Các chuyên gia khuyên vượt qua tâm lý sợ hãi, đừng xem AI là kẻ thù
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, hiện nay rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình phát triển và đạt hiệu quả cao.
Hội thảo quốc tế về phát triển kinh tế và doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới đã diễn tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế (quận Thuận Hóa, thành phố Huế).
Sự kiện quy tụ đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân và nhà hoạch định chính sách từ nhiều quốc gia, tạo cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác nhằm vượt qua những thách thức của kỷ nguyên mới.

Giáo sư Tom Smith, đến từ Úc, chia sẻ về những xu hướng và sự chuyển đổi của nền kinh tế toàn cầu (Ảnh: Vi Thảo).
Giáo sư Tom Smith từ Đại học Macquarie, Úc, một trong những diễn giả chính, đã trình bày về các xu hướng và sự chuyển đổi của nền kinh tế toàn cầu.
Theo Giáo sư Smith, nếu thế kỷ XX và XXI chứng kiến sự thịnh vượng toàn cầu nhờ các đột phá công nghệ như động cơ hơi nước hay internet, thì kỷ nguyên mới sẽ được dẫn dắt bởi công nghệ sạch, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tài chính (Fintech). Ông nhấn mạnh Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải, Đại học Hải Phòng, nhận định, để Việt Nam - một quốc gia đang phát triển ở trình độ trung bình - vươn mình và bắt kịp thế giới, cần phải dựa vào công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.
Ông cũng đề cập đến Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhằm mục tiêu đưa đất nước phát triển hùng cường trong kỷ nguyên mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải, đến từ Đại học Hải Phòng (Ảnh: Vi Thảo).
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải cũng chỉ ra những khoảng trống, hạn chế trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay.
Ông nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách đồng bộ, khung pháp lý hoàn chỉnh và nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế số, chuyển đổi số và AI, qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể liên quan.
Trước thực trạng thông tin, dữ liệu bị đánh cắp, ông Hải khuyến nghị người dùng cần hiểu rõ về AI khi áp dụng chuyển đổi số.
“Chúng ta phải nghiên cứu, học hỏi và cần vượt qua tâm lý sợ AI, xem nó là phương tiện, công cụ hỗ trợ, chứ không phải là kẻ thù, từ đó áp dụng để đạt được mục đích phát triển kinh tế, kinh doanh”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải khẳng định.

Hội thảo về phát triển kinh tế và doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới tại Trường Đại học Kinh tế Huế (Ảnh: Vi Thảo).
Các đại biểu tại hội thảo cũng tập trung thảo luận về các chiến lược và mô hình kinh doanh giúp doanh nghiệp thích nghi, phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tấn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế, thông tin hội thảo đã nhận được 175 bài báo để xuất bản trong kỷ yếu và có 28 bài trình bày trực tiếp, trực tuyến.
Bên cạnh phiên toàn thể, sự kiện còn tổ chức các phiên song song, tạo không gian thảo luận sâu rộng về chuyển đổi kinh tế, đổi mới doanh nghiệp và phát triển bền vững.