học sinh biết những điều này.

Trước đây, chúng ta tập trung dạy về chống xâm lược. Điều đó không sai vì lịch sử của chúng ta là lịch sử chống xâm lược.

Trong kháng chiến, nhà trường giảng dạy cho học sinh, sinh viên về điều này. Sinh viên tiếp nhận những kiến thức lịch sử và cảm nhận sâu sắc tinh thần yêu nước nên khi lên đường ra trận, bản thân họ lại trở thành những tấm gương anh hùng, đi vào sách giáo khoa… Những câu chuyện như vậy mới nói được rất nhiều thứ.

Vấn đề là trong chương trình lịch sử chưa chú trọng đúng mức tới mảng xây dựng đất nước.

Ví dụ như dạy về đời Trần, học sinh hầu như chỉ biết về 3 lần chống quân Nguyên.

Về đời Lý, đời Lê cũng vậy, học sinh chỉ được học chủ yếu về các cuộc chiến bảo vệ đất nước. Nhưng các triều đại còn có những thành tựu rất lớn lao về xây dựng đất nước, như thiết lập được hệ thống đê điều, tổ chức sản xuất, các làng nghề thủ công, cấu trúc xã hội từ làng xã đếntrung ương, ban hành các bộ luật, xây dựng văn hóa…

Những kinh nghiệm lịch sử cần được đưa vào giảng dạy vì có ý nghĩa thiết thực đến công cuộc phát triển ngày nay.

Xin cảm ơn ông.

(Còn tiếp)

Trong phần cuối của cuộc trò chuyện, GS Vũ Dương Ninh cho biết thêm về chuyện "dạy nội dung chiến tranh" của học sinh Trung Quốc, học sinh các nước khác trên thế giới.

Theo Ngân Anh

VietNamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm