Cần chú trọng về kỹ năng nghề nghiệp trong phát triển giáo dục phổ thông

(Dân trí) - Ngày 27/11, tại thành phố Vinh, UBND tỉnh Nghệ An, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tổ chức hội thảo khoa học Phát triển giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Chủ trì Hội thảo có ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, TS Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, TS. Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An.

Tham gia hội thảo có các khách mời như ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGD - TNTNNĐ của Quốc hội, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cùng đông đảo các vị lãnh đạo ngành giáo dục và nghiên cứu khoa học tỉnh Nghệ An.

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà lãnh đạo bày tỏ những ý kiến về việc đổi mới phát triển giáo dục phổ thông, mà trọng tâm là thay đổi phương pháp tiếp cận nền giáo dục, để đạt được tính thực tiễn trong dạy và học. Mục tiêu của việc học của học sinh cần được chỉ ra rõ ràng và thực tế, đó là kỹ năng nghề nghiệp là mục tiêu quan trọng nhất, bên cạnh trang bị kiến thức cần thiết cho một đời người.

Chỉ khi người học có đủ năng lực làm việc, để tự nuôi sống mình và gia đình thì nền giáo dục đó mới được gọi là thành công. Từ những kết quả thực tế của mỗi người học trong đời sống thì khi đó cả xã hội mới được nâng tầm cho những mục tiêu chung cao hơn.


Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Báo cáo tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An có tham luận chuyên đề về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 và Nghị quyết 29 của Trung ương về Tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục tỉnh Nghệ An.

Cụ thể, trong 5 năm qua, toàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng và công nhận thêm được 228 trường học đạt chuẩn, tính đến 31/8/2018, đã có 1.043 trường học đạt chuẩn, về chất lượng các cơ sở giáo dục đến nay đã có 866 trường được kiểm định đánh giá ngoài.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, năm 2014 toàn ngành là 46.798 người, năm 2018 là 45.540 người. Trình độ giáo viên ngày càng được nâng lên, giữ vững tỷ lệ 100% giáo viên mầm non và phổ thông đứng lớp đạt chuẩn đào tạo, và nâng dần tỷ lệ trên chuẩn đào tạo.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh Nghệ An đã huy động được các nguồn vốn của địa phương và các chương trình lồng ghép được 844 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường mầm non đối với các huyện 30A, và các trường THPT có điều kiện khó khăn. Giai đoạn 2017-2020, Nghệ An đã phê duyệt được 86 công trình kiên cố hóa trường lớp học mẫu giáo và tiểu học với số vốn gần 270 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, đã huy động được 1.157 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ của phụ huynh học sinh, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm để bổ sung cơ sỏ vật chất. Đến nay toàn tỉnh có 30.015 phòng học, trong đó có 22.279 phòng học kiên cố, 6.521 phòng bán kiên cố.

Về quy mô trường, lớp áp dụng mô hình trường học đổi mới, có 73 trường tiểu học đã tham gia thực hiện dự án thí điểm VNEN giai đoạn 2013-2016. Sau khi dự án kết thúc, vẫn còn 71/73 trường thực hiện toàn phần theo mô hình. Đối với giáo dục trung học cơ sở, năm học 2015-2016, có 26 trường; năm học 2016-2017 có 33 trường; năm học 2017-2018 có 31 trường học triển khai mô hình trường học mới.

Kết quả học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế liên tục xếp thứ 3, thuộc tốp dẫn đầu cả nước. Công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên trong những năm qua đã có 457 dự án đạt giải cấp tỉnh, 19 dự án đạt giải quốc gia, 1 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ.


Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An - Nguyễn Thị Kim Chi báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 và Nghị quyết 29 của Trung ương về Tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục tỉnh Nghệ An.

Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An - Nguyễn Thị Kim Chi báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 và Nghị quyết 29 của Trung ương về Tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục tỉnh Nghệ An.

Cùng thời gian học, học sinh các nước phát triển hơn nước ta

Trong tham luận của mình, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đặt ra câu hỏi: “Vì sao phải đổi mới chương trình giáo dục phổ thông?”. Bởi mục tiêu là để hình thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp. Do đó giáo dục cần phải phát triển năng lực của người học. Cụ thể ở đây là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

GS. TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ những đánh giá khi tiếp xúc với các nền giáo dục khác. Câu chuyện ở Hy Lạp, khi gặp gỡ các học sinh, sinh viên nước này, thấy trình độ nói tiếng Anh của họ rất tốt, cho cảm giác quốc gia này là đất nước nói tiếng Anh. Nhưng khi hỏi những nhà làm giáo dục nơi đây, thì biết được rằng mỗi tuần học sinh ở đây cũng chỉ học 3, 4 tiết tiếng Anh, tương tự như ở nước ta.

Nhưng khác với ta, các bạn trẻ ở đây có ý thức cụ thể học tiếng Anh, bởi người không giỏi tiếng Anh thì khi đi kiếm việc làm thường chỉ nhận được những công việc đơn giản. Do đó, để kiếm được việc làm tốt, thế hệ trẻ của Hy Lạp tích cực trau dồi tiếng Anh bằng rất nhiều cách. Còn học thêm tiếng Anh như ở nước ta, phần đông các em kiếm các công việc làm thêm ở các khu du lịch, làm bưng bê dọn dẹp ở các khách sạn để giao tiếp với các du khách nước ngoài...

Không chỉ ở Hy Lạp, mà ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, thì câu chuyện “hiệu quả” của việc học rất được chú trọng, mà chính xác ở đây là học để sau này có chuyên môn tay nghề vững vàng, kiếm được công việc tốt để lo cho chính bản thân mình và gia đình. Còn ở nước ta, nhiều mục đích học tập rất tốt đẹp, nhưng nó được đưa vào lại trở nên quá tầm của học sinh, những điều quá cao xa đến phụ huynh học sinh còn chưa đạt được mà bắt các em phải gánh vác là gượng ép, và không thực tế.

Những quốc gia Bắc Âu, họ có nền giáo dục được đánh giá cao trên thế giới, nhưng chỉ có những định hướng cơ bản, còn người dạy có quyền tự chủ để lựa chọn chương trình dạy, tự lên giáo án, tự có cách đánh giá học sinh. Với cách giáo dục chủ động đó, năng lực sáng tạo của người dạy được phát huy, và sự tiếp thu, chọn lọc của người học được nâng cao.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết “vì sao phải đổi mới chương trình giáo dục phổ thông?”.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết “vì sao phải đổi mới chương trình giáo dục phổ thông?”.

Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Việt Nam - GS.TS Trần Công Phong cho rằng: Đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay đòi hỏi phải đổi mới về giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông, và từ việc quan tâm về giáo dục hướng nghiệp để nâng cao giáo dục phổ thông. Trong đó, có yêu cầu đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân. Bởi hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay chưa hình thành các hướng phát triển rõ ràng cho học sinh phổ thông và thiếu sự phân luồng người học sau THCS cho đến hết giáo dục phổ thông, cơ bản là phân luồng từ sau lớp 12.

Ngoài ra, còn cần đổi mới chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo giáo viên bậc trung học, vấn đề cơ bản trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục thành công là chuyển từ bài toán đủ giáo viên sang bài toán đủ giáo viên có chất lượng.

Ông Trương Đình Tuyển phát biểu tầm quan trọng của giáo dục trước 8 tuổi, và sự quan trọng của việc giáo dục tư duy trừu tượng.
Ông Trương Đình Tuyển phát biểu tầm quan trọng của giáo dục trước 8 tuổi, và sự quan trọng của việc giáo dục tư duy trừu tượng.

Tại hội thảo, ông Trương Đình Tuyển, hiện đang là tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An chia sẻ một vài ý kiến. Trong đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của cấp học mầm non và tiểu học. Nhiều nghiên cứu có chỉ ra, 80% sự phát triển của não bộ con người đạt được ở độ tuổi từ 0-8 tuổi, sau 8 tuổi sự phát triển của não bộ không còn mạnh mẽ như trước. Cho nên giai đoạn trước 8 tuổi là cực kỳ quan trọng để đánh thức năng lực của một con người.

Ý kiến tiếp theo của ông Trương Đình Tuyển, nền giáo dục cần chú trọng ở tư duy logic, nhưng tư duy trừu tượng còn quan trọng hơn. Tu duy logic giúp chúng ta xây dựng luận cứ khoa học và cách giải quyết vấn đề, nhưng nó bị giới hạn khi chỉ đưa chúng ta từ A đến B, rồi từ B đến C theo một cách tuần tự theo một quỹ đạo gần như được xác định. Còn tư duy trừu tượng có thể đưa chúng ta đến bất cứ nơi nào chúng ta muốn. Cùng với toán học, thì văn học, âm nhạc, hội họa... giúp chúng ta phát triển tư duy trừu tượng. Do đó, phát triển tư duy trừu tượng là một mong muốn của ông trong việc nâng cao nền giáo dục nước nhà.

Ngoài các ý kiến đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, các nhà lãnh đạo, tại hội thảo, đã có hàng chục tham luận khác. Các tham luận của đại diện thuộc các ngành giáo dục, khoa học công nghệ, hội khuyến học, các trường trên địa bàn tỉnh đưa ra những ý kiến đóng góp những góc nhìn từ cụ thể đến bao quát sự nghiệp giáo dục tỉnh Nghệ An. Sau hội thảo, các ý kiến đóng góp sẽ được đưa vào kế hoạch tuyên truyền trong ngành giáo dục và ngoài xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên, người học và người dân.

Danh Thắng - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm