Cách làm bài đạt điểm cao môn thi Vật lí tốt nghiệp 2014

(Dân trí) -Bài thi tốt nghiệp môn Vật lí gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm trong đó có 32 câu thuộc phần chung cho tất cả thí sinh và 08 câu tự chọn, thầy giáo Nguyễn Mạnh Nghĩa, Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm HN chia sẻ cách làm bài thi hiệu quả tới thí sinh.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Nghĩa, Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư Phạm HN

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Nghĩa, Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư Phạm HN

Bài thi môn vật lí gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm trong đó có 32 câu thuộc phần chung cho tất cả thí sinh và 08 câu tự chọn (thí sinh chỉ được chọn một trong hai chương trình: chuẩn hoặc nâng cao, tuyệt đối không được làm cả hai phần ).

Đối với học sinh chọn khối A, A1 để thi đại học thì nội dung đề thi tốt nghiệp có vẻ khá dễ, do đó dễ có tâm lý chủ quan dẫn tới làm bài thi vội vàng, không cẩn thận, đọc không kỹ yêu cầu của đề thi. Trong khi đó, với những học sinh không thi đại học môn vật lí thì có vẻ đề thi tốt nghiệp cũng không dễ để làm được tất cả câu hỏi trong đề thi. Với nhưng học sinh học theo chương trình chuẩn cần học kỹ 07 chương đầu của SGK. Trong đó, cần đầu tư nhiều thời gian ôn tập chương dao động cơ học và dòng điện xoay bởi vì số câu hỏi của cả hai chương chiếm khoảng 50% số lượng câu hỏi trong toàn bài thi.

Để việc ôn tập và làm bài thi đạt kết quả cao, học sinh cần rà soát lại các kiến thức cơ bản của môn vật lí 12 đã được thầy/cô trang bị trong suốt quá trình học tập. Ngoài ra, các em cũng cần hệ thống các kiến thức theo lo-gic của môn vật lí.

Thời gian ôn tập và làm bài thi thường rơi vào những ngày nóng bức. Do đó, học sinh cần có thời gian biểu hợp lý trong những ngày ôn tập để có thể chuẩn bị tốt nhất về kiến thức và sức khỏe. Chúc các em thành công!

Một số định hướng khi ôn tập vật lí 12, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chương 1: Dao động cơ

- Con lắc lò xo, con lắc đơn là hai ví dụ điển hình về dao động điều hòa. Do đó, nó có đầy đủ tính chất của dao động điều hòa ngoài ra nó còn có các đặc trưng riêng như: biểu thức tính chu kỳ, biểu thức lực hồi phục.

- Pha dao động là đại lượng dùng để xác định trạng thái dao động (ly độ x, vận tốc v, gia tốc a). Do đó, cần hiểu rõ khái niệm này để xác định được yêu cầu của đề bài và hướng giải.

- Giản đồ véc tơ Fre-nen là một công cụ trực quan để giải các bài tập khó tưởng tượng về dao động.

Chương 2: Sóng cơ và sóng âm

- Bước sóng là đại lượng đặc trưng quan trọng với sóng. Như vậy, cần hiểu rõ công thức l = vT.

- Chú ý sóng âm cũng là sóng cơ nên nó có mọi đặc trưng của sóng cơ. Ngoài ra, sóng âm có các đại lượng đặc trưng do liên quan đến khả năng cảm thụ của tai người như cường độ âm, mức cường độ âm, độ cao, độ to, âm sắc

Chương 3: Dòng điện xoay chiều

- Phân biệt rõ các giá tức thời, hiệu dụng, cực đại của dòng điện, điện thế. Từ đó, xác định đúng công thức cần ấp dụng để xác định đại lượng cần tìm. Thông thường, xác định các giá trị tức thời của điện thế sẽ liên quan đến pha dao động, độ lệch pha.

- Cần chú ý đến các bài toán cơ bản của mạch điện xoay chiều RLC nối tiếp, trong đó chú ý tới khả năng tồn tại điện trở thuần r của cuộn dây.

- Cường độ dòng điện trong mạch RLC là như nhau với mọi phần tử. Như vậy, không cần phân vân cường độ dòng diện đề cập trong bài tập là cường độ dòng diện của điện trở, cuộn dây, tụ điện hay của cả mạch.

Chương 4: Dao động và sóng điện từ

Trong chương này bài tập thường tập trung vào bài mạch dao đọng LC còn lý thuyết thường nói về điện từ trường, sóng điện từ.

Chương 5: Sóng ánh sáng

- Làm rõ bản chất sóng của ánh sáng qua hiện tượng tán sắc, giao thoa.

- Khi ôn tập, cần vẽ thang sóng điện từ. Từ đó thấy được sóng điện từ có bước sóng khác nhau thì đặc điểm, ứng dụng cũng khác nhau..

Chương 6: Lượng tử ánh sáng

- Đây là chương chứa nhiều kiến thức của vật lý hiện đại do đó cần phân biệt rõ các thuật ngữ vật lý như photon, trạng thái dừng, các hiện tượng đặc trưng cho tính hạt của ánh sáng như quang điện ngoài, quang điện trong, quang phát quang.

- Các bài toán liên quan đến mẫu nguyên tử Bo, ta thường dùng giản đồ năng lượng.

Chương 7: Vật lý hạt nhân

- Chú ý hiện tượng phóng xạ không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài

- Không được áp dụng định luật bảo toàn khối lượng

- Định luật bảo toàn động lượng thường được sử dụng khi đề cập tới hướng chuyển động của các hạt nhân.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Nghĩa

Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư Phạm HN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm