Bức thư ngỏ gửi Ban soạn thảo trợ cấp nhà giáo

(Dân trí) -Sau khi Ban soạn thảo trợ cấp nhà giáo lên tiếng trả lời công luận thì TS Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã có bức thư ngỏ hồi đáp. Nội dung bức thư tiếp tục nêu lên những sai lầm của Ban soạn thảo khi làm chính sách.

Dân trí xin đăng tải nội dung bức thư ngỏ gửi Ban soạn thảo trợ cấp nhà giáo của TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.

Trước hết, chúng tôi hết sức hoan nghênh sự hồi đáp của Ban soạn thảo với công luận của các nhà giáo. Chúng tôi vô cùng biết ơn Ban soạn thảo đã hết sức trân trọng lắng nghe những ý kiến đóng góp và những nguyện vọng của nhà giáo nghỉ hưu. Trong thông tin phản hồi, các đồng chí đã làm rõ phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo đã nghỉ hưu trước năm 1993.

Còn vấn đề giải quyết chế độ thâm niên cho cán bộ quản lý giáo viên nghỉ hưu từ 1/1/1994 đến 1/5/2011 là chưa thỏa đáng. Theo các đồng chí: “Nếu thực hiện “hồi tố” chế độ phụ cấp thâm niên theo mức tương ứng như theo quy định tại Nghị định 54/2010 NĐ-CP (sau 5 năm được hưởng 5% và mỗi năm sau đó được hưởng thêm 1%) thì kinh phí phải chi trả sẽ rất lớn (khoảng 1.600 tỷ đồng/năm) vượt quá khả năng ngân sách Nhà nước và không đúng với tinh thần của Nghị quyết số 21/2011/QH 13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội Khóa XIII (là thực hiện chế độ trợ cấp đối với giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên)”.

Tất cả những lý lẽ trên của Ban soạn thảo là chưa thuyết phục các nhà giáo nghỉ hưu.Trước hết, lý do Nhà nước không đủ kinh phí để trả 1.600 tỷ đồng/1 năm là lý do không thỏa đáng. Hiện nay nhiều tổng công ty, ngân hàng còn nợ Nhà nước nhiều nghìn tỷ (riêng Vinashin đã là trên 2.000 tỷ đồng). Vậy có công bằng với các nhà giáo khi để chi lương thâm niên cho họ Nhà nước không chi quá 1% những tham ô lãng phí hàng năm của các Tổng Công ty?

Còn các đồng chí cho rằng nếu giải quyết thâm niên cho các nhà giáo nghỉ hưu từ 1/1/1994 đến 1/5/2011 là “không đúng với tinh thần của Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội khóa XIII (là chế độ trợ cấp đối với giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên)”. Như vậy là các đồng chí đã nhầm lẫn 2 vấn đề: Giữa Luật Giáo dục bổ sung và được Quốc hội thông qua năm 2009 với Nghị quyết số 21/2011/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2011. Chắc chắn Luật phải cao hơn Nghị quyết khi cùng được Quốc hội thông qua. Mặt khác, Nghị quyết 21/2013/QH13 chỉ ra đời khi các nhà giáo nghỉ hưu từ 1/1/1994 đến 1/5/2011 không được hưởng phụ cấp thâm niên, nếu ta giải quyết được việc này, sao lại lo Quốc hội quở trách làm trái với Nghị quyết của Quốc hội?

Còn một lý do mà Ban soạn thảo đưa ra là “Theo Nghị định 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ, những cán bộ công chức của 6 ngành (Thanh tra, kiểm sát, kiểm toán, tòa án, kiểm lâm) đã nghỉ hưu từ 31/12/2008 trở về trước không được tính lương phụ cấp thâm niên trong lương hưu và cũng không có khoản trợ cấp nào”.

Ban soạn thảo lại một lần nữa lầm lẫn. 6 ngành được kể trên mới được hưởng phụ cấp thâm niên từ 1/1/2009 còn trước đó họ có được hưởng phụ cấp thâm niên đâu nên những người về hưu trước đó không được hưởng là đúng luật. Những ngành khác chưa có nên không đòi được còn ngành giáo dục đã được hưởng phụ cấp thâm niên từ trước năm 1993 trong đó các nhà giáo nghỉ hưu cũng được hưởng.

Như vậy, những nhà giáo nghỉ hưu từ 1/1993 đến tháng 5/2011 là đã bị mất thâm niên vốn có theo Luật Giáo dục quy định. Vì Chính phủ thay đổi tiền lương nên bị dừng. Nay chế độ thâm niên lại được hưởng thì mặc nhiên họ phải được tiếp tục hưởng. Nghị định 54/2011/NĐ-CP đáng lẽ phải kế thừa Quyết định Chính phủ số 309/CP ngày 9/12/1988 nhưng rất tiếc những người tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 54/2011/NĐCP đã làm trái với Luật Giáo dục 2009.

Chúng tôi kiến nghị Ban soạn thảo trợ cấp nhà giáo không cần phải soạn thảo trợ cấp cho các nhà giáo nghỉ hưu vì chắc họ đã đồng lòng không nhận sự thương hại này. Ban soạn thảo hãy tập trung công sức để thuyết phục Chính phủ “hồi tố” cho các nhà giáo nghỉ hưu trước ngày 1/5/2011. Nếu không, sự bất công, sự vô tình với các nhà giáo nghỉ hưu đã hết lòng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục không biết bao giờ Ban soạn thảo mới trả hết nợ.

TS. Nguyễn Tùng Lâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm