Cà Mau: 25.000 lao động sẽ được dạy nghề ngành nông, lâm, ngư nghiệp
(Dân trí) - UBND tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2015, lao động cần đào tạo nghề là 35.000 người, trong đó phục vụ trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 25.000 người. Số nhân lực còn lại thuộc ngành công nghiệp sửa chữa, may mặc, chế biến, dịch vụ…
UBND tỉnh Cà Mau vừa có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao của tỉnh. Trong đó, mục tiêu chung của kế hoạch là xây dựng nhanh nguồn nhân lực nghề nghiệp có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, nhất là nhân lực có chất lượng cao cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, gắn đào tạo với sử dụng lao động đã qua đào tạo.
Từng bước hình thành đội ngũ nguồn nhân lực có tay nghề tương xứng với yêu cầu vị trí công việc; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, lao động qua đào tạo nghề tham gia hoạt động sản xuất, dịch vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
UBND tỉnh Cà Mau cho biết, mục tiêu trong năm 2015, lao động cần đào tạo là 35.000 người. Trong đó phục vụ trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 25.000 người (chiếm 71,4%); ngành công nghiệp sửa chữa, may mặc, chế biến, dịch vụ là 10.000 người (chiếm 28,6%).
Giai đoạn năm 2016- 2020, mục tiêu lao động cần đào tạo là 170.000 người. Trong đó phục vụ trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 120.000 người (chiếm 70,6%); ngành công nghiệp xây dựng, sửa chữa, may mặc, chế biến, dịch vụ là 50.000 người (chiếm 29,4%).
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động của cả 3 trình độ: Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề và Sơ cấp nghề, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Trong đó tập trung đào tạo nghề trình độ cao trong những ngành trọng yếu như điện tử, công nghệ thông tin…và các ngành dịch vụ chất lượng cao như du lịch, thương mại…
Theo UBND tỉnh Cà Mau, để đạt các mục tiêu trên, tỉnh tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; trong đó định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động, lấy tín nhiệm thị trường lao động đối với người học sau khi tốt nghiệp là tiêu chí để đánh giá uy tín, chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; trong đó sẽ rà soát, xác định thế mạnh theo lĩnh vực ngành nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện phân công nhiệm vụ đào tạo theo từng lĩnh vực, ưu tiên các nghề trọng điểm cấp quốc gia, cấp khu vực, các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh.
Tỉnh cũng phát triển thêm các cơ sở dạy nghề như Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc; trong đó tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại và phù hợp cho mỗi trường, mỗi ngành nghề đào tạo.
Một giải pháp không thể thiếu là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề đảm bảo bố trí hợp lý cho từng ngành học. Xây dựng chương trình, giáo trình trên cơ sở đa dạng hóa các phương thức, phương pháp dạy học, đổi mới nội dung bảo đảm cho người học sau khi ra trường thực hành nghề có chất lượng, đạt hiệu quả.
Huỳnh Hải