Các trường đã giảm chỉ tiêu đào tạo ngành Kinh tế
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Năm nay, theo báo cáo của các trường thì cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi. Nhiều trường đã nghiêng hẳn về khoa học công nghệ, kỹ thuật, giảm bớt kinh tế”.
Trong mùa tuyển sinh 2012, nhiều trường ĐH,CĐ ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu. Theo Thứ trưởng nguyên nhân do đâu?
Không chỉ các các trường ngoài công lập khó khăn mà ngay cả các trường công lập cũng gặp rất nhiều khó khăn như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế Đà Nẵng… đây là tình trạng chung hiện nay, do kinh tế khó khăn, cán bộ quản lý kinh tế cũng đã bão hòa. Vấn đề này Bộ đã cảnh báo 2 năm trước đây do lượng đào tạo gấp đôi nhu cầu thực tế. Đa số các trường khó khăn năm nay là các trường tuyển sinh đơn ngành như kinh tế quản lý, còn những trường đa ngành thì vẫn tuyển bình thường. Chính khó khăn này cũng là để các trường có thể nhìn lại chiến lược phát triển của mình.
Vậy Bộ có giải pháp gì để giúp các trường khắc phục khó khăn trong tuyển sinh 2013?
Nguyên nhân Bộ đã phân tích nhiều. Điều kiện khách quan là kinh tế khó khăn, chủ quan là các trường chưa đảm bảo chất lượng. Hai yếu tố này đã ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường. Năm nay, theo báo cáo của các trường thì cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi. Nhiều trường đã nghiêng hẳn về khoa học công nghệ, kỹ thuật, giảm bớt kinh tế. Hy vọng năm nay, cơ cấu nhân lực có nhiều thay đổi theo đúng nhu cầu của xã hội. Sự điều chỉnh này mang tính tích cực.
Điều chỉnh lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ, TCCN
Nhiều ý kiến cho rằng các trường gặp khó khăn trong nguồn tuyển là do thiếu trung tâm dự báo thị trường nhân lực nên nhiều trường mở nhiều ngành mà xã hội đang dư thừa nguồn nhân lực và không mở ngành xã hội đang cần?
Việc giao chỉ tiêu cho các trường hiện nay là do các trường tự xác định theo thông tư 57. Bộ GD-ĐT chỉ quản lý chỉ tiêu tổng hợp, còn việc phân bổ chỉ tiêu cho từng ngành, hiệu trưởng các trường quyết định tùy theo thị trường lao động cho phù hợp. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch nguồn nhân lực đến 2020, đây là tài liệu căn bản để cho các trường, các cơ sở giáo dục và bộ cũng dựa vào đó để định hướng đào tạo các ngành nghề cho phù hợp.
Bộ đang tiến hành điều chỉnh lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ cho đến năm 2020 thay thế quyết định 121 của Thủ tướng trước đây để cho phù hợp với quy hoạch nhân lực và đồng thời điều phối mở ngành. Bộ cũng khuyến cáo các trường về những ngành nhân lực đang dư thừa, khuyến khích mở những ngành xã hội đang cần.
Không chỉ các trường ĐH ngoài công lập mà những trường CĐ, TCCN tuyển sinh cũng rất khó khăn. Lãnh đạo các trường CĐ cho rằng nguyên nhân do các trường ĐH có đào tạo CĐ và TCCN đã kéo hết thí sinh?
Không phải do các trường ĐH có đào tạo CĐ khiến việc tuyển sinh các trường CĐ khó khăn. Nói đào tạo ĐH nói chung tức là cả đào tạo ĐH và CĐ, lâu nay hệ thống đã chạy như vậy rồi. Cũng giống như chúng ta đã đào tạo TCCN ở các trường ĐH, CĐ và cũng không phải vì thế mà TCCN tuyển sinh khó khăn. Điều này thể hiện ở việc năm 2012 chúng ta đã giảm rất mạnh chỉ tiêu TCCN ở các trường ĐH nhưng các trường TCCN vẫn không tuyển được nhiều thí sinh như mong đợi. Nguyên nhân sâu xa nhất trong chuyện này là do phân luồng và do sự lựa chọn của xã hội.
Năm trước rất nhiều trường bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy chế tuyển sinh. Vậy tuyển sinh năm 2013 này, công tác thanh tra tuyển sinh của bộ thực hiện như thế nào?
Thanh tra để các trường làm tốt hơn để thu hút sự quan tâm của xã hội. Những trường bị xử lý là những trường không đảm bảo điều kiện đảm bảo chất lượng.
Năm nay Bộ giao quyền tự chủ rất cao cho các trường, do đó công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường. Bộ sẽ thanh tra liên kết, liên doanh đào tạo, mở ngành, chất lượng đào tạo. Tất cả những trường đào tạo không đúng, Bộ chấn chỉnh xử lý kịp thời. Từ nay Bộ sẽ tăng cường giám sát song song với giao quyền tự chủ.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hồng Hạnh (thực hiện)