Cần dỡ bỏ quy chế ràng buộc giáo viên trong kiểm tra đánh giá

(Dân trí) - Hầu như giáo viên tại các trường đều bày tỏ lo lắng về thực trạng kiểm tra đánh giá ở phổ thông hiện nay “mang tính áp đặt không linh hoạt, giảm khả năng sáng tạo của HS”, trong khi những phương pháp mới và tiến bộ thì rất ít được thực hiện trong thực tế.

Cải cách đánh giá bậc tiểu học – cần bồi dưỡng lí luận giáo dục cho giáo viên

Cải cách kiểm tra đánh giá ở bậc giáo dục tiểu học qua thông tư 22 sửa đổi đã bước đầu thể hiện tính nhân văn, tinh thần giáo dục coi trọng sự khuyến khích, động viên người học, giúp đỡ người học tự nhận thức khả năng, tự so sánh với chính mình mà vươn lên thay vì chạy đua điểm số, so sánh bản thân (hoặc bị so sánh bản thân) với bạn khác.

Theo đó, giáo viên đánh giá học sinh tiểu học thường xuyên bằng nhận xét kết hợp lời nói, lời hướng dẫn (chứ không dùng điểm số như trước đây) và đánh giá định kỳ bằng điểm số. Bài kiểm tra định kì được trả lại cho học sinh nhưng điểm của bài kiểm tra định kì không được dùng để so sánh học sinh với nhau.

Học sinh được tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bản thân và của các bạn. Tất cả những thay đổi tiến bộ đó chắc chắn sẽ tạo ra những tác động rất tích cực lên sự phát triển của học sinh nếu như các giáo viên tiểu học tiếp tục được bồi dưỡng lí luận giáo dục về cách phản hồi (đưa ra nhận xét, lời hướng dẫn) theo tinh thần xây dựng, động viên, nhân văn, giúp người học tự so sánh với bản thân để nỗ lực tiến bộ lên.

Ngược lại, nếu bỏ việc chấm điểm nhưng bản thân người giáo viên chưa rõ tinh thần giáo dục của nó, lại đưa ra những lời phê hay nói những lời hướng dẫn mang tính phản giáo dục, như “Em viết quá xấu so với các bạn, em cần tập viết ở nhà nhiều hơn nữa”, “em làm toán quá chậm, em chẳng hiểu bài, cứ thế này em sẽ làm ảnh hưởng thành tích của lớp”… thì những quy định mới sẽ không thể phát huy được tinh thần tiến bộ của nó, thậm chí sa vào “bình mới rượu cũ”.

Bên cạnh đó, ra các quy định ngăn chặn sự thi đua thành tích giữa các lớp dựa trên điểm số hay dựa trên tỉ lệ học sinh “hoàn thành tốt”, “hoàn thành” hay “chưa hoàn thành” cũng là một yếu tố quan trọng để chống lại chủ nghĩa hình thức vốn hay phá huỷ tinh thần giáo dục ở bậc đào tạo này, góp phần giải phóng học sinh, phụ huynh và giáo viên khỏi áp lực chạy đua thành tích vốn phổ biến trong môi trường giáo dục Việt Nam.


Sự đánh giá mang tính mở, xây dựng, chia sẻ và hỗ trợ phát triển thay vì thiên về giám sát, chỉ trích, áp đặt.

Sự đánh giá mang tính mở, xây dựng, chia sẻ và hỗ trợ phát triển thay vì thiên về giám sát, chỉ trích, áp đặt.

Cải cách đánh giá bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông - cần trao quyền chủ động tự quyết cho giáo viên

Quyết định số 40 (40/2006/QĐ-BGD&ĐT) và thông tư 58 (58/2011/TT-BGDĐT) đã đưa ra những “quy định cứng” về hình thức kiểm tra đánh giá trong giáo dục phổ thông: kiểm tra thường xuyên (kiểm tra miệng, kiểm tra viết 15 phút), kiểm tra định kì (kiểm tra viết 1 tiết, kiểm tra học kì).

Các ràng buộc pháp quy này cũng quy định hệ số điểm cứng cho các bài kiểm tra (hệ số 1 cho kiểm tra thường xuyên, hệ số 2 cho kiểm tra định kì 1 tiết và hệ số 3 cho kiểm tra học kì) cũng như quy định tỉ mỉ và rất “cứng” về số lần kiểm tra, cách cho điểm.

Do những quy định này, người giáo viên phổ thông gặp muôn vàn khó khăn trong việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá, và do đó, gặp muôn vàn khó khăn trong việc đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy. Không thể nào cải tiến phương pháp giảng dạy nếu như không cải tiến cách kiểm tra đánh giá.

Làm sao người giáo viên có thể áp dụng các phương pháp đánh giá mới và cải tiến phương pháp giảng dạy khi phải tuân thủ các đòi hỏi về số lần kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì, hệ số điểm và các hình thức kiểm tra đã được quy định cứng? Chưa kể, một số hình thức kiểm tra được quy định đó đã trở nên lạc hậu trong hệ thống giáo dục thế giới, ví dụ như hình thức “kiểm tra miệng đầu giờ”.

