Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đầu tư vào giáo dục như thế nào cho tương lai?
(Dân trí) - Các cơ sở giáo dục đều sẽ được chính phủ UAE hỗ trợ, theo đó 5 tỷ Dirham (khoảng 31 nghìn tỷ đồng) đã được phân bổ để đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho các trường học, học viện trong sáu năm tới, theo Khaleej Times.
Nội các UAE, do Hoàng thân Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum đứng đầu, Phó Chủ tịch, Thủ tướng UAE và các nhà cầm quyền tại Dubai, gần đây đã xem xét tiến trình thành lập “Mô hình Trường học Emirati”. Mô hình này đang được triển khai tại 800 trường công lập và tư thục trên toàn UAE để chuẩn bị cho các thế hệ có khả năng dẫn dắt tương lai của UAE.
Mục đích của chương trình là để giải quyết các nhu cầu của thị trường việc làm, thông qua phương pháp giảng dạy hiện đại trong nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau, cũng như tập trung vào các hoạt động giải trí để đảm bảo mọi khía cạnh của học sinh đều được chú ý phát triển đầy đủ.
Thông qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến và phương pháp giảng dạy đổi mới, các trường UAE đang thúc đẩy một môi trường học tập thu hút sinh viên và khuyến khích họ có những tư duy vượt trội, đổi mới ngoài giới hạn.
Chính phủ UAE cũng đang nỗ lực phát triển các khóa học nghề hiện đại để thu hút nhiều sinh viên như một phần của chiến lược phát triển. Thêm vào đó, trong nhiệm vụ chiến lược Tầm nhìn 2021 và các kế hoạch khác tập trung vào đa dạng hóa nền kinh tế, chính phủ đặc biệt tập trung vào việc phát triển thêm nhiều học viện đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động lành nghề từ các ngành công nghiệp.
Theo tờ Gulf News, nền giáo dục ở UAE đang phát triển nhanh chóng với sự tập trung ngày càng tăng vào việc làm sao để chương trình giảng dạy phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Ý thức được tính cạnh tranh khốc liệt của thế giới ngày nay, mỗi nhân viên đều cần tính năng động và thích nghi tốt, các trường học đang áp dụng các kỹ thuật dạy và học định hướng tương lai để giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho nơi làm việc.
Jasmine Anand, giám đốc điều hành của trường Springdales, Dubai, cho biết: “Hiện tại chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển học tập chuyên sâu, tác động đến sự đổi mới, thay vì nhồi nhét các kiến thức cho một bài kiểm tra ít liên quan đến kinh nghiệm cuộc sống lâu dài của học sinh, sinh viên ngày nay.
Học tập đã chuyển từ tập trung vào giáo viên sang lấy học sinh làm trọng tâm - từ phương pháp cô nói trò nghe chuyển sang học tập tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin và Internet vào trải nghiệm học tập của học sinh”.
Nhờ sự tiến bộ của công nghệ, các trường học có thể nắm lấy các công cụ sáng tạo và tương tác để khuyến khích học sinh, sinh viên tiếp thu các kỹ năng kỹ thuật số hữu ích cho tương lai.
Ví dụ, Trường quốc tế Raffles (RIS) sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) làm nền tảng để bổ sung cho việc dạy và học trên lớp. Tim Richardson, Hiệu trưởng Trường, cho biết: “Thông qua các nền tảng AI, hồ sơ sinh viên được phát triển để xác định cách mỗi cá nhân có thể học hiệu quả nhất và giải quyết bất kỳ "lỗ hổng" nào trong quá trình học.
Bên cạnh việc nắm bắt công nghệ, RIS cũng đã giới thiệu các khóa học BTEC vào năm ngoái nhằm cung cấp cho sinh viên một chương trình học tập liên kết chặt chẽ giữa các học giả và áp dụng học tập trong bối cảnh thế giới thực.
Trường Khoa học Quốc tế Thụy Sĩ tại Dubai (SISD) lại cung cấp cho tất cả học sinh từ lớp 4 trở đi quyền truy cập vào các công cụ dựa trên điện toán đám mây của Microsoft như Email, Word, Excel và Powerpoint.
Ông Amir Yazdanpanah, Trưởng phòng Đổi mới Công nghệ tại SISD, chia sẻ: “Bộ phận đổi mới công nghệ của chúng tôi hợp tác với các giáo viên để thiết kế, phát triển và thực hiện các nội dung hướng dẫn, các khóa học và dự án sau đó tích hợp thành các môn học STEM hoàn hảo”.
David Hicks, Hiệu trưởng, Học viện Quốc tế Dubai, Al Barsha, cho biết: “Sử dụng phương pháp phân tích sâu hiệu suất học tập của sinh viên thông qua các công cụ phân tích như bảng tính và cơ sở dữ liệu giúp chúng tôi xác định điểm mạnh và điểm yếu của sinh viên”.
Một ví dụ khác về đẩy mạnh ứng dụng khó học công nghệ, đó là tại trường Dubai British School, chương trình BYOD (Bring your own device - Mang theo thiết bị của riêng bạn) khuyến khích trải nghiệm học tập sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm bằng cách chấp nhận các thiết bị công nghệ khác nhau của học sinh, là chìa khóa để chuẩn bị cho những người trẻ trong tương lai.
Thái Hằng
(Theo SIN)