Cán bộ giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ xin kiến nghị 2 điều
(Dân trí) - Trước những "lùm xùm" khi thực hiện triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của giáo dục đại học (Luật số 34), cán bộ giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ kiến nghị 2 điều.
Cụ thể, cán bộ giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng kiến nghị: Tổng liên đoàn tuân thủ Luật Giáo dục đại học sửa đổi và các Nghị quyết của TW Đảng về đổi mới hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện đúng quy định Hội đồng trường phải là Cơ quan quyền lực cao nhất của trường theo đúng Luật định.
Trả lời đại biểu Quốc hội chiều ngày 9/11 về vấn đề tự chủ đại học và "lùm xùm" ở trường ĐH Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, để thực hiện tự chủ đại học đúng hướng và đúng quy luật. Tất cả các trường đại học phải kiện toàn, thành lập mới hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền chứ không phải có tính hình thức. Tất cả các trường đại học đều phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức, hoạt động nội bộ, tài chính nội bộ tỉ mỉ, chi tiết theo quy định của pháp luật, công khai cho toàn dân biết và giám sát.
“Tự chủ đại học là một quá trình chuyển đổi, có nhiều điểm chưa có tiền lệ thì khi xử lý chúng ta hết sức bình tĩnh và xu hướng phải ủng hộ”, Phó Thủ tướng nói.
Về vấn đề của Trường đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng cho biết, đã trao đổi thẳng thắn với Bộ Tư pháp nhiều lần và khi chưa rõ ràng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn hết sức trách nhiệm, không hề lơ là nhưng phải rất cẩn trọng, đúng quy định.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lập một đoàn công tác, có sự tham gia của Bộ Tư pháp, vào xem xét, phân tích, báo cáo về Trường đại học Tôn Đức Thắng. Tinh thần là Chính phủ rất công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện cho trường phát triển" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại.
Nguồn tiền từ đâu để trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện tự chủ?
Trường đại học Tôn Đức Thắng thành lập ngày 24/09/1997. Từ ngày thành lập đến đầu tháng 1/2003, Trường có tên là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng. Đến tháng 1/2003, Trường được đổi tên thành Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc Ủy ban nhân dân TPHCM. Đến ngày 11/6/2008, Thủ tướng Chính phủ đổi tên trường thành Trường đại học Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Trường tự chủ tài chính từ khi thành lập (1997) vì Ngân sách nhà nước và Tài chính công đoàn không thể cấp cho trường dân lập và trường bán công.
Đến khi được chuyển về thành trường công thuộc Tổng liên đoàn; tại Văn bản số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/06/2008, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Qui chế tổ chức và hoạt động của TDTU: “về mặt quản lý nhà nước, cơ chế tổ chức của Trường được thực hiện như một trường công lập với cơ quan chủ quản là Tổng liên đoàn; về mặt tài chính, Trường không nhận hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách nhà nước và từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Tài sản được hình thành cho đến nay được coi là tài sản của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, không điều chuyển khỏi trường mà chỉ để phục vụ cho việc đào tạo của Trường.
Trường được tự quyết mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo qui định như một trường đại học ngoài công lập”. Như vậy, trường tiếp tục tự chủ tài chính từ ngày thành lập đến nay (gần 22 năm).
Trường ĐH Tôn Đức Thắng thống kê: Tài trợ bằng tiền của nhà nước và Công đoàn từ xưa đến nay có 5 khoản: Tài chính do Liên đoàn lao động TPHCM cấp để làm thủ tục thành lập Trường (500 triệu); Tài chính do Liên đoàn lao động TPHCM và Tổng liên đoàn cho vay không lãi (Nhà trường đã hoàn lại vốn); Tổng tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi ngân hàng là 44,082 tỷ; Tiền tài trợ giải phóng mặt bằng từ UB NDTPHCM: 70 tỷ; tiền trợ lãi vốn vay kích cầu do UBNDTP hỗ trợ: 119,725 tỷ; Vốn trái phiếu Chính phủ cấp để xây dựng Ký túc xá sinh viên: 61,7 tỷ.
Tổng tài trợ từ 5 khoản trên là: 295,5 tỷ chiếm 13,4% tổng đầu tư xây dựng cơ bản của Trường trên mặt đất tính từ xưa đến nay (trong đó, Công đoàn thành phố và Tổng liên đoàn đã chi 44,082 tỷ; Ngân sách thành phố đã chi: 189,725 tỷ; Chính phủ chi: 61,7 tỷ). Như vậy, đầu tư từ nguồn tài chính tiết kiệm, tự tích lũy từ hoạt động của Trường đến nay chiếm 86,6% tổng đầu tư đã có của Trường.
Về đất đai, tính riêng đất đai, trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có giấy tờ, sổ đỏ là 83,37 ha. Trong đó, đất do Công đoàn giao cho sử dụng (vào giai đoạn đầu, nay Nhà trường đã ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với nhà nước) là 5,37 ha (chiếm 6,44%). Đất do UBNDTPHCM cho thuê là 30 ha (chiếm 35.98%). Đất do Trường tự làm dự án, thuê đất để phát triển cơ sở là 48 ha (chiếm 57,58%).
