Cần có dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên trong 15 năm tới
(Dân trí) - Chiều ngày 18/4, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tạo đàm “xây dựng mô hình dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” thuộc khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cùng tên do PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền là chủ nhiệm.
Xây dựng mô hình dự báo chuẩn
PGS.TS Nguyễn Viết Lê, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, dự báo giáo dục giúp chúng ta nhìn nhận trước trạng thái của hệ thống giáo dục trong vài năm tới; có ý nghĩa định hướng làm cơ sở khoa học cho việc đào tạo, bồi dưỡng và phân bổ giáo viên phụ hợp tránh tình trạng thừa thiếu trồng chéo không ổn định như hiện nay.
Chủ yếu công tác dự báo nhằm đánh giá, xác định được mục tiêu hoạt động của toàn ngành giáo dục, đưa ra số liệu dự báo gần chính xác với thực tiễn giúp Bộ GD&ĐT, Sở, phòng địa phương làm căn cứ đề ra chỉ tiêu đào tạo, tuyển sinh và việc làm cho giáo viên.
Theo báo cáo của các Sở GD&ĐT tính đến T8/2018, so với nhu cầu sử dụng theo mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người (mầm non: 43,732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người và THPT: 3.161 người).
Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa thiếu cục bộ giữa các bộ môn hoặc ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà chưa điều tiết được. Do đó, vấn đề nghiên cứu đưa ra mô hình chuẩn về dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên giúp Bộ GD&ĐT cùng địa phương có những sắp xếp hợp lý và cân bằng.
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền chia sẻ, từ bài học kinh nghiệm của các nước Mỹ; New Zealand; Úc sẽ là thông tin quan trọng vận dụng vào dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên của nước ta hiện nay.
Trong đó, nhóm nghiên cứu quan tâm đến các yếu tố cơ bản như: tỷ lệ học sinh nhập học, tỷ lệ chuyển cấp, tỷ lệ hao hụt giáo viên (nghỉ hưu, bỏ việc, chuyển việc…) song song với chính sách tỷ lệ giáo viên/lớp; giáo viên/ học sinh; thay đổi chương trình GDPT mới.
PGS.TS Bùi Minh Đức, trường ĐH Sư Phạm HN 2 góp ý, nhóm nghiên cứu cần xác định rõ mô hình nhằm tính đến số lượng tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học hay để tính đến số lượng giáo viên đang và sẽ tuyển dụng vào các trường phổ thông; nếu không sẽ rất dễ gây và lãng phí ra nhiễu loạn cho việc tuyển chọn.
Cái đích cuối cùng ngoài cung cấp mô hình cho các địa phương còn phải đưa ra được mô hình chuẩn (mô tả được khung lý thuyết, định dạng tính, phương pháp tính, đường dẫn để áp dụng phép tính vào các địa phương) sử dụng rộng rãi, lâu dài.
Dự báo chính xác và có trách nhiệm
PGS.TS Đặng Xuân Thư, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội trao đổi, vấn đề dự báo đào tạo giáo viên cần đánh giá trên nhiều góc độ tác động đến nhu cầu sử dụng của các địa phương.
Cần nắm rõ tổng số giáo viên hiện có, giáo viên đã qua đào tạo nhưng chưa có việc làm và tổng số dân có nhu cầu đi học là bao nhiêu; từ đó mới có thể đưa ra được kết quả tương quan với số lượng dự báo số giáo viên cần có trong vài năm tới.
PGS.TS Nguyễn Thành Vinh, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, nhóm nghiên cứu cần có trách nhiệm và đưa ra khuyến cáo chính xác vì kết quả này sẽ tác động lớn đến sự phát triển của xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng.
Hiện nay, số lượng học sinh một lớp đông khoảng 50- 60 học sinh, có thể tác làm đôi để tăng số lượng giáo viên, đúng như quy định 22 em/1 giáo viên. Tôi xin khẳng định nếu làm đúng thì số lượng giáo viên không hề thừa. Cho nên cũng cần tính đến việc tác động thay đổi chính sách để giáo viên yên tâm làm nghề.
Ngoài ra, nên tập trung đến thực trạng lý do khiến giáo viên đã và đang có nguy cơ bỏ việc. Cơ chế sử dụng sau đào tạo không thể để giáo viên đi xin việc theo kiểu cơ chế thị trường, nên thay bằng biện pháp điều tiết lực lượng lao động đặc thù tránh nơi thừa, nơi thiếu không đồng đều.
Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD, Bộ GD&ĐT đánh giá, những tham số này có tác động rất lớn đến nhu cầu đào tạo và sử dụng giáo viên trên cả nước.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng phải chú ý đến vấn đề cải cách tiền lương, định mức lao động của giáo viên phổ thông… để đưa ra khuyến cáo mang tính khoa học, giúp ích cho Bộ GD&ĐT, các Sở, phòng có cái nhìn chính xác, tổng quan trước những phương hướng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hợp lý đáp ứng đúng, đủ với nhu cầu của học sinh và địa phương.
Hà Cường