Cám cảnh nữ sinh mồ côi đến trường bằng nạng gỗ đạt 28,5 điểm khối A
(Dân trí) - Bố mất mới hơn 50 ngày thì An bị tai nạn gãy chân. Một năm ròng đến trường trên đôi nạng gỗ nhưng em đã làm nên kỳ tích khi đạt điểm 10 môn Toán, 9,75 điểm Hóa và 8,75 điểm Vật lý thi tốt nghiệp THPT.
Vượt nghịch cảnh làm nên kỳ tích
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Phan Thị Thùy An (Trường THPT Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đạt tổng điểm xét tuyển khối A) 28,5 điểm. Trong đó, môn Toán đạt điểm 10, Hóa học 9,75 điểm và Vật lý 8,75 điểm. Để đạt được kết quả đó là nỗ lực không mệt mỏi của cô nữ sinh vùng đất ngập lũ này.
“Sau khi thi và khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, em so đáp án và chấm điểm cho mình nên kết quả này cũng không bất ngờ. Em rất vui vì sự cố gắng của bản thân đã đưa lại kết quả như mong muốn nhưng cũng hơi buồn chút xíu khi bài làm môn Vật lý chưa được tốt lắm”, Thùy An chia sẻ.
Năm 2019, bố An qua đời trong một vụ tai nạn lao động, gia cảnh vốn đã khó khăn càng trở nên bi đát hơn. Thời điểm này, anh trai của An đang học đại học năm thứ 2 ở Hà Nội, mẹ phải xoay xở lo toan cho An và em trai. Tháng 6/2019, vừa xong lễ cúng 50 ngày cho bố thì An bị tai nạn gãy xương đùi.
Trải qua 2 lần phẫu thuật, An được ra viện nhưng không thể tự đi lại được, phải nhờ vào đôi nạng gỗ để di chuyển. Ròng rã một năm trời, chị Phan Thị Quyên (SN 1974, mẹ An) chở con đến trường. Hai biến cố ập đến khiến An co mình, sống khép kín và vùi đầu vào học.
Đi lại khó khăn khi phải nhờ đến đôi nạng, hoàn cảnh cũng không lấy gì làm khá giả nên ngoài giờ học ở trường, An không đi học thêm mà chủ yếu tự học. May mắn, An có những người thầy, người cô tận tâm và người anh trai tuy ở xa nhưng vẫn theo sát em gái trong quá trình học tập.
Nói về Thùy An, thầy Từ Đức Toàn - giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Năm lớp 11, An đoạt giải Ba môn Toán kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Trải qua 2 biến cố lớn, em đã nỗ lực vươn lên để đạt được thành tích đáng ghi nhận này. Với 28,5 điểm, An là thí sinh có điểm xét tuyển đại học cao nhất trường, kết quả này xứng đáng với sự nỗ lực, bền bỉ không đầu hàng số phận của em”.
Với kết quả này, An cho biết em sẽ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Hiện em vẫn đang cân nhắc trong việc chọn ngành học phù hợp với bản thân cũng như có nhiều cơ hội xin việc sau khi ra trường.
Canh cánh nỗi lo
Nhà ít ruộng, bố An phải đi làm ăn xa. Tết năm 2019 là cái tết đầu tiên sau 5 năm cả gia đình An được quây quần bên nhau nhưng cũng là cái tết cuối cùng An có bố. Chồng đột ngột qua đời, chị Quyên nén nỗi đau để quán xuyến gia đình, gánh vác kinh tế và giúp các con sớm ổn định tâm lý.
Anh trai của An là Phan Mạnh Quyết, từng đoạt giải Khuyến khích kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học, hiện đang theo học một ngôi trường danh tiếng ở Hà Nội. Thương bố mẹ vất vả, Quyết đi làm thêm để có thể tự trang trải chi phí ăn học đắt đỏ ở Thủ đô.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về em Phan Thị Thùy An, xóm 6, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Số điện thoại mẹ Quyên mẹ của Thùy An: 083 7163891
Kỳ thi vừa qua, Thùy An đạt tổng điểm xét tuyển khối A 28,5 điểm. Với số điểm này cộng với điểm ưu tiên khu vực, cánh cửa đại học gần như đã mở rộng đối với cô nữ sinh nghèo này. Thế nhưng, con đường tới giảng đường đại học của em còn lắm chông gai khi vết thương chưa lành hẳn.
Thời gian gần đây, An đã tập được thói quen bỏ nạng để chủ động đi lại và có thể phụ giúp mẹ những công việc nhẹ nhàng. Em cũng đang cố gắng để có thể tự chăm sóc bản thân cũng như tìm kiếm việc làm thêm để có thể tự lo liệu 1 phần chi phí sinh hoạt trong thời gian đi học xa nhà sắp tới.
Chị Quyên tâm sự: “Vì khó khăn, bố cháu phải đi làm ăn xa và gặp nạn. Bởi vậy, dù có vất vả, thiếu thốn cỡ nào tôi cũng sẽ cố gắng thay chồng lo cho các con được ăn học nên người, để sau này các cháu có một công việc ổn định, không phải vất vả như bố mẹ”.
Chồng mất, chị gạt nước mắt cố gắng mạnh mẽ sống vì con, tất bật với 4 sào ruộng cũng chỉ đủ cho mấy mẹ con đủ ăn trong nhà. Suốt 1 năm nay, ngày mấy bận đưa đón con đi học, chị cũng chẳng có thời gian để làm việc khác, ngoài làm ruộng vườn chỉ nuôi thêm được mấy con gà. Giờ đây, con gái thi đạt kết quả cao, chị vừa vui mừng, hạnh phúc nhưng cũng nặng trĩu lo lắng. Gánh nặng kinh tế gia đình với 2 con học đại học xa nhà và cậu con út lên lớp 8, một mình chị làm sao lo liệu, cáng đáng nổi?