Cấm giao bài tập về nhà: Học sinh vẫn phải học đến khuya

Sau gần 1 tháng Bộ GD-ĐT ban hành lệnh cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, nhiều em hàng ngày vẫn phải chong đèn làm bài tập đến tận khuya, khác hẳn với viễn cảnh được thả sức vui chơi vì… giảm tải.

Cấm… cho có?

Khi nghe thông tin cấm giao bài tập về nhà, chị Nguyễn Phương Nhung, có con học lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Nội) khấp khởi mừng thầm vì sẽ chấm dứt được cảnh đêm nào 2 mẹ con cũng phải đánh vật với đống bài tập cô giao đến tận 22 giờ đêm. Tuy nhiên, sự thực không như những gì chị Nhung nghĩ, chị cho biết: “Cô giáo vẫn giao bài tập về nhà, dưới mỗi phần bài tập giao cô ghi lưu ý “bài tập không bắt buộc”. Tuy nhiên, tối nào về con cũng cặm cụi làm hết bài tập cô giao, bởi “bạn nào không làm, lên lớp cô giáo bắt đứng góc lớp mẹ ạ”. Như vậy thì “cấm” để… cho có à?” - chị Nhung bức xúc.

Cấm giao bài tập về nhà: Học sinh vẫn phải học đến khuya
Bé N.T.H, học sinh lớp 2 ở Đông Anh (Hà Nội) vẫn phải đánh vật với bài tập tới 9 giờ tối. (Ảnh: Tùng Anh)

Lịch học buổi tối ở nhà của bé N.T.P, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Bình Minh (TP.Hải Dương) gần một tháng nay vẫn không có gì thay đổi. Từ 7 giờ đến 22 giờ 30 bé phải viết hết một trang trong vở tập viết, đọc và chép lại một bài tập đọc, ôn lại phép cộng (trừ) hôm nay học, xem trước bài học ngày mai và làm bài tập thủ công. Anh Trọng - bố của bé P cho biết: “Nhiều bài toán cô giáo giao theo hình thức tư duy logic, đoán mẹo rất khó mà cả bố cả mẹ phải tranh cãi mới giải được. Tôi thường đùa, cô giao bài tập về nhà cho bố mẹ chứ chả phải cho con”.

Tương tự, nhiều phụ huynh có con học Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cũng phản ảnh con vẫn bị giao nhiều bài tập về nhà. Chị Hoàng Kim Liên có con học lớp 3 trường này cho biết: “Nặng nhất là cuối tuần, có hôm thứ 6 cô giao cho con đến 3 bài tập làm văn, thế là 2 ngày nghỉ con phải trầy trật, loay hoay với bài tập, muốn cho con đi chơi cũng không được”.

Khó cấm triệt để

Đồng tình với chủ trương cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học nhưng chính bản thân nhiều giáo viên cảm thấy lo lắng cho sức học của học sinh mình sau… lệnh cấm.

Cô Đào Thị Ngọc - giáo viên một trường tiểu học tại Ba Vì (Hà Nội) cho rằng: “Đồng tình với việc giảm khối lượng kiến thức cho học sinh tiểu học bớt căng thẳng, nhưng việc dạy kỹ năng học cho các em chỉ trên lớp là không đủ. Làm bài tập ở nhà, các em rèn được thói quen kiểm tra lại kiến thức, chuẩn bị cho kiến thức mới, tự học, nền nếp, đúng giờ .

Cô Ngọc cũng cho rằng, việc giao bài tập cho học sinh cần có chọn lọc hơn, giảm lượng, tăng chất và không gây áp lực cho các em khi không hoàn thành. “Giáo viên không vì thành tích mà giao bài tập, chẳng qua chỉ mong những em còn kém có động lực để phấn đấu” - cô Ngọc nói.

Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) ngay từ trước khi Bộ có lệnh cấm đã thực hiện không giao bài tập về nhà cho học sinh các khối 1, 2, 3. Tuy nhiên, lãnh đạo trường này cho biết, đối với học sinh các lớp 4, 5 lượng kiến thức lớn, nhiều bài tập phức tạp hơn đòi hỏi học sinh có kỹ năng xử lý tốt, thời gian ở trên lớp là không đủ, trường vẫn đề nghị phụ huynh nhắc các em xem lại bài và chuẩn bị bài hôm sau.

Trong khi đó, lãnh đạo Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) thì thông tin, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, các giáo viên chủ nhiệm lớp đã xin ý kiến của phụ huynh về việc giao bài tập về nhà cho các con, và đa số phụ huynh đều đồng ý.

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng: Không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc cấm là rất “khiên cưỡng” vì việc ôn luyện ở nhà cho học sinh còn phụ thuộc vào ý thức, mong muốn của cha mẹ chứ không chỉ là bệnh thành tích của nhà trường.

Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngay sau khi có chỉ thị của Bộ GDĐT về việc cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, Sở đã có công văn hướng dẫn các phòng giáo dục về việc thực hiện yêu cầu này. Trường nào không thực hiện đúng sẽ bị xử lý theo quy định.

 

Theo Tùng Anh

Dân Việt

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm