Cảm phục thầy giáo 16 năm dạy bơi miễn phí cho học sinh nghèo

(Dân trí) - Chứng kiến những cái chết thương tâm do trẻ em té sông, đuối nước, thầy Lê Trung Sứng quyết định mở lớp dạy bơi cho các em nhỏ. Qua 16 năm, đã có cả ngàn em được “xóa mù bơi”, không ít em trở thành những “kình ngư” trong làng thể thao Việt Nam.

Người thầy hết lòng với công tác “xóa mù bơi” cho hàng ngàn học sinh nghèo ở địa phương trong 16 năm qua là thầy Lê Trung Sứng (56 tuổi) - giáo viên Thể dục Trường tiểu học Long Hoà 1, thuộc phường Long Hòa, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ.

"Tôi trăn trở nhiều lắm"

Theo lịch hẹn, chúng tôi gặp thầy Sứng tại “bể bơi” - một đoạn sông trước chùa Long Quang (quận Bình Thủy, Cần Thơ), tuy nhiên do thầy vừa bị tai nạn xe (bị trầy xước ở tay và chân trái - PV) không thể xuống nước được nên thầy hẹn gặp chúng tôi tại văn phòng Trường tiểu học Long Hòa 1.

Bắt đầu câu chuyện, thầy Sứng bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, khi trưởng thành rồi về giảng dạy ở Trường tiểu học Long Hòa 3. Bản thân tôi đã từng chứng kiến những cái chết thương tâm của các em nhỏ do bị té sông, đuối nước, mỗi lần gặp cảnh đó, tôi trăn trở nhiều lắm, vì ở miền Tây, kênh rạch chằng chịt, phụ huynh lo việc mưu sinh đâu thể nào “bám” theo chân các con mãi được. Nghĩ vậy, tôi bắt đầu “chiêu sinh”, mở lớp dạy bơi hoàn toàn miễn phí cho các em nhỏ vào những giờ không lên lớp.”

Trước khi cho các em xuống nước bơi, thầy Sứng rất chú tâm đến công tác khởi động cho các em.

Trước khi cho các em xuống nước bơi, thầy Lê Trung Sứng rất chú tâm đến công tác khởi động cho các em.

Sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm Cần Thơ, thầy Sứng được phân công về dạy thể dục tại Trường tiểu học Long Hòa 3 (TP Cần Thơ). Từ những trăn trở về nguy cơ cho trẻ do không biết bơi, năm 1997, thầy Sứng chính thức xin ý kiến Ban giám hiệu nhà trường, dạy bơi cho các em học sinh đang theo học tại trường.

Ban đầu, lớp học chỉ vài em, rồi sau 1, 2 tháng, lớp bơi của thầy Sứng cứ tăng dần. Đặc biệt, là từ khi có 1, 2 em học trò được thầy huấn luyện đạt danh hiệu cao ở cấp quận, tỉnh,… lớp học của thầy bắt đầu sôi động, phụ huynh tin tưởng đến giao con cho thầy Sứng, nhờ thầy dạy bơi ngày càng nhiều.

Trong lớp học bơi, thầy Sứng dành khoảng 30 phút cho các em khởi động trước khi các em xuống nước. Thầy Sứng cho biết: “Trong thể thao khởi động là cực kỳ quan trọng. Riêng lớp bơi của này, các em nhỏ bơi dưới sông, do đó khởi động cơ thể là không thể thiếu và làm sơ sài được vì nó gắn liền với sự an toàn của các em”.

Sau giờ khởi động, thầy Sứng cho từng nhóm một, mỗi nhóm từ 4 - 5 em xuống nước bơi. Trong lúc các em bơi, thầy Sứng đứng trên bờ quan sát, chân tay ra bộ liên tục và  không ngớt lời chỉ dẫn các em nhỏ.

Chúng tôi thắc mắc về việc thầy dạy bơi nhưng đứng ở trên bờ, thầy Sứng cho biết: “Không phải dạy bơi là nhất thiết phải xuống bể, xuống sông… Tuy nhiên với các em đang học bơi hôm nay là các em trong danh sách tuyển, chuẩn bị thi đấu… Do đó, mình chỉ trang bị về kỹ thuật thêm cho các em! Khi nào, dạy các em nhỏ chưa biết bơi, hoặc biết bơi chập chững thì không những có mình dưới sông mà còn bố trí thêm 3 - 4 em thạo bơi tập trung, để khi có sự cố, các em kịp thời trợ giúp mình”.

Một buổi tập sức bền của các em trong đội tuyển, thầy Sứng rãnh rỗi đứng trên bờ hướng dẫn.

Một buổi tập sức bền của các em trong đội tuyển, thầy Sứng "rãnh rỗi" đứng trên bờ hướng dẫn.

Thầy trò chờ nước lớn để bơi

Qua 16 năm gắn bó với lớp bơi nghiệp dư, thầy Sứng đã “xóa mù bơi” cho hàng ngàn học sinh nghèo ở địa phương. Đặc biệt, thầy phát hiện và huấn luyện thành công cho nhiều em trở thành những vận động viên chuyên nghiệp, đạt nhiều giải thưởng cao ở TP Cần Thơ, quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, với thầy Sứng, niềm vui lớn nhất của thầy là việc trang bị cho các em nhỏ tự bảo vệ mình khi không may bị rơi xuống ao, hồ, sông suối.

Thầy Bùi Quang Thân - hiệu trưởng Trường Long Hòa 3 (nơi công tác cũ của thầy Sứng - PV) cho biết, thầy Sứng có thời gian công tác tại trường khoảng 12 năm, sau đó thầy được chuyển về Trường tiểu học Long Hoà 1 (cùng phường Long Hoà). Trong suốt khoảng thời gian 16 năm thầy Sứng tự nguyện dạy bơi miễn phí cho các em nhỏ muốn học bơi ở địa phương, chưa có một sự cố nào xảy ra. Để làm được việc này thì phải là người có tâm, chu đáo và nhiệt tình như thầy Sứng mới làm được.

Một buổi tập sức bền của các em trong đội tuyển, thầy Sứng rãnh rỗi đứng trên bờ hướng dẫn.

Khi dạy bơi các em dưới sông, thầy Lê Trung Sứng chỉ mong có một cái hồ bơi di động để việc dạy bơi cho các em học sinh nghèo được thuận lợi hơn.

Và những đồng nghiệp của thầy Sứng kể tên nhiều vận động viên bơi lội xuất sắc do thầy Sứng phát hiện và đào tạo như: Lâm Văn Tùng, Nguyễn Văn Nhân (từng giành Huy chương Vàng giải trẻ Đông Nam Á), Trương Thanh Kiều, Ngô Mình Nhanh... “Thầy Sứng đã dạy cho tôi những kỹ năng bơi cơ bản đầu tiên một cách thuần thục, tạo đà để chúng tôi vươn xa hơn” - vận động viên bơi lội một thời giữ hai kỷ lục quốc gia Ngô Minh Nhanh từng chia sẻ với báo giới về thầy Sứng.

Nói về những bất cập quanh lớp dạy bơi của mình, thầy Sứng trần tình: “Mặc dù các phụ huynh biết tay nghề, kinh nghiệm của mình, tuy nhiên khi thấy mình dạy bơi cho các em ở một đoạn sông và chỉ có một mình nên còn nhiều phụ huynh ngán ngại lắm! Tôi cũng có ý mời thêm vài người cộng tác, nhưng mình dạy bơi miễn phí cho các em thì làm sao có tiền để bồi dưỡng cho họ. Vì vậy, tôi chọn khúc sông trước chùa Long Quang, đoạn sông này không sâu, lại trống, giúp mình dễ quan sát học trò, đồng thời mỗi lớp bơi tôi bố trí thêm vài em bơi nhuần nhuyễn, một mặt truyền lại kinh nghiệm cho đàn em, vừa hỗ trợ tôi khi có sự cố xảy ra”.

Thầy Sứng cho biết thêm: “Thật tình mà nói dù mình bố trí vậy, nhưng các phụ huynh vẫn không an tâm về độ an toàn cho các em nhỏ. Hơn nữa, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm nặng nên vấn đề vệ sinh là điều các phụ huynh và bản thân mình không thể an tâm lắm. Cộng thêm cái khó, khi dạy các em dưới sông, mình phải phụ thuộc vào nước lớn, nước ròng... Muốn dạy bơi, phải đợi con nước lớn nhưng khi đó lại đúng giờ các em lên lớp hoặc mình bận việc… nên đây cũng là một trở ngại lớn. Vì thế, nếu có một cái hồ bơi di dộng thì mọi lo ngại sẽ được “tháo gỡ”, thầy trò tôi không còn phải đợi con nước lớn nữa!”.


Trước khi chia tay với PV Dân trí, theo thầy Sứng tổng hợp, số học sinh cấp 1 chưa biết bơi ở 3 trường tiểu học trên địa bàn phường Long Hòa trên 50% (tổng số học sinh khoảng 1.000). Trong tháng hè tới, thầy Sứng đang lên kế hoạch, xin ý kiến lãnh đạo mở lớp dạy bơi cho khoảng 80 học sinh khối lớp 4 của Trường tiểu học Long Hòa 1.
 
Nguyễn Hành