Được biết, tổng qui mô hiện nay khoảng hơn 26.000 học viên, sinh viên (trong đó có học viên, sinh viên từ hơn 20 quốc gia khác nhau đến học). Tổng viên chức, giảng viên gần 1400 người.
Nhà trường đã được QS Star Ratings đánh giá đạt chuẩn 5 sao/5 sao của thế giới; được HCÉRES điểm định và công nhận đại học đạt chuẩn Châu Âu và được rất nhiều tổ chức quốc tế như ARWU, THE, QS, URAP, UI Green Metric, US News xếp hạng Trường vào đại học TOP của thế giới. Định hướng của Trường là trở thành đại học nghiên cứu tinh hoa thuộc TOP 500 đại học tốt nhất thế giới trong 10 năm tới (2020-2030).
Những khó khăn khi triển khai thực hiện Luật số 34
Ngày 28/12/2018 Hội đồng trường Trường đại học Tôn Đức Thắng họp và ra Nghị quyết về việc chuẩn bị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của giáo dục đại học (Luật số 34); để bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7/2019.
Ngày 14/2/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản 499/BGDĐT-GDĐH về việc chuẩn bị thực hiện Luật số 34. Trong đó yêu cầu các trường đại học phải chuẩn bị các công việc sửa đổi, ban hành quy chế, kiện toàn nhân sự… theo đúng nội dung Luật số 34; và phải hoàn tất các việc này trước ngày 1/7/2019.
Ngày 23/4/2019, Hội đồng trường họp để bàn việc thực hiện yêu cầu của Bộ giáo dục và đào tạo. Tại cuộc họp, 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua cơ cấu nhân sự Hội đồng trường để tiến hành thủ tục theo quy định và thảo luận về nội dung sửa đổi Qui chế tổ chức và hoạt động của Nhà trường theo Luật số 34. Nghị quyết đã được thông qua với 100% thành viên chấp thuận chủ trì.
Tuy nhiên, thời gian sau đó, trường ĐH Tôn Đức Thắng và cơ quan chủ quản đã có nhiều lần làm việc và văn bản trao đổi nhưng chưa đi đến thống nhất.
Do đó, ngày 19/7/2019, cơ quan chủ quản đã có Quyết định số 1180/QĐ-TLĐ về việc kéo dài nhiệm kỳ Hội đồng trường và Ban giám hiệu 60 ngày đến 20/9/2019….
Vào tháng 05/2020, đại diện Lãnh đạo Tổng Liên đoàn đã vào làm việc với nhà trường, thống nhất phương án cơ cấu nhân sự 21 người và đồng ý để nhà trường tiến hành bước 1 và 2 trong Đề án trước; đồng thời cũng thống nhất đợi có kết quả kiểm tra của Thành ủy TP.HCM sẽ tiến hành hoàn tất các bước tiếp theo thành lập HĐT nhiệm kỳ mới.
Tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện được thì xảy ra việc kỷ luật cách chức Hiệu trưởng dẫn đến vấn đề tranh luận nóng trên nghị trường Quốc hội vừa qua.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã có câu hỏi chất về việc cách chức ông Lê Vinh Danh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đúng thẩm quyền theo quy định của luật Giáo dục đại học. Từ đó, nêu kiến nghị các cơ quan, đơn vị “nên tôn trọng Luật Giáo dục Đại học, một chủ trương tự chủ Quốc hội vừa thông qua cần thi hành triệt để”.
Cắt chức Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng là sai quy định pháp luật
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết, xem xét ở góc độ pháp lý thì việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành văn bản cách chức Hiệu trưởng đối với trường ĐH Tôn Đức Thắng là việc làm sai quy định pháp luật. Ở chỗ, điều này trái với quy định tại khoản 1, điều 20 của Luật Giáo dục Đại học.
Theo đó, khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục quy định việc này là do Hội đồng nhà trường hay Hội đồng Đại học. Đành rằng theo luật cán bộ, luật viên chức thì những nhân sự là cán bộ hay công chức thuộc quyền quản lý của công đoàn hay của Tổng Liên đoàn thì họ có quyền kỷ luật theo quy định của luật cán bộ công chức hay viên chức. Tuy nhiên, ở đây là chức danh hiệu trưởng trường đại học, cần tuân thủ theo Luật Giáo dục Đại học.
Việc cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng diễn ra trong khi không có Hội đồng nhà trường, điều này cũng đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong phiên trả lời chất vấn. Tôi được biết, khi sắp hết nhiệm kỳ hội đồng, trường đã có văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép được thành lập hội đồng trường mới. Tuy nhiên Tổng Liên đoàn Lao động không trả lời, không “mặn mà” với việc đó.
Vậy vì sao lại dựa vào vi phạm về Đảng của Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng để cách chức hiệu trưởng? Đó là điều rất khó hiểu vì không có đủ cơ sở pháp lý. Nếu cách chức đối với cán bộ công chức viên chức thì được, nhưng đây là chức danh luật định, phải thông qua Hội đồng nhà trường. Nếu cách chức như vậy là vi phạm Luật Giáo dục Đại học.