“Kiểm tra miệng đầu giờ” được áp dụng ở các trường phổ thông của Việt Nam xưa nay thường chủ yếu chỉ đánh giá được khả năng ghi nhớ thuộc lòng của người học. Nó hoàn toàn thiếu nhân văn ở chỗ người học bị công bố thông tin kết quả học tập trước mặt tất cả các bạn cùng lớp, gây ra nhiều tâm lí hoàn toàn không tốt cho sự phát triển nhân cách (như tâm lí tự ti, mặc cảm nếu như mình không đạt kết quả tốt ngay trước mặt các bạn, tâm lí so đo, so sánh giữa chính mình với người khác thay vì tự so sánh với chính bản thân mình, tâm lí lo lắng căng thẳng ở mỗi buổi đến trường, suy nghĩ học là vì sợ “trả bài” thay vì học là niềm vui thích nội sinh, vì sự ham muốn khám phá kiển thức). Ở các nước phát triển, hình thức này đã bị xoá bỏ.

Việc quy định hình thức kiểm tra viết (dưới 1 tiết và 1 tiết) kèm số lần và các hệ số cứng cũng đã ràng buộc không cho người giáo viên phổ thông phát huy tính linh hoạt sáng tạo trong kiểm tra đánh giá và trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Ví dụ, một giáo viên dạy Địa lý muốn tổ chức dạy học theo phương pháp dự án, cho các nhóm học sinh thực hiện dự án tìm hiểu về mảng Y của một địa phương Z nào đó rồi thuyết trình báo cáo kết quả dự án, thì sẽ gặp nhiều khó khăn vì kết quả làm việc nhóm này không thể tính vào điểm kiểm tra viết 15 phút hay điểm kiểm tra 1 tiết được.

Ngoài ra, hình thức kiểm tra viết 15 phút và 1 tiết chỉ thiên về giúp đánh giá về mặt kiến thức chứ không đánh giá được các kĩ năng mềm, các năng lực tổng hợp và thái độ của người học, trong khi lí luận dạy học hiện đại trên thế giới đều đang chủ trương kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực của người học.

Trong các tham luận về kiểm tra đánh giá trong giáo dục phổ thông, hầu như giáo viên tại các trường đều bày tỏ lo lắng về thực trạng kiểm tra đánh giá ở phổ thông hiện nay “mang tính áp đặt không linh hoạt, giảm khả năng sáng tạo của HS”, trong khi những phương pháp mới và tiến bộ thì rất ít được thực hiện trong thực tế “do quy chế của Bộ chưa cho phép và giáo viên chưa thực sự am hiểu phương pháp này” (Bùi Thị Thu Hương, Trần Thị Thuỷ, giáo viên tổ Toán trường PTTH Lý Tự Trọng, Hà Tĩnh trong tham luận tại hội thảo toàn trường về “Đổi mới phương pháp dạy học và cách kiểm tra đánh giá”, 2015)

Cần có sự điều chỉnh quy chế mà cụ thể là sửa đổi các quyết định 40, thông tư 58 theo hướng trao quyền chủ động và tự quyết cho người giáo viên phổ thông trong việc tự lựa chọn và thiết kế các hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp tương ứng với phương pháp giảng dạy, sự tự do nhất định trong việc tự quyết định cơ cấu điểm (điểm quá trình chiếm bao nhiêu phần trăm trong điểm tổng kết, có bao nhiêu điểm quá trình là phù hợp theo giáo án cụ thể của người giáo viên cho môn học).

Cần phải tin tưởng hơn nữa ở năng lực sáng tạo và khả năng tự chủ sư phạm của người giáo viên, kết hợp với việc thường xuyên tổ chức tập huấn cho người giáo viên các lí luận về phương pháp kiểm tra đánh giá cũng như ý nghĩa giáo dục thực sự của các phương pháp đó.

Xu hướng thế giới – Giáo viên tự thiết kế đánh giá theo quá trình và đánh giá tổng kết

Các trường phổ thông và cả các trường đại học ở các nước tiên tiến ngày nay chủ yếu đánh giá bằng cách kết hợp giữa đánh giá theo quá trình (formative assessment) và đánh giá tổng kết (summative assessment).

Trong đó, đánh giá theo quá trình có thể thực hiện bằng nhiều hình thức như thông qua việc học sinh báo kết kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập (theo cá nhân hoặc theo nhóm), viết luận, thuyết trình, sử dụng các kĩ thuật đánh giá khác (như rubric – thẻ tự kiểm tra mức độ đáp ứng một hoạt động so với các tiêu chí đặt ra, trắc nghiệm nhanh, điền vào thẻ, kiểm tra viết ngắn v.v…).

Các đánh giá theo quá trình cần được thực hiện thường xuyên, liên tục một cách chính thức (lấy điểm) hoặc không chính thức (không lấy điểm) và chiếm một phần lớn (ít nhất 50%) trong đánh giá tổng kết để tránh hiện tượng học sinh chỉ “học gạo” để lấy điểm cao cho bài thi cuối cùng. Người học được tạo điều kiện và được khuyến khích cùng tham gia vào quá trình đánh giá.

Sự đánh giá mang tính mở, xây dựng, chia sẻ và hỗ trợ phát triển thay vì thiên về giám sát, chỉ trích, áp đặt.

Việc thiết kế các nhiệm vụ học tập cần được dựa trên cơ sở là sự vận dụng kiến thức vào thực tiễn, liên hệ với thực tiễn cuộc sống, dựa trên vấn đề, giải quyết tình huống. Tùy vào đặc thù của môn học, các đặc điểm thực tế của địa phương, kết hợp với tính sáng tạo, sự tìm tòi và khả năng linh hoạt mà người giáo viên chủ động thiết kế các nhiệm vụ học tập cũng như các hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp.

Diệp Phương Chi, giảng viên Đại học Sư phạm kĩ thuật Tp.HCM,

Nghiên cứu sinh chuyên ngành Sư phạm nghề kĩ thuật, đại học Kĩ thuật Dresden, CHLB Đức.