Các trường chạy nước rút chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp 2020
(Dân trí) - Sau thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội, phòng ngừa Covid-19 học sinh THPT tiếp tục trở lại trường. Ngay lập tức, sĩ tử lớp 12 cùng thầy cô giáo và nhà trường bước vào “cuộc đua” nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.
Gấp rút chuẩn bị phương án học tập
Trong thời gian học sinh THPT thực hiện giãn cách xã hội, phòng ngừa Covid-19, các trường đã nhanh chóng, linh hoạt chuyển phương án học tập sang online. Đối với các lớp 12, chương trình học tập được nhà trường, thầy cô giáo tinh gọn dựa trên những chỉ đạo của Bộ Giáo dục – Đào tạo, làm sao để học sinh hoàn thành chương trình đúng thời hạn, nắm chắc kiến thức cơ bản phục vụ cho việc thi tốt nghiệp THPT. Phương án học tập qua truyền hình cũng được Đài Truyền hình Việt Nam lên kế hoạch sản xuất và phát sóng nhiều chương trình ôn tập phục vụ nhu cầu của sĩ tử, đặc biệt là các em ở vùng nông thôn, điều kiện tiếp cận Internet còn hạn chế.
Khi Covid-19 cơ bản được kiểm soát, trước thời điểm học sinh toàn quốc quay trở lại trường, nhiều trường THPT ở một số tỉnh thành nguy cơ thấp như Nam Định, Hải Dương, Bắc Kạn đã cho học sinh trở lại trường. Bên cạnh công tác đảm bảo an toàn phòng dịch, kế hoạch cùng học sinh cuối cấp học tập trong thời gian từ nay đến thời điểm kết thúc năm học 2019 – 2020 được các trường lên phương án kỹ lưỡng. Trong đó, hầu hết các trường THPT đều chủ động kế hoạch dạy và học theo phương án nước rút: chương trình tinh giản rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình học, đảm bảo có thể kịp kết thúc đúng thời gian năm học điều chỉnh, đồng thời vẫn cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản theo chương trình tinh giản và ôn tập dự thi THPT.
Phát huy tinh thần tự học của học sinh
Học sinh học tập tại nhà không đồng nghĩa với việc vai trò của nhà trường giảm nhẹ. Ngoài việc thường xuyên nắm bắt kế hoạch học tập trong năm học “đặc biệt” do Bộ Giáo dục – Đào tạo chỉ đạo, các trường cũng nhanh chóng đưa ra nhiều cách hỗ trợ thầy cô giáo và học sinh trong việc học trực tuyến.
Nhiều trường chủ động cùng các thầy cô thực hiện livestream, video dạy học, đăng tải trên các kênh thông tin chính thức của trường, giúp học sinh nhất là học sinh cuối cấp tiện ôn tập, không bị gián đoạn kiến thức trong thời gian giãn cách xã hội. Thông tin về kế hoạch học tập, kỳ thi tốt nghiệp THPT… được trường cập nhật nhanh chóng và đầy đủ tới học sinh. Được biết, một số trường ở các địa phương nông thôn, miền núi, nơi học sinh khó tiếp cận Internet còn gấp rút tổ chức các nhóm ôn tập nhỏ 3-5 bạn giúp sĩ tử ôn thi hoặc cử các thầy cô giáo trực tiếp đến tận nhà học sinh dạy học, hướng dẫn việc học cho các bạn.
Cùng học sinh chọn ngành, chọn trường
Đứng trước mùa tuyển sinh có lẽ là đặc biệt nhất trong nhiều năm trở lại đây, ngay từ khi học sinh chưa đi học lại, các trường đã lên phương án tổ chức thi tuyển và đảm bảo quyền lợi cho sĩ tử. Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu mỗi trường THPT công lập biên soạn 9 đề thi tốt nghiệp THPT (mỗi môn thi biên soạn 1 đề). Sau đó, Sở tổng hợp, gửi cho các trường tham khảo, làm tài liệu dạy và hướng dẫn ôn tập cho học sinh lớp 12. Sở cũng yêu cầu các trường làm tốt công tác hướng dẫn ôn thi, làm quen cấu trúc đề, đăng ký các môn thi tổ hợp phù hợp, cho đến các kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm…
Thời gian qua, việc kỳ thi THPT năm nay chỉ có mục đích xét tốt nghiệp có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nhiều sĩ tử cuối cấp. Các trường ngay lập tức phải làm công tác ổn định tâm lý, hướng nghiệp, hướng dẫn chọn ngành, chọn trường phù hợp cho học sinh. Dù các trường ĐH được tự chủ phương án tuyển sinh, một số trường tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng nhưng nhiều trường vẫn lấy kết quả thi THPT làm điều kiện xét tuyển hoặc xét tuyển sớm bằng kết quả học bạ. Đây là điều học sinh nên lưu ý để có lựa chọn ngành, chọn trường phù hợp với sức học của mình.
Trường ĐH FPT là một ví dụ về trường có nhiều phương thức xét tuyển trong đó có xét tuyển học bạ. Nhiều học sinh lớp 12 đã nộp hồ sơ vào ĐH FPT từ khá sớm. “Em không lo lắng lắm về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Năm nay, em có nguyện vọng vào ĐH FPT và đã nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào trường từ sớm rồi. Kỳ thi THPT em cần đạt tối thiểu 15 điểm.” Trần Phương (Thạch Thất, Hà Nội) – chia sẻ. Ngoài ra, năm nay, ĐH FPT dự kiến trao 800 suất học bổng cho các học sinh có thành tích học tập phổ thông xuất sắc, năng khiếu văn hoá văn nghệ hoặc vượt qua kỳ thi học bổng do trường tổ chức, dự kiến đợt 1 vào cuối tháng 6. Đây là hình thức thu hút đầu vào chất lượng cao, khuyến khích tinh thần học tập của các bạn trẻ, được ĐH FPT thực hiện thường niên.
Cùng học sinh ôn tập nước rút để chuẩn bị thi THPT là một bài toán phức tạp nhưng chắc chắn sẽ có lời giải. Mỗi trường, cùng đội ngũ giáo viên và học sinh có thể tìm ra một lời giải phù hợp nhưng tất cả đều đi đến đáp số hoàn thành nhiệm vụ học tập và suôn sẻ vượt qua kỳ thi quan trọng sắp tới.
Năm 2020, Trường ĐH FPT dự kiến tuyển sinh các ngành: Quản trị kinh doanh (Digital Marketing, Kinh doanh quốc tế, Quản trị khách sạn, Quản trị truyền thông đa phương tiện, Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành), CNTT (Kỹ Thuật Phần mềm, Trí tuệ nhân tạo, IoT, An toàn thông tin, Thiết kế mỹ thuật số, Hệ thống thông tin, Hệ thống ô tô và điều khiển), Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn.
Thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào ĐH FPT khi:
- Điểm các môn thi trong kỳ thi THPT 2020 thuộc Top50 THPT toàn quốc năm 2020 (theo số liệu Đại học FPT tổng hợp và công bố sau kỳ thi THPT 2020) và điểm theo khối xét tuyển đạt từ trung bình trở lên (15/30 điểm);
- Hoặc: Điểm học bạ thuộc Top50 THPT toàn quốc năm 2020 (chứng nhận thực hiện trên trang http://SchoolRank.fpt.edu.vn)
Dự kiến 800 suất học bổng Nguyễn Văn Đạo toàn phần và bán phần tối đa 100% học phí trong suốt quá trình học sẽ được trao cho các thí sinh có thành tích xuất sắc trong các cuộc thi Học sinh giỏi, năng khiếu, kì thi THPT Quốc Gia và thi học bổng của trường.
Ngọc Trâm - Trường Thịnh