Các nhà trường làm gì để có thưởng Tết cho giáo viên?
(Dân trí) - Không có nguồn thu, Tết đến, xuân về, để có món quà Tết cho cán bộ, giáo viên, nhiều trường học tại huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) đã luôn cố gắng tiết kiệm trong chi tiêu thường xuyên.
Thưởng Tết chủ yếu từ nguồn tiết kiệm
Những ngày này, cũng như nhiều địa phương khác, thầy cô giáo tại các trường học trên địa bàn huyện miền núi Thường Xuân, Thanh Hóa đang bận rộn cho việc hoàn thành chương trình và sơ kết học kỳ I, năm học 2020 - 2021.
Thầy Nguyễn Văn Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Sơn 1, xã Lương Sơn, huyện miền núi Thường Xuân, Thanh Hóa cho biết, nhà trường có 43 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 704 học sinh. Ngoài điểm trường chính, nhà trường còn có 4 điểm lẻ.
"Tết đến xuân về, khi đời sống cán bộ, giáo viên còn có những khó khăn nhất định, nên ban giám hiệu nhà trường luôn cố gắng quan tâm, động viên cả về tinh thần và vật chất trong những ngày lễ, ngày Tết đối với thầy cô giáo", thầy Anh chia sẻ.
Theo thầy Anh, để chuẩn bị cho thưởng Tết Nguyên đán, ban giám hiệu và công đoàn nhà trường đã họp bàn, trong đó bám vào kế hoạch năm học cũng như quy chế chi tiêu nội bộ. Tuy là đơn vị nằm ở vùng khó, đời sống còn vất vả nhưng nhà trường cũng luôn cố gắng để động viên anh em và dành một khoản nhất định từ tiết kiệm để thưởng Tết cho giáo viên. Dự kiến, nhà trường sẽ kết hợp tổ chức sơ kết học kỳ I, trao thưởng Tết và liên hoan cuối năm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
"Thưởng Tết năm nay dự kiến 500.000 đồng/người, chủ yếu là từ nguồn tiết kiệm chi nghiệp vụ thường xuyên. Giáo dục biết lấy đâu ra nguồn khác, không thể huy động phụ huynh học sinh để thưởng Tết cho giáo viên được", thầy Anh thông tin.
Không chỉ tiết kiệm để thưởng Tết cho giáo viên, nhà trường còn dự kiến tặng 10 suất quà cho người nghèo không nơi nương tựa và học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, dự kiến mỗi suất quà 300 nghìn.
Nhắc đến chuyện thưởng Tết của các đơn vị, doanh nghiệp, thầy Anh ví von: "Sản phẩm của các nhà máy, xí nghiệp là ra bằng tiền luôn, còn đối với các thầy cô giáo, sản phẩm là trí tuệ nên còn lâu dài lắm…".
Cô Đào Thị Hường, giáo viên Trường Tiểu học Lương Sơn 1 đã có 19 năm công tác trong ngành giáo dục. Trước khi về Trường Tiểu học Lương Sơn 1, cô từng công tác ở một trường biên giới xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân.
"Về chế độ đãi ngộ ở tất cả các hoạt động trong năm, nhà trường thực hiện rất tốt. Còn với dịp Tết, nhà trường không chỉ quan tâm đến việc thưởng Tết Nguyên đán mà Tết Dương lịch còn tổ chức một cuộc tọa đàm, gặp mặt dâu, rể đầu xuân rất trang trọng. Qua đây, mọi người được gắn kết với nhau, tạo động lực để giáo viên gần gũi hơn, gia đình yên tâm, giúp đỡ nhiều hơn cho giáo viên được cống hiến. Ngoài ra, có một số giáo viên có hoàn cảnh khó khăn hơn, không chỉ thưởng Tết, nhà trường còn đến tận nơi động viên, trao quà", cô Hường chia sẻ.
Nói về thưởng Tết của các đơn vị, doanh nghiệp và các ngành nghề khác, cô Hường chia sẻ: "Ban đầu, khi mới nghe qua mức thưởng Tết của nhiều ngành, đơn vị, doanh nghiệp cũng chạnh lòng và có sự so sánh, nhưng nhìn đi nhìn lại, ai làm được bao nhiêu thì thưởng bấy nhiêu thôi. Hơn nữa, ngành giáo dục còn nhiều khó khăn, đặc biệt là giáo dục miền núi.
Với quà thưởng Tết của nhà trường, dùng từ hậu thì không phải nhưng theo tôi như vậy là phù hợp với điều kiện tài chính của nhà trường và cũng đảm bảo đối với anh chị em. Trong tình hình đang dịch Covid-19 mà mình thì đơn vị hành chính sự nghiệp, như vậy là đảm bảo rồi, có khả năng còn được nhận 2 tháng lương để tiêu Tết nữa".
Mức thưởng cũng chỉ mang tính chất động viên
Theo thầy Nguyễn Việt Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, đơn vị trường học là cơ quan hành chính sự nghiệp, kinh phí 100% là cơ quan Nhà nước cấp, chế độ của cán bộ, giáo viên theo quy định của nhà nước. Không có nguồn nào dành riêng cho việc thưởng Tết giáo viên, tùy vào từng năm, việc tặng quà Tết cho cán bộ, giáo viên căn cứ vào các hoạt động của nhà trường, quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm và được thảo luận qua hội nghị viên chức đầu năm học.
Cũng theo thầy Dũng, mức thưởng Tết cũng chỉ mang tính chất động viên thôi chứ không như các đơn vị kinh doanh. Với nhà trường, mức bình quân, Tết Âm lịch là 500 - 1 triệu đồng/người. Nếu như năm nào có nhiều công việc chuyên môn thì phải ưu tiên kinh phí cho việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Cô Lê Thị Hương, giáo viên Trường THCS Ngọc Phụng, chia sẻ: "Về thưởng Tết cho giáo viên, từ khi tôi ra trường năm 2003 đến bây giờ, năm nào cũng có nhưng so với các ngành nghề khác thì số tiền thưởng Tết của giáo viên hạn chế, không được bao nhiêu. Nhưng trong điều kiện của nhà trường, như vậy đã là hết sức tạo điều kiện cho giáo viên tùy theo điều kiện tài chính của nhà trường. Mức thưởng mấy năm nay từ 500 - 1 triệu đồng/ người.
Giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống vất vả, so với các ngành khác thì giáo dục không dám so rồi. Mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của nhà nước, các cấp, ngành cho giáo viên".
Ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân cho biết: Trên địa bàn huyện Thường Xuân ở cả 3 cấp học có 58 đơn vị trường học với khoảng 1.700 cán bộ, giáo viên. Trong đó có 27 đơn vị trường học nằm ở địa bàn 9 xã vùng khó khăn.
Chia sẻ về thưởng Tết cho giáo viên, theo ông Tuấn: "Đối với giáo dục, các nguồn thu khác không có, chủ yếu các nhà trường tiết kiệm chi tiêu để có nguồn kinh phí tặng quà cho cán bộ, giáo viên. Quan điểm của ngành chỉ đạo các trường không phải Tết Nguyên đán mà vào các ngày lễ như 20/10, 20/11, Tết Dương lịch, biết là khó khăn do không có nguồn thu nên phải có kế hoạch trong năm để làm sao đến ngày lễ, tết có một chút động viên tinh thần các thầy cô.
Cố gắng làm sao tiết kiệm từ nhiều nguồn trong nhà trường để làm sao vào Tết nguyên đán, các trường động viên thầy cô giáo mức từ 500 nghìn đồng".